Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân, thúc đẩy tiến độ các dự án

Võ Lâm, Hương Ly - Ảnh: Viết Thành| 27/06/2019 08:13

(HNMO) - Sáng 27-6, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2019 bàn về một số vấn đề quan trọng, cấp bách.

Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND thành phố Hà Nội giao ban trực tuyến với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý II-2019.


Chủ trì hội nghị từ điểm cầu chính đặt tại trụ sở Thành ủy Hà Nội (số 219, đường Trần Phú, quận Hà Đông) có các đồng chí: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hoàng Trung Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Phó Bí thư Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu.

Dự hội nghị có đại biểu một số cơ quan trung ương; các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể của thành phố.

Tham gia hội nghị tại các điểm cầu của các quận, huyện, thị xã có các đồng chí Bí thư cấp ủy, Chủ tịch HĐND, UBND, lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn và các xã, phường, thị trấn.

Các đại biểu tham dự hội nghị đông đủ, nghiêm túc.


Các nội dung được hội nghị xem xét báo cáo và thảo luận bao gồm: Kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã và tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố; triển khai Kế hoạch bảo đảm cấp, thoát nước mùa hè năm 2019; công tác phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, tìm kiếm cứu nạn.

Tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản còn chậm


Mở đầu, thừa ủy quyền của Ban Cán sự đảng UBND thành phố, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền trình bày Báo cáo kiểm điểm tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản cấp thành phố và cấp quận, huyện, thị xã; tiến độ triển khai các công trình, dự án trọng điểm của thành phố.

Nhìn chung, tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư năm 2019 của toàn thành phố chậm, nhất là ở cấp thành phố. Hết 5 tháng, toàn thành phố mới giải ngân được 15,3% kế hoạch vốn giao, ước giải ngân hết 6 tháng khoảng 31% (đạt 32,2% kế hoạch giao đầu năm). Mức giải ngân đạt được thấp hơn so với cùng kỳ năm 2018.

Sau 5 tháng triển khai kế hoạch (tính đến hết ngày 31-5-2019), chỉ một số ít đơn vị có kết quả giải ngân khá, như: UBND quận Hà Đông (89%), UBND huyện Đan Phượng (51%), UBND huyện Quốc Oai (49%)...

Đối với giải ngân vốn xây dựng cơ bản cấp thành phố, tính đến hết ngày 31-5-2019, còn 10 đơn vị chưa thực hiện giải ngân (giải ngân 0%), như: Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Phú Xuyên... Cả 6 ban quản lý dự án của thành phố đều có tỷ lệ giải ngân ở mức thấp dưới mức bình quân.

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền.


Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Mạnh Quyền, ngoài vướng mắc do phải thực hiện quyết định mới về giải ngân của Chính phủ, việc giải ngân chậm còn do sự phối hợp giữa các ngành, các cấp với chủ đầu tư chưa được tốt trong quá trình liên thông giải quyết thủ tục hành chính khi triển khai thực hiện dự án đầu tư theo kế hoạch thành phố giao.

Rút thời gian cấp nước trở lại sau sự cố xuống còn 1 ngày

Báo cáo tóm tắt về kế hoạch cấp nước mùa hè, thoát nước mùa mưa năm 2019, Giám đốc Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong năm 2018, bốn dự án cấp nước được hoàn thành đã giúp nâng công suất cấp nước sạch sinh hoạt năm 2019 của thành phố tăng thêm 390.000 m3/ngày-đêm. Tổng công suất cấp nước sạch sinh hoạt từ các nhà máy nước tập trung trên địa bàn thành phố hiện nay là 1.370.000 m3/ngày-đêm. Ngoài ra, còn các trạm cấp nước cục bộ cấp nước cho các huyện ngoại thành.

Toàn thành phố hiện có 1.317.000 khách hàng sử dụng nước sạch sinh hoạt với lượng nước trung bình khoảng 1.100.000-1.200.000 m3/ngày-đêm. Với dự báo nhu cầu sử dụng nước vào cao điểm mùa hè của người dân sẽ tăng từ 5-10%, số khách hàng tăng thêm khoảng 6%, tổng lượng nước sạch khai thác vẫn bảo đảm cung cấp đủ.

