Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội sẵn sàng cho “chặng đường mới”

Nguyễn Mai| 21/09/2019 06:34

(HNM) - Sau gần 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016-2020”, nông thôn Hà Nội đã có bước phát triển toàn diện. Chặng đường tiếp theo, Thủ đô Hà Nội sẽ tiếp tục triển khai Chương trình số 02-CTr/TU như thế nào? Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy về những nội dung liên quan.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng thăm mô hình trồng cây dược liệu tại xã Bắc Sơn (huyện Sóc Sơn). Ảnh: Bá Hoạt

Động lực mới cho sự phát triển bền vững

- Gần 10 năm triển khai Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy, Hà Nội đã đạt được nhiều thành tựu rất đáng ghi nhận. Đồng chí có thể cho biết rõ hơn kết quả nổi bật trong thực hiện chương trình này?

- Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TƯ, ngày 5-8-2008 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn vào thời điểm Thủ đô Hà Nội thực hiện mở rộng địa giới hành chính theo tinh thần Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, diện tích gấp 4 lần Hà Nội (cũ), trong đó, vùng nông thôn chiếm 80% diện tích và 60% dân số, với nhiều khó khăn phải giải quyết: Nông thôn Hà Nội hầu hết chưa có quy hoạch; hạ tầng kinh tế - xã hội thiếu đồng bộ, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, phân tán, chưa có vùng sản xuất hàng hóa… Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của Hà Nội năm 2010 mới đạt 13 triệu đồng/người/năm, đồng thời có khoảng cách lớn về thu nhập, chất lượng cuộc sống giữa người dân nông thôn và thành thị.

Thành ủy Hà Nội đã xác định, phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn mà trọng tâm là xây dựng nông thôn mới là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, xuyên suốt. Trong 2 nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XV và XVI của Đảng bộ thành phố (2010-2015 và 2015-2020), Thành ủy Hà Nội đều xác định “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân” là chương trình công tác lớn, trọng tâm của toàn khóa, đặt tên là Chương trình số 02-CTr/TU.

Sau gần 10 năm triển khai thực hiện chương trình, Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Thành công đầu tiên là thành phố đã hoàn thành công tác quy hoạch, lập đề án xây dựng nông thôn mới. Tiếp đến là hoàn thành cơ bản công tác dồn điền, đổi thửa và cấp lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp - một vấn đề rất khó và phức tạp. Dồn điền, đổi thửa thành công mở ra hướng đi mới cho sản xuất nông nghiệp, giúp nông dân đẩy nhanh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ cao, xây dựng các chuỗi liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm...

Đến thời điểm này, toàn thành phố đã có 6 huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, đó là: Đan Phượng, Đông Anh, Thanh Trì, Hoài Đức, Quốc Oai, Gia Lâm. Toàn thành phố đã có 325/386 xã (chiếm 84,2% số xã) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới, về đích sớm 2 năm so với mục tiêu đề ra (đến 2020 có 80% số xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới) và 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung của huyện Đan Phượng đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao năm 2018.

Làng quê Hà Nội nói chung đã có nhiều khởi sắc, đổi mới. Cùng với những con đường mới được đầu tư xây dựng, làng xóm khang trang, sạch đẹp hơn; nhiều nơi, người dân còn góp tiền xây cổng làng, lắp đặt hệ thống chiếu sáng, trồng hoa, cây xanh, vẽ bích họa...

- Có thể thấy rõ sự thay đổi cơ bản về diện mạo của các vùng nông thôn Hà Nội từ ruộng đồng tới thôn làng. Vậy còn sự thay đổi về đời sống người dân thì sao, thưa đồng chí?

- Xác định Chương trình số 02-CTr/TU có tác động tới đông đảo người dân nông thôn cũng như phát triển kinh tế - xã hội của một vùng rộng lớn của Thủ đô, Thành ủy luôn quan tâm chỉ đạo phải quan tâm tới đích đến cuối cùng là nâng cao đời sống người dân nông thôn.

Nhìn lại chặng đường gần 10 năm qua chúng ta vui mừng khi thấy đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện rõ rệt và tăng nhanh chóng: Giá trị sản xuất nông nghiệp từ 133 triệu đồng/ha/năm (năm 2010) tăng lên 259 triệu đồng/ha/năm (năm 2018); thu nhập bình quân khu vực nông thôn từ 13 triệu đồng/người/năm (năm 2010) tăng lên 46,5 triệu đồng/người/năm (năm 2018).

