Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cuộc đời của Người mang giá trị thuyết phục hùng hồn

PGS.TS Bùi Đình Phong| 18/05/2019 07:52

(HNM) - Sự gương mẫu, nêu gương là một trong những biện pháp tốt nhất trong phương thức lãnh đạo của Đảng cầm quyền. Tư tưởng Hồ Chí Minh có một bảo chứng, đó là cuộc đời của Người mang giá trị thuyết phục hùng hồn.


Tấm gương sống Hồ Chí Minh

Người chỉ bảo rằng “…Nói miệng, ai cũng nói được. Ta cần phải thực hành”. Phải “tu thân chính tâm” mới có thể trị quốc, bình thiên hạ. Tức là trước hết tự mình phải tu dưỡng, rèn luyện, làm gương. Mình muốn hướng dẫn nhân dân thì mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước. Tự mình phải chính trước, mới giúp người khác chính. Mình không chính mà muốn người khác chính là vô lý. Người thường nói “không cần nói nhiều, mà làm cho thật nhiều. Những người tốt, những cán bộ tốt muốn làm việc to chứ không phải muốn làm quan lớn”. Điều này đối với cán bộ, đảng viên, đặc biệt là những cán bộ cốt cán, lãnh đạo, đứng đầu là cực kỳ quan trọng, vì “thượng bất chính, hạ tắc loạn”. Vấn đề không phải là viết lên trán mà phải viết trong tim chữ “cộng sản”, nghĩa là đảng viên thì phải luôn gương mẫu, trở thành tấm gương sống về đức và tài, toàn tâm toàn ý, hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng “Đảng không phải chỉ cần con số cho nhiều, tuy nhiều là tốt, nhưng phải có cái chất của người đảng viên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn gần gũi, gắn bó mật thiết với nhân dân. Ảnh tư liệu


Cái chất tốt nhất, đẹp nhất là nêu gương, gương mẫu. Cả cuộc đời Bác là một tấm gương sống về sự liêm khiết, không tham quyền cố vị, không mong được thăng quan phát tài. Về chức Chủ tịch phải gánh vác, Người nói là do đồng bào ủy thác thì phải gắng sức làm. Bao giờ đồng bào cho lui thì Người rất vui lòng lui. Người chỉ muốn làm bạn với cụ già lấy củi, trẻ em chăn trâu, trở về làm một công dân du sơn ngoạn thủy, đọc sách làm vườn. Người nói cả đời chỉ có một mục đích là phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của quốc dân, không dính líu gì đến vòng danh lợi. Người là một tấm gương mẫu mực, không có một chút gì cho riêng mình. Việc riêng của Người là hết lòng hết sức phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Hơn 60 năm từ buổi thiếu niên cho đến phút cuối cùng, Bác đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta và nhân dân thế giới. Khi đang lãnh đạo cách mạng, Bác chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn, áo mặc, ai cũng được học hành. Trước khi vĩnh biệt chúng ta, Người chỉ tiếc rằng không được phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa.

Sự cống hiến của Bác như Đảng ta khẳng định: "Người để lại cho chúng ta một di sản vô cùng quý báu. Đó là thời đại Hồ Chí Minh, thời đại rực rỡ nhất trong lịch sử quang vinh của dân tộc. Đó là kỷ nguyên độc lập, tự do của Tổ quốc, kỷ nguyên chủ nghĩa xã hội ở nước ta". Thế giới tôn vinh Người là Anh hùng giải phóng dân tộc, nhà văn hóa kiệt xuất. Thế nhưng, khi được tin Quốc hội có ý định tặng Huân chương Sao Vàng, huân chương cao quý nhất của nước ta, Người đã xin chưa nhận huân chương ấy, với lý do “huân chương là để thưởng cho người có công huân, nhưng tôi tự xét chưa có công huân xứng đáng”.

Một nét đẹp khác trong công việc của Bác là gương mẫu tự nhận trách nhiệm qua tự phê bình, không đổ lỗi, tranh công. Bác chỉ rõ, tự phê bình hay phê bình là vì lợi ích của cách mạng, để đoàn kết, để tiến bộ. Đó là cái chất của người cộng sản, người đảng viên. Nêu gương trong tự phê bình trước dân thì uy tín càng cao. Quần chúng tinh lắm, biết phân biệt thật giả. Nêu gương tự phê bình trước quần chúng và hoan nghênh quần chúng phê bình thì Đảng mạnh. Đảng mạnh thì dân theo, dân tin. Mà dân tin thì chế độ ta còn, Đảng ta còn.