Với việc đưa vào vận hành Trạm bơm tăng áp Tây Mỗ và đấu nối bổ sung nguồn nước mặt sông Đuống cho khu vực các quận Hoàng Mai, Hà Đông và huyện Thanh Trì, trường hợp xảy ra sự cố hoặc bảo dưỡng đường ống số 1 nước sạch sông Đà, thời gian cấp lại nước cho người dân được rút xuống chỉ còn 1 ngày. 

Tuy nhiên, hiện tượng thiếu nước cục bộ có thể xảy ra ở một số khu vực đô thị mới đưa vào sử dụng trong khi hệ thống cấp nước chưa được đầu tư đồng bộ, còn sử dụng nguồn từ các trạm cấp nước cục bộ.

Để thực hiện nhiệm vụ cấp nước mùa hè 2019 bảo đảm an toàn, đầy đủ, Ban cán sự Đảng UBND thành phố yêu cầu các công ty nước sạch rà soát kỹ và xây dựng các giải pháp, biện pháp cụ thể, chi tiết, đặc biệt đề phòng các tình huống sự cố có thể xảy ra. Riêng đối với sự cố tuyến đường ống số 1 sông Đà, đơn vị vận hành phải sửa chữa, khắc phục không quá 10 giờ/1 điểm sự cố.

Thành phố cũng yêu cầu hoàn thành các dự án phát triển mạng khu vực nông thôn trong năm 2019 với quy mô 250.000 hộ.

Còn 16 điểm úng ngập

Về Kế hoạch bảo đảm thoát nước, chống úng ngập khu vực nội thành Hà Nội mùa mưa năm 2019, 6 tháng đầu năm, thành phố đã xóa thêm được 4 “điểm đen” về úng ngập. Với cường độ mưa trong khoảng từ 50-100mm/2 giờ, các tuyến phố chính vẫn tồn tại 16 điểm úng ngập. 

Ngoài ra, còn một số điểm ngập cục bộ tồn tại do tiếp nhận bàn giao quản lý sau đầu tư theo phân cấp như: Các ngõ, ngách khu dân cư 12 quận; các tuyến như quốc lộ 1A, quốc lộ 70, quốc lộ 32, quốc lộ 21B; các đường gom Đại lộ Thăng Long...

Nhằm phòng, chống úng ngập hiệu quả, thành phố thực hiện nhiều nhóm giải pháp, tiếp tục nâng cấp Trung tâm điều hành hệ thống thoát nước; chuẩn bị sẵn sàng các xe bơm di động, xe hút stec, các thiết bị, phương tiện cơ giới và các trạm bơm cục bộ để xử lý những điểm trũng trên các trục đường chính khi có mưa lớn. Các cơ quan có trách nhiệm sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm hành lang hệ thống thoát nước.

Duy trì chế độ trực 24/24h ở các cấp

Thừa ủy quyền của Ban Cán sự đảng UBND thành phố báo cáo công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn năm 2019, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chu Phú Mỹ cho biết, tính đến hết tháng 5-2019, trên địa bàn thành phố xảy ra 107 vụ việc cháy, nổ, sự cố, làm 22 người chết, 17 người bị thương, gây thiệt hại khoảng 30 tỷ đồng. Các cơ quan, đơn vị thành phố đã huy động trên 3.400 lượt người, 332 lượt phương tiện tham gia khắc phục hậu quả, cứu hộ, cứu nạn.

Thời gian tới, do biến đổi khí hậu, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ diễn ra ngày một khó lường về tần suất và thời gian xuất hiện; kéo theo nguy cơ cao về các sự cố, thảm họa cháy, nổ, sập đổ công trình. Để chủ động ứng phó với tình hình thiên tai, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, Ban Cán sự đảng UBND thành phố xác định 7 nhóm nhiệm vụ trọng tâm thực hiện. 

Đáng chú ý, thành phố sẽ tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung kế hoạch, phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của các đơn vị; chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chủ động lồng ghép nội dung phòng, chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành và kinh tế - xã hội.

