Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tiếp tục lấy ý kiến vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

Việt Tuấn - Ảnh: Bá Hoạt| 09/08/2018 09:13

(HNMO) - Sáng 9-8, tại UBND quận Hà Đông, Thành ủy Hà Nội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Nguyễn Ngọc Tuấn, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố chủ trì hội thảo. 

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu khai mạc hội thảo


Phát biểu khai mạc hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh, TP Hà Nội có vị trí đặc biệt quan trọng, là trung tâm đầu não chính trị, hành chính hàng đầu của quốc gia, trung tâm lớn về kinh tế, văn hóa của cả nước, là nơi tập trung các cơ quan trung ương. Hằng năm, dân số Thủ đô tăng khoảng 200 nghìn người, tốc độ đô thị hóa nhanh, khu vực đô thị của thành phố có kết cấu hạ tầng đã được xây dựng về cơ bản đồng bộ, thống nhất với sự phát triển, khá hoàn chỉnh, không phụ thuộc vào địa giới hành chính các quận và các phường. Giữa khu vực nông thôn và đô thị không còn bị cản trở bởi khoảng cách địa lý, tại các huyện và các xã đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh. Các hoạt động về kinh tế, văn hóa, xã hội, đời sống của nhân dân có sự đan xen giữa thành thị và nông thôn, theo hướng phát triển đô thị hóa.

Nhấn mạnh vai trò của tổ chức chính quyền các cấp của TP Hà Nội hiện nay, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhận định, trên thực tế, hoạt động của các đơn vị từ thành phố đến cơ sở ngày càng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế-xã hội, an ninh-quốc phòng của Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nay, việc phân định quyền hạn, nhiệm vụ, phương thức quản lý, bộ máy, phân cấp trên một số lĩnh vực chưa phù hợp với từng đối tượng, đặc thù về quản lý đô thị và quá trình đô thị hóa đang diễn ra nhanh chóng. Ngoài ra, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như các doanh nghiệp, tổ chức, người dân...

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cho biết, thực hiện Kết luận số 22-KL/TƯ ngày 7-11-2017 của Bộ Chính trị về sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TƯ về "Phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô giai đoạn 2011-2020", Bộ Chính trị đã đồng ý về chủ trương cho phép TP Hà Nội triển khai thí điểm mô hình chính quyền đô thị ở khu vực cấp quận và tiếp tục củng cố chính quyền nông thôn theo quy định của pháp luật. Từ căn cứ thực tiễn trên, việc triển khai Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả của quản lý nhà nước của chính quyền, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới của Thủ đô.

Mục tiêu của đề án là nghiên cứu, đề xuất phương án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội, một đô thị đặc biệt, trong đó tập trung vào mô hình tổ chức chính quyền tại khu vực đô thị ở các quận, phường, tiếp tục đổi mới,củng cố chính quyền ở khu vực nông thôn và các huyện, xã.

Các đại biểu dự hội thảo


Đến nay, Đề án đã được chỉnh sửa trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại nhiều hội thảo trước đây với nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu, đại diện các sở, ban, ngành, quận huyện. Việc lấy ý kiến của cán bộ chính quyền cơ sở, đặc biệt là lấy ý kiến góp ý từ cơ sở nhằm tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động, giúp ban soạn thảo tiếp thu, hoàn chỉnh, hoàn thiện Đề án để trình Bộ Chính trị.


 Tại hội thảo, 11 ý kiến của các quận, huyện, thị xã, phường, xã, thị trấn đều thống nhất cao phương án 1 trong dự thảo Đề án là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền (cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã); một cấp hành chính (tại xã, phường, thị trấn). 

Các ý kiến tập trung làm rõ hơn về cơ sở và đề xuất mô hình; đánh giá, bổ sung ưu điểm, nhược điểm, hạn chế, vướng mắc, thuận lợi, khó khăn khi triển khai từng phương án. Đặc biệt, các ý kiến đề xuất nhiều nội dung cụ thể hóa mô hình thí điểm chính quyền đô thị của thành phố theo phương án 1. Trong đó, tên gọi cấp xã là ủy ban hành chính phù hợp với quy định của luật; tổ chức bộ máy UBND cấp quận, huyện, thị xã bổ sung thành viên UBND lĩnh vực nội vụ, đô thị, thanh tra, tài chính (ngoài thành phần dự kiến như dự thảo Đề án). Đặc biệt, nhiều ý kiến còn đánh giá những tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm an ninh, quốc phòng địa phương, đời sống của người dân và hoạt động của tổ chức, doanh nghiệp qua thực hiện mô hình thí điểm trên. Ngoài ra, các đại biểu cũng kiến nghị, cần nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả của chính quyền trên cơ sở phân cấp rõ hơn, tránh chồng chéo, tăng thẩm quyền, rõ trách nhiệm, gắn với thực hiện tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin.


Phát biểu bế mạc hội thảo, thay mặt Thành ủy Hà Nội, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao ý kiến tâm huyết, trách nhiệm của 11 cán bộ lãnh đạo chủ chốt các quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn. Với kinh nghiêm hoạt động thực tiễn từ cơ sở, các đại biểu đã đóng góp ý kiến tập trung, làm sáng tỏ hơn về lý luận, thực tiễn, cung cấp các luận cứ khoa học và thực tiễn để hoàn tất các công việc thực hiện theo mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, đây là việc mới, việc khó và Hà Nội cũng là địa phương đầu tiên được Bộ Chính trị và các cơ quan trung ương giao cho xây dựng Đề án theo hướng xây dựng chính quyền đô thị của Hà Nội với đặc trưng là Thủ đô - đô thị đặc biệt đang trong quá tình đô thị hóa rất nhanh. Hà Nội cũng là một trong 17 Thủ đô có diện tích lớn nhất trên thế giới, dân số đông với thực tế hơn 10,5 triệu người sinh sống, làm việc, học tập.

Vì thế, với tinh thần trách nhiệm cao, các ý kiến đã góp ý rõ về lộ trình thực hiện đề án; nêu các giải pháp hiệu quả để thực hiện mô hình trên cơ sở thận trọng, chặt chẽ, phải tăng cường điều kiện để thực thi thông qua nguồn lực về tài chính. Đặc biệt, các ý kiến bày tỏ quyết tâm rất cao trong thực hiện sau khi Đề án được thông qua. Về thời gian thực hiện, các ý kiến đồng tình thời điểm từ đầu nhiệm kỳ - năm 2021.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng khẳng định, Ban soạn thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị của TP Hà Nội sẽ tiếp thu, hoàn thiện để thực hiện theo kế hoạch báo cáo với trung ương vào cuối năm 2018.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tiếp tục lấy ý kiến vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị tại TP Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.