Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khai thác cơ hội mới tạo phát triển vượt bậc

Nhóm phóng viên Ban Nông nghiệp - Nông thôn| 31/07/2018 06:58

(HNM) - Sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, các huyện ngoại thành của TP Hà Nội đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực...


Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa:
Tạo đột phá trong mọi lĩnh vực


Sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Huyện ủy Phú Xuyên luôn xác định phát triển kinh tế là trọng tâm, xây dựng Đảng là then chốt, phát triển văn hóa là nền tảng, quản lý đô thị và xây dựng nông thôn là quan trọng; bảo đảm quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên, để từ đó có sự phân công trách nhiệm “rõ người, rõ việc” và triển khai thực hiện các nhiệm vụ trong toàn Đảng bộ.

Trải qua 10 năm nỗ lực, phấn đấu, Phú Xuyên đã có những đổi thay vượt bậc: Kinh tế tăng trưởng bình quân 5,36%/năm; sản xuất nông nghiệp tiếp tục là lĩnh vực thế mạnh của huyện; giá trị sản xuất nông nghiệp năm 2017 đạt 1.747,938 tỷ đồng, gấp 3,32 lần so với năm 2008. Các mặt công tác: Y tế, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, giáo dục, đào tạo nghề, đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân ngày càng được nâng lên... Đặc biệt, công tác cán bộ của huyện đã tạo được những đột phá. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ được quan tâm, chủ động tạo nguồn cán bộ cho các nhiệm kỳ, góp phần cống hiến sức lực, trí tuệ xây dựng quê hương Phú Xuyên và Hà Nội ngày một giàu đẹp, văn minh.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy:
Xây dựng huyện nông thôn mới


Trong 10 năm qua, Thường Tín cùng các địa phương phát huy mọi tiềm năng và thế mạnh, nỗ lực vươn lên, góp phần thúc đẩy sự phát triển chung của Thủ đô. Nhờ đó, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tăng gấp 2 lần (từ 204,9 tỷ đồng năm 2008 lên 414,6 tỷ đồng năm 2017); chi đầu tư cho phát triển tăng gấp 2 lần (từ 145,540 tỷ đồng năm 2008 lên 284,226 tỷ đồng năm 2017)… Chương trình xây dựng nông thôn mới thay đổi toàn diện, toàn huyện đã có 19/28 xã đạt chuẩn nông thôn mới (67,86%); tỷ lệ hộ nghèo giảm, còn 1,04%; thu nhập bình quân tăng từ 27,7 triệu đồng/người/năm (năm 2008) lên 32,8 triệu đồng/người/năm (năm 2017). Thời gian tới, Thường Tín tiếp tục tranh thủ huy động mọi nguồn lực để hoàn thành tốt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới để đưa huyện Thường Tín phát triển theo hướng đô thị hiện đại, văn minh.

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Ứng Hòa Phạm Anh Tuấn:
Bứt phá từ huyện thuần nông


Với xuất phát điểm là huyện thuần nông, nhưng nhờ sự quan tâm hỗ trợ của Thành ủy, UBND thành phố, sự nỗ lực của chính quyền và nhân dân địa phương, sau 10 năm điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Ứng Hòa đã có những bước tiến quan trọng. Huyện tích cực thực hiện chuyển dịch cơ cấu mùa vụ, cơ cấu giống cây trồng, bố trí hợp lý nhiều loại giống lúa mới, cây trồng có giá trị kinh tế cao. Ứng Hòa trở thành vựa lúa, vựa thủy sản, vùng nông nghiệp trọng điểm, vành đai xanh của Thủ đô. Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn trên địa bàn huyện, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, 15/28 xã của Ứng Hòa đã được thành phố công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Thời gian tới, Ứng Hòa tiếp tục phát huy tiềm năng trong phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân, quan tâm đến công tác vệ sinh môi trường; tạo điều kiện thuận lợi, duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí về nông thôn mới. Bên cạnh đó, Ứng Hòa phát huy truyền thống hiếu học, giữ gìn nét đẹp văn hóa của quê hương cách mạng anh hùng; bảo đảm ổn định chính trị, góp phần cùng Thủ đô phát triển toàn diện...

