Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc

Quốc Bình| 01/06/2019 07:33

(HNM) - Từ một thanh niên giàu lòng yêu nước, đồng chí Hoàng Đình Giong đã trở thành chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc và là một trong những học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nhà tưởng niệm Hoàng Đình Giong (xóm Nà Toàn, phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng). (Ảnh: Quốc Đạt/TTXVN)


1. Đồng chí Hoàng Đình Giong (tức Hoàng, Lầu Voòng, Trần Tin, Nam Bình, Văn Tư, Võ Văn Đức, Vũ Đức, Lê Minh, Cụ Vũ) là người dân tộc Tày, sinh ngày 1-6-1904 tại làng Thôm Hoáng, xã Hạ Hoàng (nay thuộc phường Đề Thám, thành phố Cao Bằng, tỉnh Cao Bằng).

Từ nhỏ, hằng ngày chứng kiến những cảnh bất công ngang trái, Hoàng Đình Giong đã sớm bộc lộ tư tưởng yêu nước, chống thực dân Pháp; đến khi về Hà Nội học ở Trường Bách Nghệ, điều này càng được nhân lên. Những năm 1924-1925, đồng chí tích cực tham gia phong trào bãi khóa của học sinh Hà Nội, tham gia tổ chức lễ truy điệu nhà yêu nước Phan Chu Trinh và bị đuổi học, trở về Cao Bằng. Năm 1927, đồng chí bí mật sang Long Châu, Trung Quốc để bắt liên lạc với tổ chức cách mạng; một năm sau thì được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng thanh niên. Tháng 12-1929, cùng với các đồng chí Hoàng Văn Thụ, Hoàng Văn Nọn, đồng chí Hoàng Đình Giong được kết nạp vào Đông Dương Cộng sản Đảng và được bầu làm Bí thư chi bộ Hải ngoại (Long Châu, Trung Quốc).

Với tư cách là Bí thư Chi bộ, đồng chí đã chỉ đạo việc tổ chức, gây dựng, phát triển phong trào cách mạng ở Cao Bằng và Lạng Sơn. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Hoàng Đình Giong, cơ sở Đảng, phong trào cách mạng Cao Bằng không ngừng phát triển. Đầu năm 1933, với cương vị là Ủy viên Xứ ủy Bắc Kỳ, đồng chí Hoàng Đình Giong được giao nhiệm vụ kiểm tra, uốn nắn và chỉ đạo xây dựng, củng cố lại tổ chức Đảng và quần chúng ở Hải Phòng, Hòn Gai. Các chi bộ Đảng tại Hải Phòng dần được tái lập, trở thành hạt nhân lãnh đạo phong trào đấu tranh của công nhân và nông dân Hải Phòng. Tại vùng mỏ Hòn Gai, Cẩm Phả, đồng chí đã trực tiếp chỉ đạo khôi phục Chi bộ Uông Bí - Vàng Danh, Chi bộ Nhà máy kẽm Quảng Yên...

Ngày 4-2-1936, tại Hải Phòng, đồng chí Hoàng Đình Giong bị mật thám Pháp bắt giam, đưa đi nhiều nhà tù trong nước, rồi đày đi biệt xứ tận đảo Madagascar (châu Phi); phải đến tháng 10-1944, đồng chí mới thoát khỏi nhà tù đế quốc, trở về Cao Bằng.

Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9-3-1945), đồng chí Hoàng Đình Giong cùng Tỉnh ủy Cao Bằng lãnh đạo nhân dân khởi nghĩa. Đầu tháng 8-1945, đồng chí được phân công làm Trưởng ban Khởi nghĩa của tỉnh Cao Bằng tổ chức lãnh đạo lực lượng vũ trang phối hợp với sự nổi dậy của quần chúng đánh chiếm các nơi chiếm đóng của quân Nhật, đối phó với quân Tưởng.

