Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đánh giá chất lượng cán bộ, công chức: Đã chuyển biến nhưng còn hiện tượng xuê xoa

Việt Tuấn| 04/06/2019 07:26

(HNM) - Ghi nhận qua đợt giám sát của Thường trực HĐND thành phố mới đây cho thấy, bên cạnh những kết quả tích cực, một số đơn vị vẫn còn hiện tượng xuê xoa, chiếu lệ trong việc đánh giá chất lượng cán bộ, công chức.

Đoàn giám sát của Thường trực HĐND thành phố khảo sát tại bộ phận “một cửa” UBND xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn.


Việc “chấm điểm” đi vào nền nếp

Theo Giám đốc Sở Nội vụ Trần Huy Sáng, thời gian qua, công tác đánh giá, phân loại cán bộ, công chức của thành phố có nhiều đổi mới. Từ cuối năm 2017, UBND thành phố đã chỉ đạo giám đốc các sở chuyên ngành chấm điểm trưởng các phòng chuyên môn cấp sở và UBND cấp huyện; chủ tịch UBND cấp huyện chấm điểm chủ tịch UBND cấp xã. Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 3814-QĐ/TU ngày 16-5-2018 của Thành ủy về ban hành “Quy định khung tiêu chí đánh giá hằng tháng đối với cán bộ, công chức, viên chức và lao động hợp đồng trong hệ thống chính trị của thành phố Hà Nội”, UBND thành phố đã chỉ đạo quyết liệt công việc quan trọng này. Đến nay, cùng với tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ định kỳ và đột xuất, việc đánh giá, xếp loại hằng tháng trong các cơ quan trên địa bàn thành phố đã đi vào nền nếp.

Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, thời gian qua, huyện đã thực hiện 95 cuộc kiểm tra công vụ đối với các phòng, ban, đơn vị, cơ sở; trong đó 17 cuộc kiểm tra đột xuất. Đây là cơ sở để chấm điểm cán bộ, đồng thời chấn chỉnh những cá nhân chểnh mảng công việc. Tương tự, thị xã Sơn Tây đã tiến hành 25 cuộc thanh tra, kiểm tra công vụ và lấy sự hài lòng của tổ chức, công dân đến giải quyết thủ tục hành chính làm thước đo đánh giá, “chấm điểm” cán bộ, công chức. Theo ông Đồng Đức Trang (phường Sơn Lộc, thị xã Sơn Tây), hiện nay người dân đến chứng thực các giấy tờ không còn tâm lý "ngại" như trước. Cán bộ niềm nở tiếp nhận, hướng dẫn, giải quyết thủ tục rất nhiệt tình.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thị Lụa, cán bộ tư pháp thuộc bộ phận “một cửa” UBND xã Phù Linh (huyện Sóc Sơn) cho biết, bản thân nhận thức rõ cần nâng cao trách nhiệm, hỗ trợ nhân dân, bởi thực tế người dân khu vực nông thôn tiếp cận dịch vụ công trực tuyến còn hạn chế.

Không chỉ có sự chuyển biến ở cấp quận, huyện, bộ phận "một cửa" của các sở, ngành đã có nhiều đổi mới với tinh thần trách nhiệm được nâng cao. Chị Vũ Thị Đoan Trang, Giám đốc Công ty cổ phần Truyền thông sự kiện S Việt Nam (phường Láng Hạ, quận Đống Đa) nhận xét: Thủ tục đăng ký doanh nghiệp hiện dễ dàng hơn trước rất nhiều. Tổ chức, công dân chỉ cần nộp hồ sơ điện tử, đến hạn thì đối chiếu hồ sơ gốc, nhận phiếu hẹn tại bộ phận "một cửa" Sở Kế hoạch và Đầu tư. Tại đây, người đến giao dịch cũng được hướng dẫn bổ sung thủ tục (nếu thiếu) một cách niềm nở.

Rõ ràng, những kết quả đạt được kể trên có được một phần là từ việc siết chặt kỷ cương, tổ chức chấm điểm thi đua cán bộ, công chức của từng cơ quan, đơn vị trên địa bàn thành phố.

Khắc phục hiện tượng chiếu lệ

Trưởng ban Pháp chế HĐND thành phố Nguyễn Hoài Nam cho biết, bên cạnh kết quả tích cực là chủ đạo, thực tiễn vẫn còn nhiều hạn chế trong công tác đánh giá cán bộ của các sở, ngành, đơn vị.

Chẳng hạn, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chưa thường xuyên thực hiện kiểm tra công vụ; nội dung, phương thức đánh giá cán bộ chậm đổi mới, chưa gắn với thực tiễn công việc. Tại Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước, thoát nước và môi trường thành phố, do hợp nhất các ban quản lý nên trình độ chuyên môn của cán bộ không đồng đều, chưa sắp xếp theo đúng đề án vị trí việc làm phù hợp với chuyên ngành đào tạo, dẫn đến việc đánh giá, nhận xét cán bộ, viên chức chưa sát thực. Tương tự, ở Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố, công tác đánh giá cán bộ, viên chức còn hiện tượng né tránh, ngại va chạm, dẫn đến còn một số viên chức, người lao động không bảo đảm về trình độ, năng lực theo đề án vị trí việc làm.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố Hồ Vân Nga, để khắc phục hạn chế, các sở, ngành, đơn vị cần nâng cao hiệu quả đề án vị trí việc làm đã được phê duyệt. Những đơn vị chưa được duyệt thì khẩn trương hoàn thiện trình UBND thành phố thông qua, từ đó bố trí cán bộ có đủ chuyên môn, năng lực đảm nhận theo từng vị trí, yêu cầu công việc. “Nếu đánh giá thiếu khách quan, nể nang, xuê xoa thì đơn vị ngày càng trì trệ và cũng sẽ dẫn đến hệ quả không đạt mục tiêu tinh giản biên chế” - bà Hồ Vân Nga nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà cho rằng, việc đánh giá chất lượng cán bộ theo công việc, nhiệm vụ được giao rất quan trọng. Ngoài nâng cao chất lượng công việc ở mỗi bộ phận, việc đánh giá còn giúp cấp ủy cơ sở thực hiện tốt công tác quy hoạch, điều động, bổ nhiệm cán bộ. Bởi thực tiễn thời gian qua cho thấy, một số đơn vị điều động, luân chuyển, bổ nhiệm các vị trí việc làm chưa đúng với chuyên môn, nên chất lượng hoàn thành công việc thấp, dẫn đến hệ quả xử lý sau bổ nhiệm khó khăn, kéo dài...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đánh giá chất lượng cán bộ, công chức: Đã chuyển biến nhưng còn hiện tượng xuê xoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.