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Nguyễn Văn Hoạt:
Mở ra nhiều cơ hội phát triển


Trong 10 năm qua, Mỹ Đức có đổi thay rất lớn. Nếu như trước năm 2008, thu nhập bình quân của huyện chỉ đạt 6 triệu đồng/người/năm thì năm 2018, dự kiến con số này là 38,6 triệu đồng. Về hạ tầng kinh tế, xã hội, toàn bộ trục chính của huyện Mỹ Đức và nhiều cây cầu như: Ba Thá, Mỹ Hòa và nhiều tuyến đường liên xã đã được thành phố quan tâm đầu tư, mở ra cơ hội phát triển rất lớn cho huyện Mỹ Đức.

Một thành tựu lớn nữa là sự nghiệp giáo dục và đào tạo của huyện Mỹ Đức có sự phát triển vượt bậc. Mặc dù hiện nay mức thu nhập của người dân huyện Mỹ Đức nằm trong số 5 huyện thuộc top cuối của thành phố, nhưng vị trí giáo dục và đào tạo của huyện lại nằm ở vị trí nửa đầu (16-19)/30 quận, huyện, thị xã phát triển. Phát huy kết quả sau 10 năm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện tiếp tục huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kết nối với trung tâm thành phố, tạo bước phát triển mạnh hơn, bền vững hơn trên các mặt kinh tế - xã hội; trong đó, đặc biệt chú trọng khai thác lợi thế phát triển du lịch…

Bí thư Huyện ủy Thanh Oai Đinh Trường Thọ:
Diện mạo nông thôn đổi thay mạnh mẽ


Một thập kỷ trôi qua, quê hương Thanh Oai đã “thay da, đổi thịt”; vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, phát triển nông nghiệp chất lượng, hiệu quả, bền vững. Thu nhập bình quân của huyện đã đạt 37,5 triệu đồng/người/năm. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện chỉ còn 2,93%. Đáng nói, công tác an sinh xã hội được huyện quan tâm, từ năm 2008 đến nay, đã xây mới và sửa chữa 1.340 ngôi nhà cho hộ nghèo và hộ gia đình có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn với kinh phí hơn 6,2 tỷ đồng...

Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, được sự quan tâm chỉ đạo của thành phố, các cấp ủy Đảng, chính quyền huyện Thanh Oai cùng nhân dân đồng thuận đã tạo diện mạo mới: Hệ thống giao thông từ thôn, xóm đến các tuyến trục trung tâm đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đạt chuẩn. Đến nay, toàn huyện đã có 14/20 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 6 xã còn lại tiếp tục được quan tâm đầu tư nhằm sớm đạt nông thôn mới... Phát huy kết quả đạt được, thời gian tới, Thanh Oai tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội kết hợp chặt chẽ với củng cố quốc phòng, an ninh, giải quyết những vấn đề xã hội ở địa phương, trong đó chú trọng xây dựng nông thôn mới theo hướng phát triển, bền vững.

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng:
Chủ trương hợp lòng dân, sát thực tiễn


Ban Thường vụ Huyện ủy Chương Mỹ khẳng định, Nghị quyết của Quốc hội về mở rộng địa giới hành chính TP Hà Nội là dấu mốc quan trọng, tạo cơ hội thuận lợi để Chương Mỹ phát triển toàn diện, hướng tới mục tiêu văn minh, hiện đại. Thực tế trong 10 năm qua, TP Hà Nội đã đầu tư cho huyện Chương Mỹ gần 3.000 tỷ đồng kinh phí xây dựng cơ bản và hàng trăm tỷ đồng thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, nhiều dự án quy mô lớn, trước đây chỉ nằm trong quy hoạch, đã được triển khai xây dựng như: Dự án nâng cấp đường Nguyễn Văn Trỗi, cầu Hòa Viên, đê hữu Bùi, Trường THCS Chúc Sơn A… Những công trình này không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu của nhân dân mà còn tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của địa phương…

