Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yếu tố tạo thành công cho phiên giải trình

Việt Tuấn| 11/09/2018 07:19

(HNM) - Lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm kết hợp với khảo sát, đánh giá thực trạng và thực hiện tốt công tác tuyên truyền, tạo cầu nối với cử tri… là những yếu tố tạo nên thành công cho các phiên họp giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội và các quận, huyện, thị xã trong thời gian qua.

Chọn trúng vấn đề, khảo sát kỹ lưỡng

Từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND TP Hà Nội đã tổ chức 3 phiên giải trình; Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã tổ chức được 29 phiên giải trình. Nội dung của các phiên giải trình đều là những vấn đề “nóng” ở địa phương, cơ sở, như: Công tác thu gom, xử lý chất thải rắn, chất thải y tế, quản lý hồ nước, quản lý trật tự đô thị, quản lý vệ sinh môi trường, việc giải quyết đơn, thư của công dân…

Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND TP Hà Nội Trần Thế Cương phát biểu tại hội nghị chuyên đề về trao đổi kinh nghiệm công tác chuẩn bị, tổ chức phiên giải trình. Ảnh: Hữu Tiệp


Từ thực tiễn triển khai, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho biết, việc lựa chọn nội dung quyết định đến thành công của phiên họp. Thời gian qua, Thường trực HĐND thành phố và các quận, huyện, thị xã đều lựa chọn những vấn đề cấp bách, bức xúc, nổi cộm tại địa phương cũng như tác động đến phát triển kinh tế - xã hội, được cử tri quan tâm. Tiếp đó, Thường trực HĐND các cấp tổ chức khảo sát, thu thập thông tin, nắm rõ thực trạng để hỏi, chất vấn các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực phụ trách.

Nhờ cách làm trên, Thường trực HĐND huyện Gia Lâm đã tổ chức tốt phiên giải trình về công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn huyện. Phó Chủ tịch HĐND huyện Gia Lâm Phùng Xuân Việt chia sẻ, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp diễn ra ở nhiều địa phương, trong khi công tác kiểm tra, xử lý vi phạm còn hạn chế. Vì vậy, Thường trực HĐND huyện đã chọn chủ đề trên cho phiên giải trình, đồng thời giao các ban HĐND huyện xây dựng phóng sự về tình hình lấn chiếm đất nông nghiệp, trật tự xây dựng đô thị... chiếu công khai tại phiên họp. Sau đó, chủ tịch UBND 9 xã, thị trấn đã báo cáo, giải trình rõ các vấn đề đại biểu HĐND huyện đề cập về trách nhiệm trong công tác quản lý, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế. Sau phiên giải trình, kết quả xử lý vi phạm trên đất nông nghiệp của huyện đã chuyển biến đáng kể.

Thường trực HĐND huyện Phúc Thọ cũng tổ chức thành công phiên họp giải trình về công tác thu gom rác, bảo đảm vệ sinh, môi trường. Cũng như huyện Gia Lâm, Thường trực HĐND huyện Phúc Thọ tổ chức khảo sát, quay hình ảnh thực trạng việc thu gom rác, công tác bảo đảm vệ sinh đường làng, ngõ xóm, khu dân cư để chiếu tại phiên họp. Sau phiên giải trình, Thường trực HĐND huyện tiến hành giám sát việc thực hiện kết luận phiên giải trình và thấy rõ sự chuyển biến trong công tác này.

Ngoài hai huyện trên, từ đầu nhiệm kỳ 2016-2021 đến nay, Thường trực HĐND huyện Thường Tín và quận Hoàng Mai đều tổ chức được 5 phiên giải trình; Thường trực HĐND huyện Phú Xuyên tổ chức được 6 phiên giải trình với các chủ đề khác nhau. Kinh nghiệm để tổ chức thành công các phiên giải trình là làm tốt công tác phối hợp với cơ quan giải trình, bảo đảm rõ người, rõ việc, rõ đầu mối tiếp nhận thông tin; đồng thời phải khảo sát thực tế, có phân tích, so sánh từng thời điểm cụ thể để quy trách nhiệm. Từ đó, các cơ quan chức năng sẽ đưa ra các giải pháp, lộ trình khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Tiếp tục tổ chức các phiên giải trình

Để cử tri phát huy vai trò giám sát trực tiếp, Thường trực HĐND thành phố và Thường trực HĐND các quận, huyện, thị xã đều chọn hình thức truyền hình, truyền thanh trực tiếp phiên họp giải trình. Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch HĐND huyện Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, cử tri trong huyện đánh giá rất cao việc truyền thanh trực tiếp các kỳ họp thường kỳ và phiên giải trình. “Có nhiều vấn đề cử tri kiến nghị, đại biểu chất vấn, nhưng vì nhiều nguyên nhân không thể giải quyết được ngay. Vì vậy, khi tổ chức truyền thanh trực tiếp, ngoài việc giúp cử tri tăng cường giám sát cơ quan quản lý nhà nước, còn là dịp để cử tri chia sẻ những khó khăn do khách quan mang lại” - Đồng chí Phạm Hải Hoa nói.

Còn Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc bàn bạc công khai trên truyền hình, truyền thanh vừa giúp cơ quan giám sát là HĐND các cấp thực hiện minh bạch, vừa đáp ứng lòng mong mỏi của cử tri. Vì thế, để nâng cao chất lượng phiên giải trình, ngoài lựa chọn trúng nội dung, thì việc xây dựng kịch bản để tổ chức phiên giải trình cũng rất quan trọng (Thường trực HĐND thành phố và Thường trực HĐND một số quận, huyện đã thay việc đọc báo cáo bằng phóng sự truyền hình). Cùng với đó, công tác điều hành phải chủ động, linh hoạt, rõ trách nhiệm của người hỏi, người giải trình, tránh chồng chéo.

Việc tổ chức phiên họp giải trình rất hữu ích, song hiện mới có Thường trực HĐND thành phố và Thường trực HĐND 15 quận, huyện, thị xã tổ chức theo quy định. Vì thế, Thường trực HĐND 15 quận, huyện còn lại sớm xây dựng kế hoạch tổ chức phiên giải trình trong năm 2018 để không chỉ làm rõ trách nhiệm mà quan trọng hơn là nhằm tìm kiếm giải pháp, kiến nghị đề xuất hoặc ban hành chính sách tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để bảo đảm đạt được các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tăng niềm tin của cử tri, nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của HĐND các cấp.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Yếu tố tạo thành công cho phiên giải trình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.