Thành phố cũng sẽ đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình xây dựng cơ bản, nhất là các công trình trọng điểm về phòng, chống thiên tai năm 2019; tăng cường công tác truyền thông; duy trì nghiêm túc chế độ trực ban 24/24h ở các cấp.

Năng lực các ban quản lý chưa đáp ứng được yêu cầu

Dưới sự điều hành của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, các đại biểu đã thảo luận các nội dung tại hội nghị.

Về công tác giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản năm 2019, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp thành phố Nguyễn Sỹ Bảo và Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư và xây dựng công trình giao thông thành phố Phạm Hoàng Tuấn bày tỏ sự thống nhất cao với đánh giá về khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân của việc thực hiện và giải ngân chậm kế hoạch đầu tư công năm 2019. 

Đại biểu Phạm Hoàng Tuấn tham gia thảo luận tại hội nghị.


Phân tích thêm, Giám đốc hai ban quản lý dự án cho biết, tại một số dự án, mặc dù công trình đã được hoàn thành đưa vào sử dụng, nghiệm thu bảo đảm chất lượng nhưng tiến độ giải ngân vẫn chậm do nhiều nguyên nhân khách quan, đồng thời đề xuất thanh tra công vụ để làm rõ nguyên nhân nhằm đẩy nhanh tiến độ giải ngân.

Trong khi đó, Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Trần Thế Cương, Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong và Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng kiến nghị thành phố quan tâm bố trí nguồn kinh phí để hoàn thiện các dự án. Về phần mình, các quận sẽ thành lập các tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là làm tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo kết hợp vận động, tuyên truyền để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án...

Tham gia giải trình, làm rõ những vấn đề các đại biểu nêu, Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Thế Hùng chỉ rõ tình trạng giải ngân vốn đạt thấp và cho rằng, năng lực các ban quản lý dự án hiện chưa đáp ứng được yêu cầu. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Thế Hùng phát biểu tại hội nghị.


Việc thẩm định, phê duyệt và thực hiện dự án cũng còn nhiều bất cập, cho thấy phải rà soát, nâng cao năng lực chỉ đạo, điều hành của các ban và đưa hoạt động của các ban vào nền nếp, khắc phục tình trạng lộn xộn như hiện nay... 

Có thông tin sự cố phải xử lý ngay

Nhiều vấn đề liên quan đến công tác cấp, thoát nước, phòng chống thiên tai, dịch bệnh cũng được đề cập trong các phát biểu thảo luận. 

Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Vũ Đại Phong, Chủ tịch UBND quận Hà Đông Vũ Ngọc Phụng, Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Bạch Liên Hương... khẳng định, có những chuyển biến mạnh về công tác phòng, chống úng ngập ở khu vực nội thành, số điểm úng ngập giảm mạnh; nguồn cấp nước trên các địa bàn được bảo đảm... Các quận, huyện, thị xã đã chủ động chuẩn bị đầy đủ các phương án “bốn tại chỗ” để ứng phó với ngập lụt thời gian tới. 


Thông tin sâu về biện pháp lâu dài để ứng phó với lũ rừng ngang và ngập úng khu vực hữu Bùi, Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ Đinh Mạnh Hùng cho biết, phải di dời các hộ dân, nhưng trước mắt, huyện xác định tinh thần "sống chung với lũ" để thực hiện và kiến nghị các giải pháp hỗ trợ dân theo hướng đó. Thời gian qua, huyện đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xử lý những vấn đề cấp bách ở hai tuyến đê tả Đáy, hữu Bùi; khơi thông dòng chảy sông Bùi. Huyện kiến nghị thành phố trước mắt đầu tư hệ thống giao thông để giúp người dân di dời nhanh, an toàn khi xảy ra lũ.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu phát biểu tại hội nghị.

Trao đổi, làm rõ thêm một số vấn đề liên quan, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Nguyễn Văn Sửu đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung, ứng trực 24/24h để sẵn sàng đối phó với tình huống bất thường trong mùa mưa bão có thể xảy ra; chỉ đạo kiểm tra thường xuyên các đê ở các thôn, xã, quận, huyện, thị xã khi có thông tin về sự cố phải xử lý ngay.

