Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kỳ tích mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

Lương Ninh Giang| 19/05/2019 06:57

(HNM) - Xây dựng đường Hồ Chí Minh - con đường xuyên Việt thứ hai của đất nước, là nguyện vọng của toàn Đảng, toàn dân, góp phần làm nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Một đoạn tuyến đường Hồ Chí Minh hôm nay. Ảnh: Lê Thắng


Nguyện vọng chính đáng

Ngay từ năm 1996, Chính phủ đã giao Bộ Giao thông - Vận tải nghiên cứu lập quy hoạch nhằm sớm hình thành trục đường bộ thứ hai ở phía Tây của đất nước, với tên gọi "Xa lộ Bắc Nam". Tuy nhiên, trong quá trình nghiên cứu lập dự án, nhiều bộ, ngành, địa phương và đông đảo cán bộ lão thành cách mạng bày tỏ nguyện vọng đặt tên là “đường Hồ Chí Minh” để xứng đáng với vai trò và tầm vóc của tuyến đường trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, cũng như trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án 2 (Bộ Giao thông - Vận tải), người đã gắn bó với dự án từ khi còn đang trong giai đoạn nghiên cứu, ngày 3-2-2000, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 18/QĐ-TTg phê duyệt đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh giai đoạn I, đúng dịp kỷ niệm 70 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam. Vào thời điểm đó, rất ít người tin rằng dự án có thể khởi công sớm, bởi tổng mức đầu tư giai đoạn I ước tính hơn 10.000 tỷ đồng, vượt quá khả năng đáp ứng của ngân sách nhà nước.

Tuy nhiên, bằng sự quyết tâm, kiên định, vào ngày 5-4-2000, tại bến phà Xuân Sơn bên bờ sông Son (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình), Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phát lệnh khởi công công trình. Nếu không có sự kiên định và dám nghĩ, dám làm, con đường xuyên Việt thứ hai của đất nước không thể thành hiện thực...

Ông Lâm Văn Hoàng - Giám đốc Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh cho biết, dự án là một thử thách rất lớn không chỉ của ngành Giao thông, bởi địa hình hiểm trở, núi cao, vực sâu, địa chất phức tạp cùng hàng nghìn tấn bom mìn còn sót lại sau chiến tranh, đặc biệt là ở nhánh phía Tây từ Khe Gát, Quảng Bình tới Thạnh Mỹ, Quảng Nam. Để khởi công được vào năm 2000, các kỹ sư, chiến sĩ đã phải khảo sát địa hình, vạch tuyến, xử lý bom mìn. Theo thống kê, chỉ tính riêng đoạn từ Thanh Hóa vào đến Quảng Nam trong quá trình giải phóng mặt bằng, bộ đội công binh đã dò tìm, xử lý hơn 6.000 quả bom, mìn các loại…

Cùng với đó, điều kiện khí hậu rất khắc nghiệt, đặc biệt là khu vực từ Quảng Bình trở vào, tuyến đường luôn chịu ảnh hưởng của 2 vùng khí hậu Đông và Tây Trường Sơn khi nắng gắt, khi mưa rừng khiến cho điều kiện ăn ở của người lao động rất khó khăn.

Song, vượt lên tất cả, những người tham gia xây dựng con đường đã liên tục thi đua với khẩu hiệu 4 nhất: “Chất lượng cao nhất, tiến độ nhanh nhất, an toàn nhất, tiết kiệm nhất”. Sau gần 8 năm, vào ngày 21-3-2008, Hội đồng Nghiệm thu nhà nước các công trình xây dựng đã nghiệm thu chất lượng công trình xây dựng đường Hồ Chí Minh, giai đoạn I.

Phát huy hiệu quả to lớn

Sau khi đưa vào khai thác giai đoạn I, đoạn từ Hòa Lạc (Hà Nội) đến Tân Cảnh (Kon Tum) dài hơn 1.350km, đường Hồ Chí Minh đã phát huy hiệu quả to lớn, hỗ trợ đắc lực cho quốc lộ 1A vốn đã quá tải và cùng với quốc lộ 1A giải quyết kịp thời tình trạng ách tắc trong mùa bão lũ, bảo đảm giao thông thông suốt.

Không chỉ vậy, tuyến đường mở đến đâu cuộc sống của hàng chục triệu đồng bào các dân tộc vùng sâu, vùng xa, vùng căn cứ cách mạng trước đây đổi thay đến đó, góp phần rút ngắn khoảng cách giữa miền núi với đồng bằng, tích cực xóa đói giảm nghèo. Như xã Kim Sơn 1 (huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) nằm ở giáp biên giới với Lào từng là một vùng hạ tầng thấp kém, giao thông cách trở, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn.

Trước đây, người dân Kim Sơn 1 muốn vận chuyển nông sản tới các tỉnh Nghệ An, Quảng Bình phải mất khoảng 8 giờ đồng hồ, nhưng nay nhờ có đường Hồ Chí Minh, thời gian di chuyển đã rút ngắn được một nửa. Giao thương thuận lợi giúp kinh tế địa phương chuyển mình mạnh mẽ, đời sống người dân được cải thiện. Đến nay, xã Kim Sơn 1 có hàng chục doanh nghiệp cùng 6 hợp tác xã, 198 hộ kinh doanh cá thể. Hiện thu nhập bình quân của người dân trong xã đạt khoảng 40 triệu đồng/người/năm; toàn xã chỉ còn 55 hộ nghèo.

Tiềm năng từ trục đường bộ thứ hai của đất nước sẽ còn rộng mở hơn nữa, khi đến năm 2020 sẽ hoàn thành giai đoạn II. Và sau năm 2020, các đoạn tuyến được nâng cấp theo tiêu chuẩn đường cao tốc phù hợp với quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2020... Khi đó, toàn tuyến sẽ được nối thông từ Pác Bó (Cao Bằng) đến Đất Mũi (Cà Mau), kết nối đồng bộ với các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ, khu cửa khẩu, cảng biển..., tạo kết nối liên vùng, là tiền đề thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đất nước.

Đường Hồ Chí Minh cũng là một hành lang hỗ trợ những cửa khẩu như Thanh Thủy, Nậm Cắn, Thông Thụ (Nghệ An), Cầu Treo (Hà Tĩnh), Lao Bảo (Quảng Trị), Cha Lo (Quảng Bình)... hay cảng Vũng Áng (Hà Tĩnh) phát triển đột phá và kết nối giao thương với nước bạn Lào và vùng Đông Bắc Thái Lan.

Tuyến đường trọng yếu này còn thực sự là "đòn bẩy" biến vùng ngã ba biên giới Ngọc Hồi (tỉnh Kon Tum) phá được thế "ngõ cụt" sau khi Chính phủ quyết định mở cửa khẩu, xây dựng khu kinh tế Bờ Y. Đến nay, khu kinh tế này đã trở thành cửa ngõ giao thương của tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia, là điểm nhấn trong chiến lược liên kết phát triển giữa các nước ASEAN và tiểu vùng sông Mê Kông, đáp ứng yêu cầu phát triển hành lang kinh tế Đông Tây...

Để đại dự án này sớm về đích, ngoài nguồn vốn ngân sách, Bộ Giao thông - Vận tải đang đồng thời triển khai phương án huy động nguồn vốn xã hội hóa. Đường Hồ Chí Minh trong thời bình sẽ tiếp tục làm nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước cũng như sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kỳ tích mới trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.