Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đà Nẵng tập trung tuyên truyền hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử

(Trích tham luận Báo Đà Nẵng)| 09/11/2018 11:42

(HNMO) - Từ nhiều năm nay, Đà Nẵng được mệnh danh là “thành phố đáng sống”. Điểm đột phá trong việc xây dựng chính quyền điện tử của Đà Nẵng là sự đồng lòng, chung sức của cả hệ thống chính trị cùng người dân, doanh nghiệp.

Đồng chí Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng phát biểu tại hội thảo


Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Trương Công Định, Tổng Biên tập Báo Đà Nẵng cho biết, năm 2009, Đà Nẵng là 1 trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác triển khai xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), vốn được xem là nền tảng thiết yếu để xây dựng chính quyền điện tử (CQĐT), cần được đầu tư đồng bộ, hiện đại, hiệu quả, bảo đảm an toàn thông tin. 


Huy động nguồn lực xây dựng hạ tầng CNTT

Từ tháng 8-2013, TP Đà Nẵng đã hoàn tất và chính thức đưa vào sử dụng: Mạng đô thị thành phố (MAN) với chiều dài gần 300km cáp quang, băng thông mạng trục kết nối 95 cơ quan nhà nước, từ UBND thành phố đến các sở, ban, ngành, quận, huyện, phường, xã, các đơn vị sự nghiệp, Khu công viên phần mềm, Khu CNTT tập trung Đà Nẵng. Thành phố cũng xây dựng Trung tâm dữ liệu với dung lượng lưu trữ đến 100TB, phục vụ cho việc cung cấp các máy chủ, lưu trữ dữ liệu, các dịch vụ quản lý tên miền; lưu ký các ứng dụng dùng chung cho các cơ quan nhà nước của thành phố.

Cùng với đó, Đà Nẵng còn nỗ lực triển khai các thiết bị CNTT đầu cuối; bảo đảm 100% cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC) được trang bị máy tính; 100% mạng cục bộ của các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện được kết nối vào mạng MAN. Đà Nẵng tiên phong trong việc thiết lập hệ thống wifi công cộng, phủ sóng tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện, xã, phường, các khu vực trung tâm của thành phố, các địa điểm du lịch và khu vực công cộng.

Với nền tảng hạ tầng căn bản, Đà Nẵng bắt đầu phát triển các ứng dụng CNTT để xây dựng chính quyền điện tử. Nổi bật là Hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng (egov.danang.gov.vn), giúp lãnh đạo, chính quyền các cấp, trên địa bàn dễ dàng kiểm tra, xử lý công việc bất cứ đâu, bất cứ lúc nào. Tính đến tháng 10-2018, Đà Nẵng đã trao đổi khoảng 731.500 văn bản qua mạng, giải quyết gần 100% hồ sơ đúng thời hạn.

Điểm đột phá trong việc xây dựng CQĐT của Đà Nẵng là sự đồng lòng, chung sức của cả bộ máy chính quyền, người dân, doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp phần mềm Đà Nẵng tiên phong phát triển “Phần mềm lõi chính phủ điện tử trên nền nguồn mở”, góp phần quan trọng để hình thành “Hệ thống thông tin chính quyền điện tử” cho Đà Nẵng từ năm 2013 và một số tỉnh, thành phố trong cả nước sau đó.

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân, doanh nghiệp

Có thể thấy, xây dựng CQĐT được xem là một trong các trọng tâm ưu tiên phát triển của thành phố. Do đó, đây cũng là một nội dung quan trọng, được Báo Đà Nẵng quan tâm, tập trung tuyên truyền thường xuyên trên cả 3 ấn phẩm hằng ngày, cuối tuần và online. Không chỉ tuyên truyền theo sự kiện thời sự kịp thời, có trọng tâm, trọng điểm, mà còn tập trung tuyên truyền theo chuyên đề, nhằm “khoan sâu” vào từng vấn đề mới, nóng, hoặc vấn đề nổi cộm, bất cập.

Ứng dụng CNTT xây dựng CQĐT liên quan trực tiếp đến 2 lĩnh vực: CNTT và cải cách hành chính. Đây là 2 vấn đề thuộc lĩnh vực phụ trách của 2 phòng chuyên môn của báo, tuy vậy các phóng viên chủ động trao đổi thông tin, tài liệu, phối hợp làm việc để tạo ra các tác phẩm báo chí chất lượng, có chiều sâu.

Năm 2017, loạt bài 5 kỳ về “Đột phá xây dựng chính quyền điện tử” của phóng viên Báo Đà Nẵng đã giành giải Nhất Giải báo chí thành phố. Đây cũng là tác phẩm duy nhất trong nhóm giành giải Nhất viết về đề tài này. Trên thực tế, tuyên truyền về CQĐT không dễ, bởi nó đòi hỏi sự am hiểu về chuyên môn, khả năng tổng hợp, phân tích sâu và cần tiếp cận nhiều nguồn tư liệu, số liệu cụ thể. 

