Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng thành phố Huế thông minh là sự chuẩn bị chủ động chuyển tiếp từ nền tảng chính quyền điện tử

Trích tham luận Báo Thừa Thiên Huế| 09/11/2018 09:59

(HNMO) - Báo Thừa Thiên Huế đã chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền trong công tác xây dựng “Huế Smart city” với quan điểm chú trọng ứng dụng công nghệ nhằm tương tác, kết nối giữa người dân và chính quyền...

Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo.


Sự chủ động chuyển tiếp từ nền tảng chính quyền điện tử

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Nguyễn Thị Hồng Hạnh, Tổng Biên tập Báo Thừa Thiên Huế cho rằng, giai đoạn 2016-2020, được xem là giai đoạn phát triển về chiều sâu của chính quyền điện tử, tỉnh Thừa Thiên Huế đã có bước chuẩn bị cho triển khai dịch vụ đô thị thông minh. Quan điểm và mục tiêu xây dựng đô thị thông minh của tỉnh Thừa Thiên Huế là lấy người dân làm trung tâm, xây dựng chính quyền phục vụ; phát triển dịch vụ đô thị thông minh trên nền tảng chính quyền điện tử. Đến nay, đã đạt được một số kết quả bước đầu.

Tuy nhiên, với đặc thù có cả khu vực đô thị và nông thôn, nên việc lựa chọn hình thức phát triển một số dịch vụ đô thị thông minh thay vì xây dựng đô thị thông minh như một số thành phố trực thuộc Trung ương là một định hướng phù hợp với điều kiện tự nhiên, kinh tế, xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế. Hiện, việc phát triển dịch vụ thông minh được tỉnh chia làm hai giai đoạn: Từ 2018 đến 2020 và từ 2021 đến 2025, theo một số lĩnh vực thế mạnh của tỉnh.

Giai đoạn 2018-2020 là giai đoạn tập trung cho địa bàn thành phố Huế và thực hiện thí điểm các dịch vụ đô thị thông minh, hoàn chỉnh kiến trúc ICT và hoàn thành đầu tư hạ tầng cơ bản như vận hành trung tâm điều hành đô thị thông minh, trung tâm dữ liệu tập trung, hệ thống cảm biến như camera, quan trắc môi trường; tập trung phát triển một số lĩnh vực thế mạnh như: Y tế, giáo dục, du lịch; chuyển đổi số hệ thống bản đồ quy hoạch đất đai, quy hoạch xây dựng trên nền GIS 3D.

Giai đoạn 2021-2025, thực hiện trên cơ sở đánh giá và kế thừa tối ưu các kết quả đã triển khai của giai đoạn 2018-2020, triển khai diện rộng trên địa bàn toàn tỉnh; hoàn thiện kiến trúc ICT đô thị thông minh tỉnh Thừa Thiên Huế, tạo được nền tảng cốt lõi của đô thị thông minh, đáp ứng điều kiện triển khai internet vạn vật (IoT) và xử lý dữ liệu lớn (BigData); áp dụng chọn lọc và hiệu quả thành tựu về trí tuệ nhân tạo (AI) vào các dịch vụ đô thị thông minh.

Phát triển dịch vụ đô thị thông minh tại tỉnh Thừa Thiên Huế là một sự chuẩn bị, chủ động chuyển tiếp từ nền tảng chính quyền điện tử, với quan điểm “Người dân làm trung tâm”, “Doanh nghiệp làm động lực”, “Nhà nước kiến tạo”; với nguyên tắc “Phù hợp với thực tiễn địa phương”, “Chính quyền điện tử là nền tảng”, “IoT" là trọng tâm”, “Đảm bảo tính độc lập về công nghệ”, “Thuê dịch vụ, xã hội hóa là giải pháp ưu tiên”.

Do đó, đây là đề án được xây dựng dựa vào nhu cầu thực tế, góp phần giải quyết những vấn đề cấp thiết đang đặt ra với chính quyền tỉnh và là trách nhiệm của chính quyền, nhằm phục vụ người dân tốt hơn.

Đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng đến người dân

Điểm qua tình hình về phát triển dịch vụ đô thị thông minh của tỉnh để thấy rằng, việc phát triển đô thị thông minh ở Huế đang có nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít những khó khăn. Do đó, công tác tuyên truyền nhằm tạo sự đồng thuận giữa chính quyền với nhà đầu tư, doanh nghiệp và người dân hết sức quan trọng.

Do vậy, Báo Thừa Thiên Huế đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng về cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trên báo (trong đó có cả báo điện tử) đến người dân.

Trong năm 2018, Báo Thừa Thiên Huế đã có nhiều tin, bài tuyên truyền, phản ánh về dịch vụ đô thị thông minh như: Ký kết hợp tác xây dựng đô thị thông minh; đô thị thông minh phải hướng đến cuộc sống người dân tốt hơn; tiêu chuẩn ISO đối với đô thị thông minh; lõi của đô thị thông minh; thí điểm trung tâm điều hành đô thị thông minh; đặt hàng nguồn nhân lực cho đô thị thông minh; xã hội hóa các dịch vụ cho đô thị thông minh; đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân, doanh nghiệp về đô thị thông minh; giải pháp quản lý đô thị thông minh... Các bài báo đã góp phần giúp cho người dân, doanh nghiệp hiểu hơn về xây dựng đô thị thông minh.

Việc tuyên truyền tập trung vào các hướng sau: Thông tin về các mô hình, cách thức vận hành, kinh nghiệm tổ chức các đô thị thông minh trong và ngoài nước qua các bản tin nhịp cầu, tin trong nước - quốc tế. Tuyên truyền cho kế hoạch vận hành thử của Trung tâm Điều hành, giám sát đô thị thông minh (ĐTTM) triển khai hệ thống thông tin tiếp nhận phản ánh hiện trường thông qua địa chỉ: https://tuongtac.thuathienhue.gov.vn nhằm tiếp nhận các phản ánh của người dân về các lĩnh vực hạ tầng đô thị, trật tự đô thị, an toàn vệ sinh thực phẩm, du lịch... cũng như các hành vi chậm trễ, gây phiền hà hoặc thực hiện không đúng quy định của cán bộ, công chức trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đây là một kênh cảm biến xã hội thông qua việc tiếp nhận ý kiến phản ánh của người dân trực tuyến trên nền tảng ứng dụng trên smartphone trong xây dựng dịch vụ ĐTTM. Kênh này còn là đối trọng, nhằm tăng cường sự giám sát trong quá trình vận hành đô thị thông minh. Trao đổi thông tin phản hồi, bình luận với bạn đọc với ban điều phối, vận hành đô thị thông minh nhằm có sự điều chỉnh tương thích với xu thế phát triển mô hình này, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Giai đoạn 2019-2025, Báo Thừa Thiên Huế sẽ ký kết hợp tác tuyên truyền với UBND tỉnh, Sở TT-TT nhằm có kế hoạch tuyên truyền đậm nét trên báo giấy, tạo hiệu ứng tích cực, nhất là sự tương tác giữa người dân, doanh nghiệp với chính quyền trong xây dựng Huế Smart city.

Với những dự định và kế hoạch đang được triển khai, sự phối hợp chặt chẽ giữa truyền thông với ban quản lý, vận hành xây dựng Huế Smart city, hy vọng thời gian tới sẽ góp sức cho quá xây dựng thành phố thông minh, hướng tới sự phát triển bền vững của mô hình này trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng thành phố Huế thông minh là sự chuẩn bị chủ động chuyển tiếp từ nền tảng chính quyền điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.