Theo dõi Báo Hànộimới trên

50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những giá trị cốt lõi của Di chúc

Hương Ly| 20/06/2019 07:02

(HNM) - Tháng 5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khởi thảo Di chúc với tiêu đề “Tuyệt đối bí mật”, một văn kiện lịch sử vô giá thể hiện tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Bác với Tổ quốc, nhân dân và sự nghiệp cách mạng.


Mong muốn xây dựng nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập

Nhân dịp sinh nhật lần thứ 75, vào lúc 9h sáng 10-5-1965 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bản Di chúc gồm ba trang, do chính Bác đánh máy, ở cuối đề ngày 15-5-1965. Đây là bản Di chúc hoàn chỉnh có chữ ký của Bác và bên cạnh có chữ ký của đồng chí Lê Duẩn, Bí thư Thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Sau đó, Bác tiếp tục sửa chữa bản Di chúc trong những năm về sau. Đúng 10h ngày 19-5-1969, là kỷ niệm Ngày sinh lần thứ 79, Bác đọc lại lần cuối bản Di chúc rồi xếp vào phong bì, cất đi.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là kim chỉ nam để toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết xây dựng đất nước ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Ảnh: Bá Hoạt


Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu được công bố trong lễ tang của Người tháng 9-1969. Vì những lý do nhất định khi đó nên một số vấn đề trong Di chúc chưa được công bố, như: Việc căn dặn của Người về hỏa táng thi hài; việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước thắng lợi; miễn giảm thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp... Trong dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1990), Bộ Chính trị (khóa VI) đã quyết định công bố toàn bộ các bản viết Di chúc của Người.

Tinh thần thẳm sâu trong Di chúc là Người khẳng định truyền thống đoàn kết chặt chẽ trong Đảng và “cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Bác yêu cầu “trong Đảng thực hành dân chủ rộng rãi, thường xuyên và nghiêm chỉnh tự phê bình và phê bình” để củng cố và phát triển đoàn kết và thống nhất trong Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên phải thực sự thấm nhuần đạo đức cách mạng; giữ gìn Đảng ta thật trong sạch.

Người cũng nhấn mạnh, “bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là một việc rất quan trọng và rất cần thiết”. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ - những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức bóc lột của phong kiến, thực dân; nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân…

Mong muốn cuối cùng của Chủ tịch Hồ Chí Minh trước lúc đi xa là cuộc kháng chiến chống Mỹ thắng lợi; toàn Đảng, toàn dân ta đoàn kết phấn đấu, xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng thế giới.

Phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới

Tại bản Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Suốt đời tôi hết lòng phục vụ Tổ quốc, phục vụ cách mạng, phục vụ nhân dân. Nay dù phải từ biệt thế giới này, tôi không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa”.

Người cũng khẳng định: “Đảng ta là Đảng cầm quyền”, để đáp ứng được nhiệm vụ lãnh đạo xã hội, Đảng phải luôn vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và gắn bó máu thịt với nhân dân, không ngừng nâng cao bản chất giai cấp công nhân, lấy chủ nghĩa Mác - Lênin làm nền tảng tư tưởng, làm kim chỉ nam cho mọi hoạt động của mình.

Di chúc nêu những vấn đề cốt yếu của công tác xây dựng Đảng, đó là: Giữ gìn mối đoàn kết trong Đảng, thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, nguyên tắc tự phê bình và phê bình, rèn luyện đạo đức cách mạng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân của mỗi cán bộ, đảng viên.

Bản Di chúc của Bác cũng là tác phẩm bàn về xây dựng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới. Di chúc như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh với những chỉ dẫn về quản lý xã hội như: Sửa đổi chế độ giáo dục cho phù hợp hoàn cảnh mới; khôi phục và mở rộng các ngành kinh tế; chính sách miễn thuế nông nghiệp cho nông dân; chính sách xã hội, công bằng xã hội...

Di chúc cũng phác thảo những vấn đề quan trọng của sự nghiệp đổi mới đất nước. Người yêu cầu, Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và văn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh: Phải xây dựng chủ nghĩa xã hội trong hoàn cảnh, điều kiện nước ta và phải đặc biệt chú trọng phát huy khả năng sáng tạo của dân, “động viên toàn dân, tổ chức và giáo dục toàn dân, dựa vào lực lượng vĩ đại của toàn dân”.

Suốt đời phục vụ nhân dân, đất nước, trong Di chúc Bác không đề cập đến “cá nhân” hay “bản thân”. Mỗi dòng, mỗi điều Bác viết đều là những chỉ dẫn vô giá, là ánh sáng soi đường cho cách mạng Việt Nam; thể hiện tâm nguyện, là tình cảm, ý chí, trách nhiệm đối với Tổ quốc, đối với nhân dân và sự nghiệp cách mạng.

Theo Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Chí Bảo, chuyên gia cao cấp của Hội đồng lý luận Trung ương, toàn bộ bản Di chúc là niềm tin vào thắng lợi của cách mạng và niềm tin Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ, đàng hoàng, to đẹp hơn sau khi kết thúc chiến tranh. Bản Di chúc 1.000 từ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành Quốc bảo của cả dân tộc.

Thực hiện Di chúc của Bác, 50 năm qua, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đã thực hiện nghiêm 5 lời thề: Nén đau thương biến thành sức mạnh, quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, đưa Nam - Bắc sum họp một nhà; kiên trì lý tưởng mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, quyết tâm xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội tại Việt Nam; giữ gìn đoàn kết thống nhất trong Đảng; làm tất cả vì hạnh phúc của nhân dân; toàn Đảng, toàn dân, toàn quân nguyện học tập, làm theo đạo đức trong sáng mẫu mực của Chủ tịch Hồ Chí Minh với 4 chữ “cần - kiệm - liêm - chính”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Những giá trị cốt lõi của Di chúc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.