Đời sống tinh thần các làng quê cũng có nhiều đổi mới: Nhiều hủ tục lạc hậu đã được bãi bỏ; việc cưới được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng; việc tang được tổ chức tiết kiệm, văn minh. Nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa truyền thống được phục dựng, kết hợp với tổ chức những hoạt động văn hóa thể thao tạo sự gắn kết cộng động, tiếp thêm sức sống cho các làng quê.

- Nhiều ý kiến cho rằng, có được kết quả đó là bởi Hà Nội có điều kiện về nguồn lực nên đã bố trí được nguồn kinh phí rất lớn, đồng chí có đồng tình với ý kiến này?

- Đúng là Hà Nội đã bố trí nguồn lực rất lớn đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; tuy nhiên, trong chỉ đạo, Thành ủy Hà Nội luôn nhấn mạnh, xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới không chỉ đơn thuần là một dự án đầu tư. Có nhiều tiêu chí không cần nhiều tiền, nhưng cũng không kém phần khó khăn, đòi hỏi phải nỗ lực hết mình mới đạt được (ví dụ như dồn điền đổi thửa, tổ chức sản xuất, củng cố hợp tác xã, xây dựng hệ thống chính trị, xây dựng nếp sống văn hóa…).

Còn về đầu tư, thành phố xác định phải tiến hành một cách căn cơ; có lộ trình, ưu tiên thứ tự đầu tư việc làm trước, việc làm sau và làm quyết liệt. Cụ thể, trước hết là tập trung vào công tác quy hoạch, sau đó mới đến đầu tư hạ tầng và trong đầu tư hạ tầng thì ưu tiên đầu tư hạ tầng sản xuất và các công trình phục vụ dân sinh bức xúc như giao thông, trường học, trạm y tế…

Bên cạnh nguồn vốn từ ngân sách, thành phố đặc biệt chú trọng công tác xã hội hóa nguồn lực từ xã hội và nhân dân theo tinh thần “cùng chung tay xây dựng nông thôn mới” và “người dân làm, người dân hưởng”. Trong hơn 76.451 tỷ đồng đầu tư cho nông thôn mới thì có hơn 14.740 tỷ đồng (chiếm 19,3%) là vốn huy động ngoài ngân sách do doanh nghiệp và nhân dân đóng góp. Từ kết quả này, thành phố đã biểu dương, khen thưởng hàng nghìn hộ gia đình và doanh nghiệp đóng góp lớn cho phong trào xây dựng nông thôn mới.

Xây dựng nông thôn mới không có điểm kết thúc

- Theo đồng chí, từ những kết quả hết sức tích cực, Hà Nội đã rút ra những kinh nghiệm gì?

- Trước hết, thành phố tập trung làm tốt công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của nông nghiệp, nông dân, nông thôn; về mục tiêu, phương châm, cách làm; phát huy tối đa nội lực, không ỷ lại vào nguồn lực từ ngân sách; người dân nông thôn vừa là chủ thể sáng tạo, vừa là người thụ hưởng những thành quả từ chương trình xây dựng nông thôn mới, từ đó tạo sự đồng thuận cao trong cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân, thu hút sự tham gia tự nguyện và trách nhiệm cao của cả cộng đồng.

Quá trình thực hiện, Hà Nội đã lựa chọn, chỉ đạo thực hiện các công việc rõ mục tiêu, có trọng tâm, trọng điểm; thường xuyên kiểm tra, động viên, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở.

Trong quá trình thực hiện phải ưu tiên công tác quy hoạch, xây dựng đề án nông thôn mới đi trước một bước; đồng thời thực hiện tốt các phương châm - bám sát thực tiễn, bảo đảm dân chủ, phát huy đồng thuận, khoa học và khả thi. Đồng thời dành nguồn lực đáng kể từ ngân sách để đầu tư cho các công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu...

Một điều có ý nghĩa quyết định nữa là luôn quan tâm phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cơ sở. Ở đâu có cán bộ quyết liệt, nhiệt tình vì bà con nông dân, vì mục tiêu chung của địa phương thì ở đó xây dựng nông thôn mới nhanh và hiệu quả...

- Như đồng chí vừa nêu, công tác tuyên truyền xây dựng nông thôn mới là một bài học kinh nghiệm hàng đầu. Vậy thành phố đã thực hiện công tác này như thế nào, thưa đồng chí?

