Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đến cuối năm 2019, phải hoàn thành mục tiêu không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo

Minh Ngọc - Ảnh: Anh Tuấn| 25/07/2019 12:57

(HNMO) - Ngày 25-7, tại Hà Nội, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Báo Nhân Dân, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình Việt Nam và UBND thành phố Hà Nội tổ chức gặp mặt, tuyên dương thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc năm 2019. Đây là sự kiện trọng tâm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 72 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2019) của đồng bào, chiến sĩ cả nước.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gửi lẵng hoa chúc mừng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao tặng Bằng khen cho các thương binh nặng có thành tích nổi bật.

Dự buổi lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Trưởng ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương - Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh Nguyễn Xuân Thắng, Đại tướng Lương Cường - Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cùng dự có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, bộ trưởng, trưởng các ban, ngành, đoàn thể trung ương và lãnh đạo các tỉnh, thành phố; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước.

Tại buổi lễ, 500 đại biểu là thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 12.000 thương binh nặng và 1,2 triệu thương binh và người có công trong cả nước đã ôn lại kỷ niệm chiến trường, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm vượt lên khó khăn, dựng xây cuộc sống. Thông qua câu chuyện của những thương binh tiêu biểu, các thế hệ người Việt Nam hôm nay hiểu hơn về lịch sử đấu tranh bảo vệ Tổ quốc hào hùng của dân tộc ta, thấy rõ hơn bản lĩnh sống, ý chí chiến đấu của những chiến sĩ cách mạng.

Điển hình là tấm gương thương binh, thầy giáo Trần Quang Liệu, phường Sài Đồng, quận Long Biên (thành phố Hà Nội). Chiến tranh khốc liệt đã lấy đi của ông Liệu một con mắt, mắt còn lại thị lực rất yếu, nhưng ông đã nỗ lực vượt khó, phấn đấu trở thành giáo viên dạy toán cho nhiều thế hệ học trò. Về nghỉ hưu, mặc dù sức khỏe đã yếu, mắt đã mờ, nhưng ông vẫn dành nhiều thời gian, tâm huyết để truyền tri thức cho trẻ em. Gia đình ông luôn gương mẫu, chấp hành tốt các quy định của Nhà nước và địa phương...

Đó là thương binh nặng Đào Đăng Nguyên, xã Cẩm Lý, huyện Lục Nam (tỉnh Bắc Giang) bị suy giảm khả năng lao động 95% vẫn luôn vững vàng niềm tin vào tương lai. Tấm gương về nghị lực sống của ông Nguyên được chính quyền và nhân dân xã Cẩm Lý học tập, noi theo, qua đó góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tạo động lực, nền tảng vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đời sống văn hóa ở địa phương.

Bị suy giảm khả năng lao động do bị thương nặng trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, trở về địa phương, thương binh Lê Hữu Trạc, xã Xuân Ninh, huyện Quảng Ninh (tỉnh Quảng Bình) tích cực tham gia các hoạt động xã hội. Hiện nay, ông là Chủ tịch Hội Người mù tỉnh Quảng Bình, giúp đỡ nhiều người khiếm thị học chữ nổi, học nghề, tìm việc làm, tự tin làm chủ cuộc sống, hòa nhập cộng đồng...

 Chương trình nghệ thuật tái hiện những trang sử hào hùng, vẻ vang của dân tộc.

Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc gửi tới các cán bộ lão thành cách mạng, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng lời thăm hỏi ân cần, những tình cảm sâu nặng và lòng biết ơn sâu sắc. Đặc biệt, 500 đại biểu thương binh nặng tiêu biểu toàn quốc có mặt tại buổi lễ chính là những nhân chứng, tấm gương của tinh thần người người ngoan cường, bất khuất, hiên ngang bước ra chiến trường vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước và cũng vì lẽ sống cao đẹp cho đồng bào ta.

