Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ đạo, điều hành nổi bật của TP Hà Nội tuần từ 15 đến 21-4

Bảo Hân| 22/04/2019 10:16

(HNMO) - Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND và trưởng công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn...

Tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng năm 2019

Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành Chỉ thị số 07/CT-UBND về việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh thúc đẩy tăng trưởng năm 2019. Chỉ thị nêu rõ, ban chỉ đạo cấp huyện và tổ công tác liên ngành tăng cường trách nhiệm trong công tác dập bệnh Dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn; làm tốt công tác vệ sinh, khử trùng tiêu độc và áp dụng các hình thức chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh. Các địa phương phát động phong trào vệ sinh môi trường, nâng cao năng lực và chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tuyệt đối không để dịch bệnh bùng phát.

Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã tập trung rà soát, cắt giảm các thủ tục hành chính; chỉnh sửa và bổ sung các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và doanh nghiệp; thực hiện tốt năm chủ đề 2019 "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị"; đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước, cung cấp dịch vụ công; tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh...

138.372 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế điện tử

Theo báo cáo của UBND thành phố Hà Nội gửi Bộ Công Thương, đến hết năm 2018, Hà Nội đã triển khai đồng bộ các mục tiêu phát triển thương mại điện tử. Lĩnh vực này đã gắn chặt với hoạt động của doanh nghiệp và CNTT, ngày càng được doanh nghiệp quan tâm ứng dụng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Đến ngày 31-12-2018, trên địa bàn thành phố có 1.058 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 (trong đó có 919 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 139 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4).

Công tác quản lý thuế điện tử được đẩy mạnh. Hết năm 2018 đã có trên 2.000 cá nhân đăng ký và được cấp mã số thuế dùng để kê khai, nộp thuế. 148.499 doanh nghiệp, tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp đăng ký kê khai thuế qua mạng (đạt tỷ lệ 98,02%); 138.372 doanh nghiệp hoàn thành thủ tục nộp thuế điện tử với cơ quan thuế (đạt tỷ lệ 96,9% trên tổng số doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn, chiếm 20% tổng số doanh nghiệp nộp thuế điện tử của cả nước); có 597.313 giao dịch nộp thuế điện tử với tổng số thuế là 132.763 tỷ đồng; số tờ khai mắc lỗi số học, số doanh nghiệp nộp chậm hoặc không nộp tờ khai ngày càng giảm.

Tổ chức điều tra, xây dựng bảng giá các loại đất

Chủ tịch UBND thành phố đã ký ban hành Kế hoạch số 98/KH-UBND chỉ đạo tổ chức điều tra, xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hà Nội, áp dụng từ ngày 1-1-2020 đến ngày 31-12-2024, yêu cầu các đơn vị xây dựng bảng giá đất trên cơ sở quy định của pháp luật về khung giá đất của Chính phủ; đảm bảo về phương pháp, nguyên tắc xác định giá đất đầy đủ, đồng bộ, kịp thời và công khai, đảm bảo tính khách quan, kế thừa, dễ hiểu, dễ áp dụng trong quá trình tổ chức thực hiện.

Kế hoạch đề ra 2 nội dung trọng tâm về công tác điều tra, khảo sát giá đất trên thị trường và xây dựng bảng giá đất. Từ ngày 1-5 đến 30-6-2019, Sở Tài nguyên và Môi trường được giao nhiệm vụ điều tra, khảo sát, thu thập thông tin giá đất tại 584 xã, phường, thị trấn. Loại đất điều tra gồm đất ở, đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và đất nông nghiệp. Khi điều tra, giá trị khối tài sản gồm cả nhà, đất và các tài sản khác phải được thể hiện rõ trong phiếu điều tra để bóc tách được phần giá trị quyền sử dụng đất.

Tăng cường xử lý tình trạng khai thác cát trái phép

Tại Thông báo số 111/TB-VP, UBND thành phố chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an thành phố và các sở, ngành, đơn vị, UBND các quận, huyện, thị xã tăng cường quản lý hoạt động khai thác cát tại các mỏ cát theo quy định, hạn chế tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn.

