Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ nghiêm kỷ cương, phòng ngừa tham nhũng

Phong Thu| 09/06/2019 06:45

(HNM) - Trong tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ bảy, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.


Nâng hiệu lực hoạt động của Kiểm toán Nhà nước

Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước năm 2015 nhằm góp phần hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ của Kiểm toán Nhà nước, của Tổng Kiểm toán Nhà nước; nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Kiểm toán Nhà nước, bảo đảm sự đồng bộ với các luật khác có liên quan; đáp ứng ngày càng tốt hơn yêu cầu quản lý tài chính công, tài sản công, đấu tranh phòng, chống tham nhũng...

Việc sửa đổi, bổ sung tập trung vào 12 nội dung chính. Trong đó có bổ sung quy định thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng theo quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết, Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 đã quy định trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong công tác phòng, chống tham nhũng tại các điều 60, 61, 62, 63, 64, 87. Tại Khoản 5, Điều 5, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 cũng quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm phối hợp với cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong việc phát hiện và xử lý tội phạm...

Do đó, để bảo đảm sự thống nhất và tương thích giữa Luật Kiểm toán Nhà nước với Luật Phòng, chống tham nhũng và các luật có liên quan, cần quy định bổ sung nhiệm vụ này trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước.

Góp ý về nội dung này, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự thảo luật bổ sung nội dung về trách nhiệm của Kiểm toán Nhà nước trong kiểm toán vụ việc có dấu hiệu tham nhũng chưa đầy đủ. “Nếu chỉ giới hạn là án tham nhũng thì rất hẹp. Bên cạnh đó, việc giải quyết các vụ án khác nhau có mối quan hệ với nhau, nhất là giữa các vụ án tham nhũng và các vụ án hình sự về các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế. Vì vậy, cần cân nhắc bỏ giới hạn này để bảo đảm tính công bằng, thống nhất trong đường lối giải quyết”, đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với quan điểm sửa đổi luật nhằm tăng cường vai trò, trách nhiệm của cơ quan kiểm toán trong việc kiểm tra, giám sát về quản lý, sử dụng ngân sách và tài sản công, đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn Hà Nội) đề nghị phải quy định Kiểm toán Nhà nước có trách nhiệm kiểm toán tất cả các hoạt động có liên quan đến thu, chi ngân sách và sử dụng tài sản công.

Cần cơ quan độc lập kiểm soát chất lượng kiểm toán

Bên cạnh đó, các đại biểu Quốc hội còn đóng góp ý kiến về một số nội dung khác trong dự thảo luật. Quan tâm đến thời hạn công khai báo cáo kiểm toán, đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, dự thảo luật đã quy định công khai báo cáo kiểm toán, nhưng không quy định thời hạn phải công khai, do đó giảm ý nghĩa, thậm chí vô hiệu hóa quy định công khai, vì vậy cần bổ sung thời hạn công khai sau khi báo cáo được ký ban hành.

Đại biểu Tống Thanh Bình (Đoàn Lai Châu) ủng hộ việc quy định kiểm soát chất lượng kiểm toán. Tuy nhiên, theo đại biểu, việc quy định Kiểm toán Nhà nước vừa ban hành quy định về tổ chức và hoạt động kiểm soát, đồng thời thực hiện nhiệm vụ kiểm soát chất lượng như trong dự thảo luật là không phù hợp. Cần có một cơ quan độc lập để kiểm soát chất lượng kiểm toán, bởi vì nếu quy định như dự thảo luật không khác "vừa đá bóng vừa thổi còi”.

Bên cạnh đó, đại biểu Phạm Hồng Phong (Đoàn Hậu Giang) đề xuất, cần thành lập một cơ quan đặc biệt để tổ chức giải quyết khiếu nại của người dân liên quan đến các kết luận kiểm toán. Cơ quan này sẽ thuộc Quốc hội, thành viên gồm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Tài chính…

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề nghị bổ sung trong Luật Kiểm toán Nhà nước một chương về tố tụng kiểm toán. Việc tố tụng có thể theo 2 hướng: Hướng thứ nhất là tố tụng trong nội bộ hoạt động kiểm toán ở ba cấp; hướng thứ hai là khởi kiện trước tòa án.

Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Kiểm toán Nhà nước được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm. Tại hội trường đã có 13 đại biểu phát biểu ý kiến, 3 đại biểu tranh luận. Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc tiếp thu ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội và sẽ hoàn chỉnh dự án luật để trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ tám.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ nghiêm kỷ cương, phòng ngừa tham nhũng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.