Trong 10 năm qua, kinh tế của huyện luôn giữ tốc độ tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, giá trị sản xuất bình quân đạt 11,9%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng sản xuất hàng hóa, giá trị cao, chuyển dịch mạnh lao động nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ. Các lĩnh vực xã hội phát triển toàn diện và đồng bộ, người dân được chăm lo về giáo dục, sức khỏe, hưởng thụ các giá trị văn hóa ngày càng cao… Phát huy kết quả đạt được, huyện Chương Mỹ phấn đấu đến năm 2020 sẽ trở thành huyện công nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển cân bằng, bền vững với mục tiêu cụ thể: Thu nhập bình quân đạt 50 triệu đồng/người/năm trở lên, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống dưới mức 2%...

Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng:
Nhiều bước tiến vượt bậc



Trước khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô, Đan Phượng là huyện thuần nông, nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế; giá trị sản xuất trên 1ha đất canh tác thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao; hạ tầng kỹ thuật, kinh tế, văn hóa - xã hội vừa thiếu, vừa yếu, vốn đầu tư phát triển còn khó khăn, thu ngân sách nhà nước thấp...

Sau khi mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, được sự quan tâm của thành phố, trong 10 năm qua, Đan Phượng có những bước tiến vượt bậc: Kinh tế tăng trưởng với tốc độ bình quân 10,54%/năm; thu nhập bình quân năm 2017 đạt 40,3 triệu đồng/người/năm, tăng 3,875 lần so với năm 2008 (10,4 triệu đồng/người); hộ nghèo giảm, còn 2,62%; thu ngân sách nhà nước hằng năm đều vượt dự toán thành phố giao. Nhiều năm liền, huyện được nhận Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ và thành phố. Năm 2015, 15/15 xã đạt chuẩn nông thôn mới và là huyện đạt chuẩn nông thôn mới đầu tiên của TP Hà Nội. Mục tiêu của Đan Phượng là sớm trở thành huyện nông thôn mới kiểu mẫu.

Bí thư Huyện ủy Sóc Sơn Phạm Xuân Phương:
Huy động nguồn lực xây dựng nông thôn mới



Trước đây, Sóc Sơn là huyện khó khăn nhất của thành phố, kinh tế chậm phát triển, cuộc sống người dân chậm được cải thiện. Nhưng 10 năm trở lại đây, trên khắp các vùng quê của huyện đã “thay da, đổi thịt”, nhiều người lao động đã được đào tạo nghề, được tạo việc làm, ổn định cuộc sống, thoát nghèo nhờ những mô hình sản xuất, kinh doanh hay để làm giàu ngay trên đất quê hương. Có được thành quả như ngày hôm nay, ngoài sự nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và các tầng lớp nhân dân địa phương, Sóc Sơn đã nhận được sự quan tâm hỗ trợ đặc biệt của thành phố và các quận nội thành trong xây dựng nông thôn mới.

Đây là nguồn lực quan trọng giúp Sóc Sơn chủ động trong triển khai thực hiện xây dựng nông thôn, từ đó hoàn thành khối lượng công việc lớn như: Hoàn thành 100% quy hoạch xây dựng nông thôn mới tại các xã; đầu tư cơ bản nâng cao chất lượng hạ tầng kinh tế, kỹ thuật và hạ tầng văn hóa nông thôn theo các tiêu chí nông thôn mới; xây dựng các công trình phúc lợi công cộng trong đó nhân dân đóng góp 264 tỷ đồng, hiến 8.757m2 đất để mở rộng giao thông nông thôn...

Ông Vũ Văn Mạnh, xã Quảng Bị (huyện Chương Mỹ):
Nhiều chính sách hỗ trợ cho khu vực nông thôn



Sau 10 năm điều chỉnh mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, khu vực nông thôn Quảng Bị có nhiều đổi thay, đặc biệt là cơ sở hạ tầng như: Giao thông, thủy lợi, điện, trường học... Tất cả những đổi thay đó, theo tôi, được bắt nguồn từ sự quan tâm đặc biệt của thành phố, tập trung ưu tiên nguồn lực đầu tư cho khu vực nông thôn. Hiện gia đình tôi đã giảm từ 5 thửa xuống còn 1 thửa, rất tiện cho chăm sóc và sử dụng máy móc.