Cụ thể, kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm tình trạng khai thác cát trái phép trên các dòng sông; gắn trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan công an trong việc ngăn chặn, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép. Bí thư cấp ủy, chủ tịch UBND và trưởng công an các quận, huyện, thị xã chịu trách nhiệm trước Thành ủy, UBND thành phố về tình trạng khai thác cát trái phép xảy ra trên địa bàn, làm thất thoát nguồn tài nguyên, khoáng sản của đất nước, gây bức xúc trong nhân dân, xã hội.

Công an thành phố có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, UBND các quận, huyện, thị xã mở đợt cao điểm xử lý các vi phạm về khai thác cát trái phép trên các tuyến sông; thành lập các tổ công tác liên ngành, duy trì hoạt động thường xuyên trong cả năm 2019, trong đó một tổ công tác liên ngành để xử lý các vi phạm của tàu thuyền vận chuyển, phương tiện bơm hút, nạo vét cát trên sông không được cấp phép khai thác, vận chuyển, không đảm bảo điều kiện hoạt động và một tổ công tác liên ngành kiểm tra, xử lý các vi phạm của các phương tiện, bến bãi… hai bên bờ sông có liên quan đến khai thác cát trái phép.

Trường hợp có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng, phải kịp thời điều tra, xử lý ngay theo quy định của pháp luật để răn đe, giáo dục, ngăn chặn, phòng ngừa.

Khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy nhà xưởng tại Trung Văn

Tại văn bản số 1482/UBND-NC, UBND thành phố chỉ đạo khẩn trương khắc phục xử lý vụ cháy nhà xưởng tại ngõ 1 phố Đại Linh, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm.

UBND thành phố giao Công an thành phố phối hợp với UBND quận Nam Từ Liêm và các đơn vị liên quan tập trung điều tra làm rõ nguyên nhân vụ cháy; làm rõ trách nhiệm việc để xảy ra cháy và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.

Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, UBND quận Nam Từ Liêm khẩn trương tổ chức thăm hỏi, động viên, chia buồn đến các gia đình, thân nhân nạn nhân trong vụ cháy; có biện pháp hỗ trợ kịp thời gia đình người bị tử vong và bị thương; tập trung khắc phục hậu quả vụ cháy.

Lãnh đạo UBND thành phố tiếp 39 lượt với 263 công dân


Ngày 16-4, tại trụ sở Tiếp công dân thành phố, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 4-2019. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí đã chủ trì tiếp 39 lượt với 263 người là công dân các quận, huyện: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Hoàng Mai, Cầu Giấy, Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hà Đông, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Mỹ Đức, Thường Tín, Ứng Hòa, Ba Vì và thị xã Sơn Tây; 6 đoàn khiếu kiện đông người: đoàn 20 công dân phường Vĩnh Hưng, quận Hoàng Mai; đoàn 30 công dân phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy; đoàn 15 công dân thôn Xuân Thọ, xã Minh Quang, huyện Ba Vì; đoàn 120 công dân đại diện cho các hộ kinh doanh tại chợ Cầu, thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa; đoàn 27 công dân đại diện cho 256 giáo viên Trường THCS Đông Xuân, xã Đông Xuân, huyện Sóc Sơn và đoàn 30 công dân chợ Khương Đình, quận Thanh Xuân; nhận 53 đơn.

Căn cứ các nội dung khiếu nại tố cáo của công dân, các đồng chí chủ trì buổi tiếp yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung xem xét, giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của công dân theo đúng thẩm quyền, trình tự quy định của pháp luật và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND thành phố (có văn bản chỉ đạo riêng đối với từng vụ việc).

Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cần tập trung rà soát, tổ chức tiếp, đối thoại với công dân, giải quyết theo thẩm quyền, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài; kiểm tra, rà soát giải quyết dứt điểm các vụ khiếu nại, tố cáo tồn đọng; đảm bảo ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự xã hội tại địa phương.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đạo, điều hành nổi bật của TP Hà Nội tuần từ 15 đến 21-4

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.