Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: “Chìa khóa” để phát triển bền vững

Phong Thu| 22/07/2019 06:25

(HNM) - Suốt 20 năm qua, thành phố Hà Nội đã phát huy giá trị danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình", xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại. Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, Thủ đô cũng phải đối mặt với nhiều thách thức của một đô thị lớn tầm cỡ khu vực. Do đó, việc Bộ Chính trị vừa đồng ý cho phép thực hiện “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” đã mở ra cơ hội mới, là “chìa khóa” để Thủ đô tiếp tục vươn lên, hướng tới phát triển bền vững.

Mô hình chính quyền đô thị là “chìa khóa” để Thủ đô Hà Nội tiếp tục vươn lên, hướng tới phát triển bền vững. Ảnh: Hà Nga

“Chiếc áo” ngày càng chật

Hiện nay, thách thức lớn nhất đối với công tác quản lý của chính quyền các cấp thành phố Hà Nội là việc dân cư tăng mạnh dẫn tới quá tải hạ tầng đô thị. Năm 1999, dân số Hà Nội chỉ có 2,6 triệu người, năm 2009 là 6,6 triệu người thì đến ngày 1-4-2019 đã lên tới gần 8,055 triệu người. Còn trên thực tế, có đến 10 triệu người thường xuyên làm ăn, sinh sống trên địa bàn.

Trong đó, nhiều địa phương có quy mô dân số lớn như: Phường Vĩnh Tuy (quận Hai Bà Trưng) hiện có trên 4 vạn dân; phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có 9 vạn dân thường trú. Điều đáng nói là quy mô dân số trên địa bàn thành phố sẽ không ngừng tăng. Dự báo đến năm 2020, tổng dân số Hà Nội sẽ đạt mức quy hoạch cho phát triển kinh tế - xã hội của năm 2050.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri của Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố và HĐND thành phố, thường xuyên có các ý kiến phản ánh về những bất cập trong hạ tầng giao thông, đô thị.

Ông Trịnh Thanh Phi (phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm) nêu: “10 năm trở lại đây, vùng lõi đô thị có nhiều chung cư, nhà cao tầng mọc lên, trong khi hệ thống giao thông công cộng không phát triển kịp, phương tiện giao thông cá nhân bùng phát dẫn đến tắc đường, ô nhiễm môi trường, thiếu trường học, cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ...”.

Còn chị Nguyễn Thanh An (chung cư Linh Đàm, quận Hoàng Mai) chia sẻ: “Hằng ngày, tình trạng tắc đường khiến người dân mất rất nhiều thời gian và mệt mỏi”.

Thực trạng quy mô dân cư tăng nhanh kéo theo ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, thiếu hạ tầng an sinh xã hội là những thách thức trên con đường phát triển của Thủ đô, cũng như giữ vững danh hiệu "Thành phố Vì hòa bình". Những bất cập này cũng đã được chính quyền từ cơ sở đến thành phố nhìn nhận rõ.

Tuy nhiên, thời gian qua, Hà Nội thực hiện công tác quản lý địa bàn theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương áp dụng trên toàn quốc, mà không có sự quản lý đặc thù phù hợp thực tiễn... nên nhiều bất cập rất khó được tháo gỡ sớm.

Như "chiếc áo" đã chật, thực tiễn đang đòi hỏi những mô hình quản lý mới để thật sự phù hợp hơn với sự phát triển lớn mạnh của Thủ đô.

Tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả

Tin vui đến với thành phố Hà Nội khi ngày 19-4-2019, Bộ Chính trị đã ban hành Kết luận số 46-KL/TƯ về “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”. Kết luận nêu rõ: Bộ Chính trị cơ bản đồng ý với nội dung của đề án do Thành ủy Hà Nội xây dựng.

Theo đó, Hà Nội sẽ thực hiện thí điểm mô hình không tổ chức HĐND phường ở các quận và thị xã Sơn Tây; UBND phường do UBND quận và thị xã thành lập; cán bộ, công chức cấp phường do quận ủy, thị ủy và UBND quận, thị xã tuyển dụng và bổ nhiệm.

Mặt khác, sẽ đổi mới về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, tăng cường kiểm tra, giám sát hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước, phục vụ doanh nghiệp và người dân.

Ngay sau khi có Kết luận số 46-KL/TƯ, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 139-KH/TU “Thực hiện Kết luận số 46-KL/TƯ, ngày 19-4-2019 của Bộ Chính trị về Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội”.

Theo đó, thành phố sẽ rà soát 7 nội dung thuộc 4 lĩnh vực: Xây dựng - quy hoạch đô thị; nông nghiệp - tài nguyên và môi trường; tư pháp; tổ chức bộ máy và cán bộ, công chức, viên chức để xây dựng nội dung, ban hành các quy định liên quan.

Theo Thứ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa, các nội dung đề án cho thấy thành công bước đầu của Hà Nội trong việc tìm tòi, đổi mới phương thức quản lý cho phù hợp thực tiễn. Sắp tới, Hà Nội phải chuẩn bị kỹ lưỡng cả về đội ngũ cán bộ, công chức, lẫn từng công việc cụ thể... để khẳng định được hiệu quả của mô hình quản lý mới.

Phó Giám đốc phụ trách Sở Nội vụ Hà Nội Nguyễn Đình Hoa cho biết, dự kiến việc triển khai mô hình chính quyền đô thị bắt đầu từ năm 2021, sẽ giúp tăng thu ngân sách địa phương khoảng 10%/năm; bảo đảm tốc độ tăng trưởng kinh tế Thủ đô trung bình giai đoạn 2021-2025 cao hơn khoảng 1-1,5%/năm so với hiện nay. 

Cũng theo ông Nguyễn Đình Hoa, thành phố Hà Nội đang đề xuất Chính phủ và các bộ cho phép Hà Nội được thực hiện phân cấp tại 35 đầu việc. Khi được phân cấp, phân quyền phù hợp, cơ quan hành chính quận sẽ chủ động hơn, trách nhiệm hơn trong việc quản lý giao thông, đô thị, quy hoạch.

"Việc đầu tư điểm đỗ xe, các dự án chung cư xây dựng mới bắt buộc phải có hầm để xe, hay việc đầu tư phát triển hệ thống giao thông nhằm khắc phục tình trạng ùn tắc, ô nhiễm môi trường… chắc chắn sẽ được dành nguồn lực thích đáng", ông Nguyễn Đình Hoa thông tin.

Hiện, nhiều đơn vị, địa phương cũng đã sẵn sàng bắt tay vào thực hiện đề án. Bí thư Thị ủy Sơn Tây Phạm Thị Thanh Mai cho biết: "Sơn Tây có 15 đơn vị hành chính, trong đó có 9 phường thuộc diện không tổ chức HĐND, khi có hướng dẫn sẽ triển khai ngay…".

Theo Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai Nguyễn Quang Hiếu, trên địa bàn quận có nhiều phường mật độ dân cư lớn nên khi UBND phường do UBND quận thành lập và cán bộ, công chức cấp phường do Quận ủy, UBND quận tuyển dụng và bổ nhiệm sẽ là sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp, giúp nâng cao trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, kịp thời giải quyết bất cập từ cơ sở, nhất là những vấn đề liên quan đến đời sống nhân dân.

Với quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, “Đề án thí điểm quản lý theo mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hà Nội” sẽ thực sự là “chìa khóa” để giải quyết những vấn đề trong phát triển kinh tế - xã hội, tăng cường hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền, không ngừng nâng cao chất lượng sống của nhân dân; giúp Thủ đô tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, luôn xứng đáng với danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: “Chìa khóa” để phát triển bền vững

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.