Hành trình xây dựng CQĐT trải dài qua nhiều năm, nhiều chặng đường. Do đó, phóng viên cần có một thời gian tìm hiểu về lĩnh vực này, nắm bắt các thông tin về những khó khăn, thuận lợi khi triển khai mô hình CQĐT tại địa phương. Trong quá trình đó, phóng viên ghi chép, góp nhặt tư liệu theo hệ thống để có cái nhìn toàn cảnh. Cũng phải nhận thức rõ, chính quyền điện tử dù mang tầm vĩ mô, nhưng lại tác động đến từng người dân, từng đơn vị doanh nghiệp, từng cán bộ chính quyền dù ở cấp nhỏ nhất. Do vậy, không thể bỏ qua việc khai thác tư liệu từ những nhân vật này, bởi họ chính là những người trực tiếp sử dụng, trực tiếp hưởng lợi hay bị ảnh hưởng bởi mô hình chính quyền điện tử.

Trong 3 năm (2016, 2017 và 2018), Đà Nẵng triển khai nhiều “cổng” tương tác với người dân như: Tổng đài 1022 - ứng dụng góp ý chuyên dụng đầu tiên của cả nước, dịch vụ nhắn tin tra cứu thông tin công cộng, chatbot du lịch, chatbot dịch vụ công... Đối với các “cổng” tương tác này, yếu tố quan trọng nhất là sự tương tác. Phải để người dân biết, người dân dùng mới phát huy được hiệu quả. Chính vì vậy, Báo Đà Nẵng luôn nhanh chóng tuyên truyền những ứng dụng mới của mô hình CQĐT thông qua tin, bài phản ánh, bài phỏng vấn, thậm chí là qua các dòng trạng thái ngắn gọn trên trang Facebook chính thức của báo. Thực tế cho thấy việc truyền tải thông tin qua Facebook có hiệu quả, lan toả đến đông đảo người dân. Dựa trên phản hồi của người dân, phóng viên Báo Đà Nẵng tiếp tục khai thác các đề tài, làm sâu hơn vấn đề CQĐT.

Quan điểm của Đà Nẵng trong xây dựng CQĐT là phải lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, là người đồng hành và cũng là đối tượng phục vụ. Do đó, Báo Đà Nẵng có nhiệm vụ kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền trong lĩnh vực này. Thông qua các bài báo viết về hành trình của doanh nghiệp trong việc xây dựng phần mềm CQĐT, về những hiến kế của người dân qua Tổng đài 1022, Báo Đà Nẵng mong muốn truyền cảm hứng, tiếp thêm sức mạnh để xã hội tiếp tục đồng hành với chính quyền.

Đóng góp không nhỏ vào hành trình xây dựng mô hình chính quyền điện tử của thành phố, song công tác tuyên truyền trên Báo Đà Nẵng vẫn còn một số hạn chế. Trong đó, hạn chế lớn nhất vẫn là chưa “mềm hóa” được đề tài. Các bài viết dù đúng, đủ, nhưng vẫn còn thiếu tính phân tích, cách diễn đạt còn khô cứng nên chưa thật sự lôi cuốn bạn đọc.

Triển khai các giải pháp để tăng tính hiệu quả

Trong thời gian tới, Báo Đà Nẵng sẽ triển khai một số giải pháp để tăng cường vai trò của báo chí trong tuyên truyền về CQĐT, khắc phục các điểm yếu hiện nay. Cụ thể, đẩy mạnh tăng cường quan hệ hợp tác với các sở, ngành phụ trách công tác ứng dụng CNTT trong xây dựng CQĐT giúp phóng viên tiếp cận thông tin thời sự một cách nhanh chóng, thu thập tài liệu, phỏng vấn... thuận tiện.

Đồng thời, tăng cường phối hợp giữa các phóng viên phụ trách lĩnh vực CNTT, cải cách hành chính, xây dựng Đảng,... khuyến khích phóng viên xây dựng các tuyến bài thực hiện chung, có sự đầu tư về chiều sâu, có tính phân tích, đưa ra giải pháp, hiến kế.

Đa dạng hóa các đề tài trong lĩnh vực ứng dụng CNTT để xây dựng CQĐT. Khai thác góc nhìn từ người dân, doanh nghiệp, từ đó “mềm hóa” văn phong, giúp bạn đọc dễ hiểu, dễ cảm nhận vấn đề.

Hoàn thiện tòa soạn điện tử với hạ tầng CNTT hiện đại, thúc đẩy triển khai mô hình tòa soạn hội tụ, tăng tính tương tác giữa báo in truyền thống và báo điện tử. Báo Đà Nẵng sẽ linh hoạt, gần gũi và tiếp cận sát hơn với nhu cầu của bạn đọc, tiếp tục phát huy những hình thức diễn đạt vốn thu hút người xem như infographic, photo gallery, video đăng tải trên báo điện tử, hoặc mạng xã hội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đà Nẵng tập trung tuyên truyền hiệu quả xây dựng chính quyền điện tử

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.