Về vấn đề cấp nước, thành phố cũng sẽ chỉ đạo đẩy nhanh các dự án cấp nước, thay thế các đơn vị nếu không thực hiện dự án.

Về công tác phòng, chống bệnh Dịch tả lợn châu Phi, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố lưu ý các cơ quan, đơn vị, cá nhân liên quan tuyệt đối không được trục lợi chính sách.

Phát biểu kết thúc phần thảo luận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá, những ý kiến phát biểu của lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã giúp khái quát và chỉ ra những khó khăn còn tồn tại. Đặc biệt, lãnh đạo của UBND thành phố cũng đã giải đáp vướng mắc, kiến nghị, đồng thời chỉ rõ những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, đề ra giải pháp để góp phần hoàn thành nhiệm vụ năm 2019.

Kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến chậm giải ngân xây dựng cơ bản

Kết luận hội nghị, Bí thư Thành ủy Hoàng Trung Hải đề cập, phân tích từng vấn đề đã được thảo luận, đồng thời chỉ rõ những nhiệm vụ trọng tâm, lưu ý một số vấn đề mấu chốt cần được các cấp, các ngành tập trung thực hiện trong thời gian tới.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải phát biểu kết luận hội nghị

Đáng chú ý, chỉ rõ một số bất cập trong việc thực hiện giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và tiến độ chậm của một số công trình, dự án trọng điểm; những vướng mắc trong thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả cấp, thoát nước, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, Bí thư Thành ủy chỉ đạo Ban Cán sự đảng UBND thành phố kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm cá nhân liên quan đến các lĩnh vực xây dựng cơ bản, từ đó có giải pháp quyết liệt khắc phục trong thời gian tới. Đảng đoàn HĐND thành phố chỉ đạo tiến hành giám sát về các nội dung này.

Đồng chí Hoàng Trung Hải nhấn mạnh, thời gian từ nay đến hết nhiệm kỳ 2015-2020 không còn nhiều, năm 2020 là năm tổ chức đại hội đảng bộ các cấp, nên nguy cơ chậm tiến độ giải ngân xây dựng cơ bản sẽ bị ảnh hưởng thêm. Do đó, ngay sau hội nghị này, các cơ quan có trách nhiệm phải tập trung quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân xây dựng cơ bản, thúc đẩy tiến độ các công trình, dự án, đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. 

Chỉ đạo sát sao phòng, chống bệnh dịch

Theo Báo cáo của Ban Cán sự đảng UBND thành phố về diễn biến bệnh Dịch tả lợn châu Phi, kể từ ổ bệnh đầu tiên xuất hiện tại quận Long Biên được phát hiện ngày 24-2-2019, đến nay, bệnh dịch đã xảy ra ở 442 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện, thị xã với hơn 24.300 hộ chăn nuôi (chiếm khoảng 30% số hộ, cơ sở chăn nuôi toàn thành phố), làm mắc bệnh và buộc tiêu hủy trên 414.000 con lợn (chiếm 22,1% tổng đàn lợn thành phố), tổng trọng lượng trên 28.300 tấn. Một số huyện có số lợn bị bệnh phải tiêu hủy chiếm trên 50% tổng đàn; một số quận, huyện có tỷ lệ lợn mắc bệnh từ 60% đến 80% tổng đàn.

Tình hình bệnh dịch vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Tuy nhiên, đến nay, đã có 18 phường, xã thuộc 11 quận, huyện qua 30 ngày không phát sinh thêm bệnh dịch.

Để đối phó với bệnh Dịch tả lợn châu Phi, thành phố đã huy động tổng lực, quyết liệt thực hiện các giải pháp đồng bộ ngay từ khi có dịch đến nay. Các ổ bệnh được phát hiện kịp thời, khoanh vùng và xử lý dứt điểm. Số lợn tại hộ có bệnh cơ bản được tiêu hủy kịp thời, đúng quy định và áp dụng đồng bộ, nghiêm túc các giải pháp phòng, chống bệnh dịch.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, nâng cao tỷ lệ giải ngân, thúc đẩy tiến độ các dự án

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.