Đến nay, 100% diện tích của gia đình đã cơ giới hóa trong khâu làm đất và gặt, tiết kiệm ngày công và giảm chi phí sản xuất. Nhiều hộ còn chuyển đổi từ lúa sang trồng cây ăn quả kết hợp với nuôi trồng thủy sản hiệu quả cao.

Ông Đoàn Xuân Hiệu, xã Võng Xuyên (huyện Phúc Thọ):
Chủ trương đúng trong vấn đề “tam nông”



Là người dân sinh sống ở khu vực nông thôn, tôi nhận thấy sau 10 năm mở rộng địa giới hành chính Thủ đô, người dân đã được hưởng nhiều lợi ích; chất lượng cuộc sống của người dân được nâng lên rõ rệt. Từ một làng quê thuần nông, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, xã Võng Xuyên đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới và hiện nay, xã tiếp tục được thành phố xây dựng đề án xây dựng nông thôn mới điển hình tiên tiến mang những nét đặc trưng của khu vực nông thôn. Để có những đổi thay như hôm nay, bên cạnh sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân, mỗi gia đình, tôi nhận thấy có sự hỗ trợ, quan tâm rất lớn từ thành phố trong việc đưa ra những chủ trương đúng và trúng trong phát triển “tam nông” gồm: Nông nghiệp, nông dân và nông thôn, đặc biệt là chương trình xây dựng nông thôn mới.

Chị Lại Thị Loan, phường Ngô Quyền (thị xã Sơn Tây):
Thị xã được khoác lên "tấm áo" mới



10 năm qua, diện mạo của thị xã Sơn Tây như được khoác lên “tấm áo” mới; đường phố xanh - sạch - đẹp hơn; nền nếp, trật tự văn minh đô thị có nhiều chuyển biến tích cực. Các tuyến đường kết nối giữa nội thành Hà Nội - Sơn Tây và các vùng lân cận được đầu tư, hoàn thành và đi vào sử dụng đã tiết kiệm rất nhiều thời gian, công sức, tiền bạc của mỗi cá nhân khi tham gia giao thông. Bản thân tôi cũng cảm thấy rất vui mừng, phấn khởi trước những thay đổi tích cực của thị xã. Đặc biệt trên địa bàn phường Ngô Quyền, nơi tôi sinh sống đã được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất khang trang, sạch đẹp. 

Ông Đỗ Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Đa Tốn (huyện Gia Lâm):
Cơ hội để nông dân làm giàu


Từ một xã thuần nông, độc canh cây lúa, hiện xã Đa Tốn đã có những "chuyển mình" quan trọng, vươn lên trở thành một trong những xã nông thôn mới tiêu biểu của huyện Gia Lâm. Đến nay, có tới 50% diện tích đất nông nghiệp trên địa bàn đã được chuyển đổi sang phát triển đô thị, giao thông. Diện mạo nông thôn mới của xã có sự hài hòa giữa nông thôn và đô thị. 

Tuy diện tích đất nông nghiệp của xã Đa Tốn bị thu hẹp để phát triển đô thị nhưng không ảnh hưởng đến sản xuất mà đây còn là cơ hội hình thành các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mở ra cơ hội làm giàu cho nông dân. Trên địa bàn xã đã xây dựng thành công mô hình sản xuất rau an toàn ứng dụng công nghệ cao, trồng rau thủy canh trong nhà kính, nhà lưới, công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel có quy mô 1ha tại thôn Ngọc Động, cho thu nhập gần 1 tỷ đồng/ha. Hiện nay, mô hình này đang được người dân trong xã và các huyện đến tham quan, học tập để nhân rộng...

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Khai thác cơ hội mới tạo phát triển vượt bậc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.