Người nói đến tinh thần tự chỉ trích. Không chịu tự phê bình, tự chỉ trích thì không bao giờ tiến tới. Sau cách mạng thành công, Bác nêu gương trong việc xây nền độc lập của nước nhà, lãnh đạo cuộc kháng chiến ở miền Nam, kêu gọi và nêu gương tăng gia sản xuất, cứu đói ở miền Bắc, tổ chức cuộc tổng tuyển cử đầu tiên ở nước ta, chuẩn bị thành lập Quốc hội. Làm bao nhiêu việc lớn lao đó, nhưng Bác vẫn tự phê bình là chưa làm đầy đủ những sự mong muốn của đồng bào, vì tài hèn đức mọn. Người nói thành công là do đồng bào cố gắng; khuyết điểm là lỗi tại mình.

Tại Hội nghị lần thứ mười mở rộng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam khóa II ngày 25-8-1956 bàn về cải cách ruộng đất và chấn chỉnh tổ chức, Bác đã tiếp thu ý kiến phê bình của Bộ Chính trị và đề nghị xét sai, sửa sai cấp tốc, không được cầu toàn, trên cơ sở thi hành kỷ luật nghiêm minh và bảo vệ Đảng. Người tự phê bình một cách nghiêm túc: “Vì ta thiếu dân chủ nên nghe ít, thấy ít, nên bây giờ ta phải dân chủ. Tôi nhận trách nhiệm trong lúc sóng gió này. Tất cả Trung ương phải nghe, thấy, nghĩ, làm như thế. Bài học đau xót này sẽ thúc đẩy chúng ta”.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải làm theo gương Bác

Chúng ta đã có nhiều chỉ thị về việc học tập và làm theo gương Bác. Bên cạnh kết quả đạt được, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân làm tốt thì vẫn còn những hạn chế, yếu kém, thậm chí có những yếu kém, khuyết điểm kéo dài qua nhiều nhiệm kỳ chậm được khắc phục. Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu, kể cả một số cán bộ cao cấp, chưa thể hiện tính tiên phong gương mẫu, không những không làm theo gương Bác, mà còn làm ngược lại. Họ phai nhạt mục tiêu, lý tưởng phấn đấu cho quyền lợi của Tổ quốc và hạnh phúc của nhân dân. Họ bị cám dỗ về vật chất, tiền tài, bị hút vào vòng xoáy của danh lợi, quyền lực. Trong tự phê bình và phê bình còn hình thức, nể nang, né tránh, ngại va chạm, không tự giác nhận khuyết điểm và trách nhiệm về mình trong công việc được giao. Họ tôn thờ nguyên lý “im lặng là vàng”, “ta không đụng đến ngươi, ngươi không đụng đến ta”. Sự hủ bại, hủ hóa, lên mặt làm quan cách mạng, độc hành độc đoán, “dĩ công vi tư”, ông ủy viên đi xe hơi, bà ủy viên, cho đến các cô, các cậu ủy viên cũng dùng xe hơi của công được Bác Hồ cảnh báo từ năm 1945, nay vẫn còn đâu đó.

Phải siết chặt kỷ luật Đảng, lập lại trật tự, kỷ cương, phép nước, trong đó chú trọng sự gương mẫu của từng cán bộ, đảng viên, đặc biệt sự gương mẫu của Trung ương là cực kỳ quan trọng, có ý nghĩa quyết định như Quy định số 08-QĐi/TƯ ngày 25-10-2018 của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương” đã chỉ rõ.

Đảng là mỗi chúng ta, không ai làm thay được. Mỗi đảng viên phải tự giác, gương mẫu, nói đi đôi với làm. Gắn với chỉ thị, nghị quyết là làm, nêu gương, gương mẫu. Đây là vấn đề có ý nghĩa quyết định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cuộc đời của Người mang giá trị thuyết phục hùng hồn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.