Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đồng chí Nguyễn Văn Trân - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Quốc Bình| 14/12/2018 06:53

(HNM) - Nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Trân có nhiều kỷ niệm gắn bó với Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân (áo đen) thăm nơi sơ tán của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tại tỉnh Lạng Sơn năm 1966. Ảnh tư liệu


Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công. Bác Hồ trở về Hà Nội lo tổ chức chính quyền và chuẩn bị bầu Quốc hội. Chính phủ được thành lập, nhưng mâu thuẫn giữa Việt Minh với Quốc dân Đảng và Cách mạng Đồng minh hội (hai tổ chức đi theo quân Tưởng về Việt Nam năm 1945) tại một số địa phương là vấn đề cần giải quyết. Người chủ trương lập Ủy ban Điều giải để tới các địa phương dàn xếp. Ủy ban gồm 3 thành viên: 1 đại biểu Chính phủ, 1 đại biểu Quốc dân Đảng và 1 đại biểu Việt Minh. Đồng chí Nguyễn Văn Trân là đại biểu Việt Minh.

Khi giao nhiệm vụ cho đồng chí, Bác Hồ căn dặn: “...Tình thế lúc này khó khăn..., quân đội Tưởng có âm mưu diệt cộng sản, phá bỏ chính quyền cách mạng để lập ra một chính quyền tay sai của chúng. Thế giặc còn mạnh, ta phải tạm thời hòa hoãn. Vấn đề cốt yếu là tổ chức lực lượng quần chúng cách mạng vững chắc. Đến nơi nào dàn xếp phải chú ý tác động vào những người bị chúng lừa dối hoặc ép buộc phải theo chúng, phải khéo động viên thức tỉnh lòng yêu nước chống ngoại xâm của họ. Cần phải thuyết phục cán bộ ta, lúc này hòa hoãn là cần thiết”.

Thực hiện chỉ đạo của Bác Hồ, đồng chí Nguyễn Văn Trân và Ủy ban Điều giải đã đến nhiều địa phương, như: Bắc Giang, Phú Thọ, Yên Bái, Lào Cai...; thuyết phục được lực lượng vũ trang của Quốc dân Đảng tình nguyện lên đường “Nam tiến để cùng miền Nam chống Pháp”.

Những kỷ niệm của đồng chí Nguyễn Văn Trân với Bác Hồ vừa làm sáng rõ thêm những cống hiến của đồng chí cho sự nghiệp cách mạng, vừa giúp chúng ta hiểu sâu sắc hơn, yêu mến, kính phục Chủ tịch Hồ Chí Minh về tài lãnh đạo, về con mắt nhìn người và sử dụng người tài.

Đầu năm 1946, sau khi đuổi được quân Tưởng thì đến lượt quân Pháp kéo vào miền Bắc gây hấn. Trung ương và Chính phủ lập ra Ủy ban Bảo vệ Hà Nội. Trung ương giao nhiệm vụ cho Hà Nội chuẩn bị các kế hoạch sẵn sàng cho cuộc chiến đấu có thể xảy ra. Đến tháng 11, tháng 12-1946, tình hình căng thẳng cao độ, Pháp phá hoại Hiệp định sơ bộ (ký ngày 6-3-1946) và Tạm ước (ký ngày 14-9-1946). Trong cuộc họp Thường vụ Trung ương, Bác Hồ yêu cầu đồng chí Nguyễn Văn Trân, Bí thư Thành ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban Bảo vệ Hà Nội và đồng chí Hoàng Văn Thái, Tổng Tham mưu trưởng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam vào báo cáo kế hoạch chuẩn bị tác chiến. Người đặt câu hỏi: “Các chú xem liệu có thể giữ chân giặc Pháp được một tháng không?”. Hai đồng chí Nguyễn Văn Trân và Hoàng Văn Thái đều khẳng định với Bác rằng, quân đội và tự vệ Hà Nội đã chuẩn bị tốt. Nhân dân đục tường thông giữa các nhà trong mỗi phố để bộ đội và tự vệ di chuyển khi tác chiến. Nhân dân cũng đã có kế hoạch tản cư ra ngoài thành phố. “Chúng cháu tin là tinh thần các chiến sĩ và nhân dân đều rất cao nên có thể giữ được một tháng” - hai đồng chí báo cáo với Bác.