- Những ngày đầu bắt tay vào thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU chúng ta gặp rất nhiều khó khăn do cán bộ và người dân chưa hiểu. Ở một số địa phương, nhiều người còn hoài nghi, thậm chí có nơi, người dân còn thách đố cán bộ trong công tác xây dựng nông thôn mới trong công tác dồn điền đổi thửa...

Do đó, Hà Nội chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, qua nhiều kênh, đặc biệt là trên các phương tiện thông tin đại chúng; rồi qua các hội nghị, học tập trao đổi kinh nghiệm giữa các địa phương và hệ thống chính trị ở cơ sở, từ đó đã tạo được sự đồng thuận lớn trong nhân dân và được nhân dân nhiệt tình tham gia.

Những kết quả ở các công việc khó, phức tạp như: Dồn điền đổi thửa, phát triển mạnh mẽ sản xuất các mô hình chuyên canh quy mô lớn, đặc biệt là việc hiến đất cho mở đường giao thông và xây dựng các công trình công cộng... là những minh chứng sống động cho hiệu quả của công tác tuyên truyền.

- Hà Nội đang chuẩn bị tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU giai đoạn 2010-2020, vậy hướng đi trong xây dựng nông thôn mới của thành phố sau năm 2020 như thế nào, thưa đồng chí?

- Bên cạnh những kết quả đạt được, chúng tôi nhận thấy, trong triển khai thực hiện Chương trình số 02-CTr/TU còn một số tồn tại, hạn chế. Đó là, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp có tiến bộ nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô; kết quả xây dựng nông thôn mới giữa các huyện chưa đồng đều; một số huyện tỷ lệ hộ nghèo còn cao như: Ba Vì, Mỹ Đức, Chương Mỹ... Nguồn lực đầu tư cho xây dựng nông thôn mới vẫn chủ yếu là vốn ngân sách nhà nước.

Xây dựng nông thôn mới là một chặng đường dài trong lộ trình phát triển của Thủ đô, có thể nói có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc. Thành công hôm nay tiếp tục mở ra chặng đường mới để Hà Nội xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu, nhằm mục tiêu nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

Do vậy, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy đã xác định đến 2020, Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tái cơ cấu ngành, ứng dụng công nghệ cao, tạo ra sản phẩm sạch bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, phát triển nông nghiệp đô thị sinh thái, tăng cường liên kết tạo ra chuỗi giá trị trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Trong xây dựng nông thôn mới, phát triển đồng bộ, hiện đại hóa từng bước kết cấu

hạ tầng nông thôn gắn với định hướng phát triển đô thị. Các huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các xã đăng ký đạt chuẩn nông thôn mới, chuẩn nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu năm 2019 và 2020; tập trung hoàn thiện những tiêu chí còn chưa đạt để đến hết năm 2020, Hà Nội có 85% trở lên số xã đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 5% so với mục tiêu của Chương trình), có từ 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Triển khai thực hiện hoàn thành Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) của thành phố.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho lao động nông thôn; tiếp tục xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội; hỗ trợ đầu tư xây dựng, nâng cấp các công trình phúc lợi xã hội như: Y tế, văn hóa, giáo dục, thể thao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu học tập, chăm sóc sức khỏe; chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức trách nhiệm của người dân về bảo vệ tài nguyên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp để nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn. 

Sản xuất nông nghiệp tập trung phát triển theo hướng hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững phấn đấu đạt tăng trưởng bình quân 3,5-4%/năm trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố.

Hà Nội tiếp tục duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2025, thành phố có 100% các huyện, xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có ít nhất 1 huyện đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; 30% số xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 15% số xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Hạ tầng kinh tế - xã hội khu vực nông thôn được đầu tư đồng bộ, đáp ứng cơ bản yêu cầu phát triển sản xuất và phục vụ đời sống nhân dân. Hệ thống chính trị vững mạnh; an ninh, trật tự và an toàn xã hội được bảo đảm.

Phấn đấu thu nhập của người dân khu vực nông thôn Thủ đô sẽ đạt 60 triệu đồng/người/năm trở lên; tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên đạt trên 95%; tỷ lệ hộ nghèo khu vực nông thôn còn dưới 1% (theo tiêu chí mới); tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước nước sạch theo tiêu chuẩn đô thị đạt 100% và tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế ở các huyện, thị xã đạt 90% trở lên.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội sẵn sàng cho “chặng đường mới”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.