Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tránh để việc tiếp dân thành hình thức hoặc phong trào

Hương Ly - Ảnh: Bá Hoạt| 25/06/2019 09:00

(HNMO) - Sáng 25-6, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thành phố đã chủ trì hội nghị giao ban quý II, triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019 của Ban Chỉ đạo.


Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng phát biểu tại hội nghị.


Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Trưởng ban Dân vận Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Hồng Sơn.

Quy chế Dân chủ ở cơ sở đi vào cuộc sống

Báo cáo do Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Đào Ngọc Triệu trình bày cho biết, trong quý II-2019, Ban Chỉ đạo thành phố đã chủ động, tích cực tham mưu giúp cấp ủy chỉ đạo và triển khai nghiêm túc, bảo đảm tiến độ các nội dung về thực hiện Quy chế Dân chủ theo chương trình công tác đã đề ra. Các nội dung triển khai đều gắn với chủ đề công tác “Năm dân vận chính quyền 2019”, “Năm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”. Công tác kiểm tra việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tiếp tục được duy trì nền nếp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức chính trị - xã hội đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho đoàn viên, hội viên và nhân dân về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở gắn với tăng cường giám sát và phản biện xã hội, đối thoại giữa cấp ủy, chính quyền với nhân dân… Qua đó, các cấp ủy, chính quyền đã tiếp thu được nhiều ý kiến đóng góp xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; đồng thời giải quyết kịp thời những vấn đề dân sinh bức xúc, những vụ việc phức tạp kéo dài được nhân dân ghi nhận, đồng tình.

Báo cáo cũng cho thấy, việc thực hiện Quy chế Dân chủ gắn với triển khai Nghị quyết 15-NQ/TU và Chỉ thị số 15-CT/TU của Thành ủy tiếp tục được đẩy mạnh. Trong 6 tháng đầu năm 2019, chính quyền các địa phương, cơ quan hành chính của thành phố đã tiếp trên 15.000 lượt công dân; tiếp nhận và xử lý 18.771 đơn các loại. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã kiến nghị kiểm điểm trách nhiệm 22 tập thể, 13 cá nhân để xảy ra sai phạm.

Các đồng chí Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố, Chủ tịch HĐND thành phố cũng đã gặp gỡ, tiếp xúc đối thoại với nhiều tầng lớp nhân dân, như: Gặp mặt, đối thoại với 200 đoàn viên, thanh thiếu nhi Thủ đô; gặp gỡ, đối thoại với hơn 1.000 công nhân lao động... Các quận, huyện, thị xã cũng tổ chức 59 hội nghị đối thoại (trong đó có 50 hội nghị đột xuất); cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 243 hội nghị (trong đó có 100 hội nghị đột xuất).

Các Ban thanh tra nhân dân đã tổ chức 3.211 cuộc giám sát, phát hiện và kiến nghị với chính quyền các cấp, các cơ quan có thẩm quyền tổng số 778 vụ việc; được xem xét, giải quyết 726 vụ việc (đạt 93,3%). Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng đã tham gia giám sát 1.934 công trình, dự án, phát hiện 145 vụ vi phạm, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền khắc phục và xử lý vi phạm kịp thời 134 vụ...

Gắn thực hiện Quy chế Dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, trong 6 tháng đầu năm 2019, Thành ủy đã ban hành 5 văn bản chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở, gắn với chủ đề công tác của năm và các nghị quyết của Trung ương. Hoạt động của Ban Chỉ đạo đồng bộ hơn, tập trung kiểm tra việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở tại các đơn vị. 

Từ đó, kết quả đã có chuyển biến rõ nét, nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể được nâng lên; công tác tuyên truyền, vận động được triển khai khá tích cực. Đáng lưu ý, việc thực hiện Quy chế Dân chủ gắn với đối thoại được triển khai hiệu quả từ thành phố đến cơ sở...

“Những kết quả đạt được cho thấy, việc phát huy Quy chế Dân chủ ở cơ sở đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của thành phố trong 6 tháng đầu năm, đặc biệt là tiếp tục giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn Thủ đô. Đây có thể coi là “chìa khóa vàng” để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đoàn kết, đồng thuận, qua đó giúp mỗi địa phương, đơn vị hoàn thành nhiệm vụ được giao” - Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng nhấn mạnh.

Tuy nhiên, đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng lưu ý tình trạng một số địa phương triển khai công tác giải phóng mặt bằng còn chậm, gây bức xúc. Việc giải quyết kiến nghị sau các hội nghị tiếp dân cần được chỉ đạo, giải quyết dứt điểm những nguyện vọng chính đáng của nhân dân, tránh để việc tiếp dân thành hình thức hoặc phong trào.

Nhấn mạnh một số nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm 2019, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác thông tin, tuyên truyền việc xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở bằng nhiều hình thức, thiết thực và phù hợp với từng nhóm đối tượng.

Tiếp tục nâng cao nhận thức, trách nhiệm thực hiện Quy chế Dân chủ của cấp ủy, chính quyền, các cơ quan, đơn vị, nhất là trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, cần gắn việc thực hiện Quy chế Dân chủ với thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố, các cơ quan, đơn vị, nhất là những khâu còn yếu.

Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở thành phố cũng nêu rõ, thời gian tới, thành phố sẽ thực hiện các nghị quyết của Trung ương về sắp xếp đội ngũ cán bộ không chuyên trách ở cơ sở.

Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng cũng yêu cầu tiếp tục phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác giám sát, phản biện, đặc biệt phải chú trọng khâu giải quyết các kiến nghị của nhân dân. Ngoài ra, cần hoàn thành việc kiểm tra thực hiện Quy chế Dân chủ tại 103 xã, phường, thị trấn còn lại trong 6 tháng đầu năm theo đúng kế hoạch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tránh để việc tiếp dân thành hình thức hoặc phong trào

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.