Trước ngày nổ súng, Chủ tịch Hồ Chí Minh một lần nữa gọi đồng chí Nguyễn Văn Trân lên báo cáo tình hình và chỉ đạo một số nội dung trọng yếu. Triển khai yêu cầu của Bác, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã về chỉ đạo thực hiện ngay, phổ biến rộng rãi trong các lực lượng: “Nhiệm vụ chiến đấu là tiêu hao địch, cầm cự giam chân địch càng lâu càng tốt. Nhưng chú ý, ta phải đánh lâu dài nên phải giữ gìn và phát triển lực lượng ta”; “Bảo vệ nhân dân: Chỉ để những người chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở lại. Những người khác phải có kế hoạch chu đáo đưa ra khỏi thành phố”; “Bảo vệ tài sản của dân: Thứ gì dân có thể mang theo đi kháng chiến thì cố bảo vệ; thứ gì không mang đi được thì cũng phải tổ chức giữ gìn...”. Bằng tinh thần “Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh”, không chỉ giữ được một tháng, quân dân Thủ đô đã giữ chân địch được hai tháng. Lúc đầu ta chỉ có 5 tiểu đoàn và tự vệ, khi rút ra khỏi Hà Nội đã phát triển thành Trung đoàn Thủ đô và ở ngoại thành còn tổ chức được Trung đoàn 48. Hà Nội đã được Bác khen là giành đại thắng lợi trong trận chiến quyết tử 60 ngày đêm.

Năm 1965, Mỹ điều máy bay ném bom đánh phá miền Bắc, tình hình cách mạng có những bước phát triển mau lẹ. Một thời gian sau, Trung ương và Bác Hồ chỉ thị cho Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Nguyễn Văn Trân (được giao nhiệm vụ từ tháng 7-1960) thu xếp công việc để về công tác tại Thành ủy Hà Nội, trực tiếp lãnh đạo quân, dân Thủ đô đương đầu với cuộc chiến đấu vô cùng cam go này. Trong cuốn hồi ký “Cách mạng và cuộc đời tôi”, đồng chí Nguyễn Văn Trân cho biết, những năm từ 1966 đến 1968, mặc dù sức khỏe yếu, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn thường xuyên quan tâm đến cuộc chiến đấu của quân, dân Hà Nội. Sau mỗi trận ném bom của địch, Người lại hỏi xem thiệt hại ra sao. Đáp lại tình cảm đó, đồng chí Nguyễn Văn Trân cùng tập thể Thành ủy Hà Nội đã lãnh đạo, chỉ đạo quân, dân Hà Nội thực hiện tốt chỉ đạo của Trung ương, cùng lực lượng bộ đội chủ lực và các tỉnh, thành phố khác kiên cường, dũng cảm, mưu trí chiến đấu. Kết quả là đã làm nên trận “Điện Biên Phủ trên không”, giành chiến thắng ngay trên bầu trời Hà Nội vào tháng 12-1972, buộc Mỹ phải ký Hiệp định Paris năm 1973.

Không chỉ gắn bó sâu sắc, có nhiều kỷ niệm với Bác Hồ, nhìn lại hơn 100 năm tuổi đời, hơn 80 năm tuổi Đảng, đồng chí Nguyễn Văn Trân đã dành trọn cuộc đời để học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, trở thành một hình mẫu của người cộng sản kiên trung, nhà lãnh đạo ưu tú của Đảng, có đạo đức cách mạng sáng ngời.

Trong hơn 80 năm hoạt động cách mạng, đảm nhiệm nhiều vai trò, vị trí, nhưng ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Văn Trân cũng nêu cao tấm gương đạo đức trong sáng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư; thực hành tác phong làm việc khoa học, dân chủ, sâu sát cơ sở, gần gũi nhân dân; luôn được cán bộ, quân và dân yêu quý, kính trọng. Những năm gần đây, dù tuổi cao, đồng chí vẫn nỗ lực đóng góp vì sự phát triển của Thủ đô và đất nước; miệt mài nghiên cứu và gửi gắm nhiều ý kiến xác đáng cho thành phố xây dựng các chủ trương, quyết sách quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Văn Trân đã ra đi, nhưng tấm gương đạo đức và những cống hiến của đồng chí mãi mãi được ghi nhận, in đậm trong những trang lịch sử hào hùng của Thủ đô và đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đồng chí Nguyễn Văn Trân - người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.