Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tập trung nguồn lực, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật

Theo Phan Phương (TTXVN/Vietnam+)| 18/07/2019 20:34

Tại kỳ họp thứ chín, Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật. Tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật, cho ý kiến 2 dự án luật khác.

Ngày 18-7, tại Nhà Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ tổ chức Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu chủ trì hội nghị.

Quang cảnh hội nghị. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Khai mạc hội nghị, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, tại kỳ họp thứ bảy, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 78/2019/QH14 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019.

Sau kỳ họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 714/NQ-UBTVQH14 về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội, trong đó phân công cụ thể cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo, cơ quan chủ trì thẩm tra, cơ quan phối hợp thẩm tra, tiến độ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự án trước khi trình Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 842/QĐ-TTg ngày 8-7-2019 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình Chính phủ các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020.

Với tính chất là một hội nghị triển khai Nghị quyết của Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, hội nghị sẽ nghe các cơ quan báo cáo về tình hình soạn thảo, thẩm tra, chỉnh lý hoàn chỉnh các dự án đã được đưa vào Chương trình, xây dựng luật, pháp lệnh các tháng cuối năm 2019 và năm 2020, đặc biệt là các dự án sẽ trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019).

Đồng thời, các đại biểu đề xuất những giải pháp cụ thể, thiết thực để giải quyết những hạn chế, bất cập, khó khăn vướng mắc trong quá trình chuẩn bị dự án gắn với trách nhiệm của từng cơ quan.

Hội nghị cũng lắng nghe kiến nghị của các cơ quan chủ trì, cơ quan hữu quan đối với Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ để thống nhất các giải pháp thực hiện tốt Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh đã đề ra.

Khối lượng công việc lớn

Trình bày Báo cáo triển khai Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, tại kỳ họp thứ tám (tháng 10-2019), Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 10 dự án luật, cho ý kiến về 8 dự án luật.

Tại kỳ họp thứ chín (tháng 5-2020), Quốc hội sẽ xem xét thông qua 8 dự án luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 7 dự án luật. Tại kỳ họp thứ mười, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 7 dự án luật và cho ý kiến về 2 dự án luật khác.

Bên cạnh đó, trong thời gian tới, phải điều chỉnh, bổ sung các dự án khác vào Chương trình theo yêu cầu của Trung ương.

Ví dụ như Luật Nhà ở, Nghị quyết của Quốc hội về thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân phường tại Hà Nội để thực hiện từ năm 2021 đến năm 2026; các dự án đã có chỉ đạo của Bộ Chính trị, Quốc hội hoặc Chính phủ đã có đề xuất bổ sung vào Chương trình, nhưng đến nay vẫn chưa có đầy đủ hồ sơ.

Nhấn mạnh số lượng các dự án trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội từ nay tới cuối năm 2019 là rất lớn, trong đó có nhiều cơ quan phải phụ trách đồng thời 2-3, thậm chí tới 4 dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Nguyễn Khắc Định đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội và cơ quan, tổ chức khác có liên quan phải quyết liệt chỉ đạo, có các giải pháp cụ thể và tập trung nguồn lực thực hiện, quyết tâm thực hiện thì mới hoàn thành được chương trình đề ra.

Báo cáo tại hội nghị, thay mặt Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm, chỉ đạo sát sao công tác xây dựng thể chế nói chung và xây dựng luật, pháp lệnh nói riêng. Các bộ, cơ quan ngang bộ đã chủ động, khẩn trương thành lập ban soạn thảo; tập trung thời gian, nguồn lực để soạn thảo theo kế hoạch.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Lê Thành Long, số lượng các dự án luật, pháp lệnh mà Chính phủ phối hợp chỉnh lý và trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong 6 tháng cuối năm 2019 là tương đối nhiều (16 dự án luật, pháp lệnh, chưa bao gồm 3 dự án luật, dự thảo nghị quyết đang đề nghị bổ sung vào Chương trình năm 2019), trong khi đó thời gian từ nay đến kỳ họp thứ tám còn ít.

Bên cạnh việc chuẩn bị các dự án này, các bộ còn phải soạn thảo 16 dự án luật thuộc Chương trình năm 2020. Do đó, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019 và năm 2020 là tương đối nặng. Đặc biệt, một số dự án luật có nội dung phức tạp nên trong quá trình phối hợp chỉnh lý, soạn thảo có thể sẽ còn nhiều ý kiến khác nhau, như Bộ luật Lao động (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai…

Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung phát biểu. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)

Bảo đảm đúng tiến độ

Tại hội nghị, lãnh đạo các bộ, ngành được giao chủ trì soạn thảo dự án luật cho biết, lộ trình thực hiện từng công việc đã và đang bảo đảm đúng tiến độ đề ra, với sự nỗ lực, hiệu quả cao nhất. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, sau kỳ họp thứ bảy, Bộ đã phối hợp với Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức nhiều hoạt động quy mô lớn, trong đó tập trung vào lấy ý kiến các đối tượng chịu tác động của Bộ luật Lao động (sửa đổi).

“Tinh thần của chúng tôi là không lùi thời gian, với quyết tâm cao nhất. Sau kỳ họp, chúng tôi liên tục làm việc, kể cả ngày nghỉ, đảm bảo tiếp thu cao nhất các nội dung chỉnh lý”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết.

Một số đại biểu cũng chỉ rõ, quá trình xây dựng luật còn bị động, không ít lần cơ quan soạn thảo chậm trình dự án luật đến cơ quan thẩm tra, kéo theo đó là sự chậm trễ trong quy trình, tiến độ.

Nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo các dự án mới được đưa vào Chương trình năm 2019 và năm 2020 cần sớm xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể, trong đó xác định nội dung, lộ trình thực hiện từng công việc, yêu cầu về kết quả cần hoàn thành, định kỳ gửi báo cáo về tình hình, tiến độ chuẩn bị dự án được phân công đến Bộ Tư pháp.

Cơ quan được giao chủ trì thẩm tra dự án chủ động, phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo ngay từ giai đoạn lập đề nghị để nắm bắt đầy đủ thông tin; thẳng thắn, kiên quyết trong việc thể hiện quan điểm của Hội đồng, Ủy ban, đặc biệt là đối với những vấn đề còn có ý kiến khác nhau.

Các ý kiến cũng đề nghị Chính phủ bố trí thời gian thỏa đáng để xem xét các dự án trước lịch dự kiến, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội khoảng 2 tháng, nhằm đảm bảo cho các cơ quan soạn thảo hoàn chỉnh hồ sơ nghiên cứu, thẩm tra đảm bảo chất lượng.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải tiếp tục nâng cao hơn nữa trách nhiệm, chủ động cân đối công việc trong từng giai đoạn cụ thể, có kế hoạch chi tiết, quyết liệt triển khai và tập trung nguồn lực để thực hiện, hoàn thành đầy đủ, kịp thời nhiệm vụ xây dựng pháp luật được giao.

Các cơ quan, tổ chức cũng cần phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hơn nữa để phát huy những kết quả đạt được và những kinh nghiệm tốt, kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh, làm tốt hơn nữa công tác xây dựng pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tập trung nguồn lực, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng pháp luật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.