Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy vai trò cựu chiến binh trong phát triển kinh tế

TTXVN| 28/04/2019 06:53

(HNM) - Nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2019), 30 năm thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam (1989-2019), chiều 27-4, tại trụ sở Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã tiếp Đoàn đại biểu Hội Cựu chiến binh và Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình. Ảnh: Bùi Giang/TTXVN


Phát biểu tại buổi tiếp, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình nhấn mạnh: Hơn 30 năm qua Hội Cựu chiến binh Việt Nam luôn xứng đáng với vai trò, vị trí của mình, là chỗ dựa tin cậy và vững chắc của cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân; phát huy những phẩm chất tốt đẹp của "Bộ đội Cụ Hồ" trong thời kỳ đổi mới của đất nước.

Phó Thủ tướng cho rằng Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã có bước phát triển vững chắc về quy mô tổ chức và số lượng, chất lượng hoạt động; góp phần tích cực vào việc xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền và nhân dân, giữ vững ổn định chính trị ở cơ sở, nêu gương sáng trong hoạt động "Đền ơn đáp nghĩa", từ thiện xã hội…

Đến nay, Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam đã có 42 tổ chức thành viên tại 42 tỉnh, thành phố. Hàng nghìn doanh nhân cựu chiến binh là chủ doanh nghiệp, các hợp tác xã, trang trại, nông trại đang gắn bó với nhau trong các tổ chức cơ sở thuộc hội và câu lạc bộ cấp huyện, xã.

* Trước đó, tối 26-4, tại Nghĩa trang Hàng Dương, Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo (1979 - 2019).

Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh dự và phát biểu. Cùng dự còn có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa, các đồng chí lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, cựu tù chính trị Côn Đảo qua các cuộc kháng chiến, các đồng chí tướng lĩnh, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân và đông đảo bà con nhân dân huyện Côn Đảo.

Nhà tù Côn Đảo với hệ thống trại giam tồn tại suốt 113 năm. Kể từ năm 1975 trở về trước, Nhà tù Côn Đảo được coi là “Địa ngục trần gian” - nơi in đậm tội ác chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ; nhưng nơi đây cũng chính là “Trường học - Lò tôi, vườn ươm cách mạng”, rèn luyện, thử thách, trưởng thành của nhiều lãnh tụ, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ.

Cũng tại nơi đây, đã có khoảng 20.000 người đã ngã xuống và mãi mãi yên nghỉ trong Nghĩa trang Hàng Dương và trên mảnh đất thiêng Côn Đảo. Trong hệ thống Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo hiện vẫn còn lưu giữ chứng tích gông cùm, xiềng xích, những dụng cụ tra tấn, những hộp thư được khoét bằng tay để người tù gửi thư cho nhau...

Phát biểu tại buổi lễ, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đánh giá cao Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trong việc gìn giữ giá trị lịch sử hệ thống Nhà tù Côn Đảo. Phó Chủ tịch nước mong muốn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tiếp tục đẩy mạnh hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc đến thế hệ trẻ, bạn bè quốc tế; góp phần quan trọng để Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Nhà tù Côn Đảo luôn là "Địa chỉ đỏ", thắp sáng bầu nhiệt huyết cách mạng cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Dịp này, thừa lệnh Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng Ba cho Ban Quản lý di tích Côn Đảo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy vai trò cựu chiến binh trong phát triển kinh tế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.