Thủ tướng nhấn mạnh, với truyền thống đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, 72 năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo làm tốt công tác thương binh, liệt sĩ, người có công với cách mạng; tổ chức vận động toàn dân tích cực tham gia các phong trào "Đền ơn, đáp nghĩa". Nhiều chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về ưu đãi đối với người có công đã được ban hành; đối tượng hưởng chính sách ưu đãi được mở rộng, các chế độ ưu đãi từng bước được bổ sung, hoàn thiện để cuộc sống của các thương binh, thân nhân liệt sĩ và những người có công ngày càng đầy đủ và tốt đẹp hơn.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cả nước hiện có hơn 9,2 triệu người có công đã được hưởng các chính sách ưu đãi người có công với cách mạng; trong đó có gần 1,2 triệu liệt sĩ, hơn 2 triệu thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ; hàng trăm nghìn người bị địch bắt tù đày, người nhiễm chất độc hóa học; hàng nghìn người được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong kháng chiến… Hằng năm, ngân sách nhà nước đã dành hơn 32.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách ưu đãi người có công với cách mạng.

Các thương binh nặng giao lưu tại lễ tuyên dương.

Cùng với đó, nhiều hoạt động “Đền ơn đáp nghĩa” thiết thực đã được thực hiện sâu rộng trong xã hội như nhà tình nghĩa, vườn cây tình nghĩa, sổ tiết kiệm tình nghĩa, chăm sóc bố, mẹ liệt sĩ già yếu cô đơn, con liệt sĩ mồ côi, phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Các phong trào đã phát huy cao độ sức mạnh tổng hợp của cộng đồng, góp phần ổn định, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần người có công. Chỉ tính từ năm 2010 đến nay, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã tiếp nhận gần 6.500 tỷ đồng, xây mới và sửa chữa trên 155.000 căn nhà tình nghĩa với tổng kinh phí gần 13.000 tỷ đồng; tặng hơn 124.000 sổ tiết kiệm tình nghĩa trị giá hơn 980 tỷ đồng. Hiện nay, hơn 98,5% gia đình người có công có mức sống bằng hoặc cao hơn mức trung bình của dân cư nơi cư trú.

Để người có công nhận được sự quan tâm đầy đủ, trọn vẹn hơn, phấn đấu đến cuối năm 2020, 100% gia đình người có công có mức sống cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục quán triệt sâu sắc chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về ưu đãi người có công đến mọi tầng lớp nhân dân, qua đó thu hút đông đảo nhân dân tham gia vào chương trình, hoạt động mang ý nghĩa tri ân, đền ơn đáp nghĩa.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tiếp tục tập trung giải quyết hồ sơ tồn đọng sau chiến tranh, tạo điều kiện thuận lợi để người có công được thụ hưởng đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi; thường xuyên thanh tra, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm những vụ việc tiêu cực, sai phạm trong quá trình thực hiện chính sách ưu đãi người có công.

Trước mắt, các ngành, địa phương cần bố trí tăng ngân sách; đẩy mạnh huy động các nguồn lực xã hội để quan tâm, chăm lo đến mọi mặt đời sống của người có công, nhất là với những người, những gia đình còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Đến cuối năm 2019, cả nước phải hoàn thành mục tiêu không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo.

Thủ tướng cũng giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành, địa phương quan tâm tu bổ, tôn tạo nghĩa trang liệt sĩ, đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ, xác định danh tính hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin; giải quyết kịp thời chế độ ưu đãi đối với thương binh, liệt sĩ hy sinh trong thời kỳ mới.

Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ trao tặng Bằng khen cho 500 thương binh nặng có thành tích nổi bật. Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ đã tặng các phần quà ý nghĩa cho Bộ Lao động -Thương binh và Xã hội cùng 500 thương binh nặng tiêu biểu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đến cuối năm 2019, phải hoàn thành mục tiêu không còn gia đình chính sách thuộc diện hộ nghèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.