Ngay sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, thực dân Pháp gây hấn ở Nam Bộ. Đồng chí Hoàng Đình Giong được Trung ương Đảng và Bác Hồ giao nhiệm vụ làm Chỉ huy Trưởng Đội quân Nam tiến, với bí danh là Võ Văn Đức (tên Bác Hồ đặt). Tháng 11-1945, tại Hội nghị An Phú Xá (Gia Định), đồng chí Võ Văn Đức (lúc này đã được đổi tên thành Vũ Đức) được cử làm Chủ nhiệm Chính trị Bộ (Chính ủy) Quân giải phóng Nam Bộ. Ngày 10-12-1945, Xứ ủy Nam Bộ triệu tập hội nghị mở rộng, đồng chí được trung ương cử làm Khu Bộ trưởng (Tư lệnh) Khu IX.

Tại Chiến khu IX, với trách nhiệm Khu Bộ trưởng, đồng chí Hoàng Đình Giong đã có đóng góp to lớn trong xây dựng, phát triển lực lượng kháng chiến, xây dựng thống nhất lực lượng vũ trang Nam Bộ; xây dựng căn cứ địa U Minh; giải quyết vấn đề đại đoàn kết dân tộc, nhất là với đồng bào Khmer, đoàn kết tôn giáo; phối hợp xây dựng lực lượng ở các nước Đông Nam Á (Campuchia, Lào, Thái Lan) cùng chống Pháp. Cuối tháng 11-1946, Khu Bộ trưởng Vũ Đức lên đường ra Bắc nhận nhiệm vụ mới. Khi đến tỉnh Ninh Thuận, đồng chí được trung ương phân công ở lại làm Khu Bộ trưởng Khu VI. Đồng chí đã có nhiều đóng góp trong việc chỉ đạo xây dựng củng cố Trung đoàn 81 (Ninh Thuận), Trung đoàn 82 (Bình Thuận), huấn luyện tác chiến và bồi dưỡng chiến tranh du kích cho lực lượng vũ trang Khu VI, giúp đỡ Đảng bộ Ninh Thuận, Bình Thuận lãnh đạo, chỉ đạo tiến hành chiến tranh du kích, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp.

Năm 1947, trong một trận chiến đấu ác liệt tại Ninh Thuận, đồng chí Hoàng Đình Giong đã anh dũng hy sinh.

Với những cống hiến to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đồng chí Hoàng Đình Giong đã được Đảng, Nhà nước truy tặng nhiều danh hiệu cao quý như Huân chương Hồ Chí Minh (năm 1998); danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân (năm 2009); Lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam (năm 2018).

2. Hy sinh khi mới 43 tuổi, nhưng đồng chí Hoàng Đình Giong đã có hơn 20 năm hoạt động cách mạng liên tục, có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Ở đồng chí Hoàng Đình Giong nổi bật là tinh thần trách nhiệm, ý thức tổ chức, kỷ luật và tuyệt đối phục tùng, chấp hành sự phân công của tổ chức. Suốt cuộc đời hoạt động cách mạng, đồng chí luôn đặt lợi ích của Đảng và dân tộc lên trên hết; sống giản dị, chân thành, gần gũi, gắn bó mật thiết với quần chúng nhân dân, luôn lắng nghe và tôn trọng ý kiến của quần chúng nhân dân, được quần chúng nhân dân yêu mến, tin tưởng, cảm phục.

Những năm tháng trong nhà tù đế quốc, mặc dù bị kẻ thù tra tấn dã man, đồng chí Hoàng Đình Giong vẫn luôn là người có tinh thần cách mạng triệt để và lập trường giai cấp vững vàng, lạc quan, luôn động viên đồng chí, đồng đội tin tưởng vào tương lai của cách mạng và đất nước.

Từ một thanh niên trí thức người dân tộc thiểu số có lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc, đồng chí Hoàng Đình Giong đã đến với lý tưởng cộng sản và đi theo con đường cách mạng mà Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh lựa chọn. Đồng chí đã trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của Đảng và dân tộc; nhà lãnh đạo cách mạng tài đức vẹn tròn, xứng đáng với cái tên Võ Văn Đức mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt.

Cuộc đời hoạt động cách mạng phong phú, sôi nổi và sự hy sinh oanh liệt của đồng chí Hoàng Đình Giong mãi mãi là niềm tự hào, là tấm gương sáng cho các thế hệ trẻ học tập, noi theo.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chiến sĩ cộng sản kiên trung, người con ưu tú của dân tộc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.