Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội đổi mới đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý: Tăng định lượng, bảo đảm thực chất

Võ Lâm| 24/09/2019 06:39

(HNM) - Thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về "Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ", nhiệm kỳ 2015-2020, Thành ủy Hà Nội đã tập trung đổi mới toàn diện công tác đánh giá cán bộ, trong đó có cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý. Nhờ tăng cường định lượng, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền, kết quả đánh giá đã thực chất và hiệu quả hơn.

Đổi mới đánh giá cán bộ giúp Hà Nội thực hiện hiệu quả hơn các mặt của công tác tổ chức cán bộ, trong đó có công tác đào tạo. Trong ảnh: Học viên lớp bồi dưỡng cán bộ quy hoạch lãnh đạo cấp ủy trực thuộc Thành ủy Hà Nội. Ảnh: Bá Hoạt

Hoàn thiện quy chế, quy trình

Nhằm khắc phục hạn chế về công tác xây dựng Đảng, trong Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 (khóa XII), Trung ương Đảng đã đề ra nhiều giải pháp, trong đó nêu rõ: “Hoàn thiện quy chế đánh giá cán bộ một cách khoa học, phù hợp”. Thực hiện chủ trương này, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội giao Ban Tổ chức Thành ủy nghiên cứu xây dựng báo cáo về thực trạng công tác đánh giá cán bộ, từ đó ban hành Quyết định số 2898-QĐ/TU ngày 8-11-2017 về “Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý".

Theo Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo, Quyết định số 2898-QĐ/TU đã cụ thể hóa các tiêu chí đánh giá theo từng chức danh cán bộ, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của địa phương, đơn vị, tổ chức Đảng; bổ sung nhiều tiêu chí mới phù hợp với đặc thù Thủ đô theo từng chức danh... Đặc biệt, Ban Thường vụ Thành ủy đã mạnh dạn phân cấp, ủy quyền.

Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết thêm: “Trước đây, hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy đánh giá trên dưới 1.000 đồng chí thuộc diện quản lý. Vì số lượng lớn nên khi tiến hành đánh giá từng người chắc chắn không chính xác toàn bộ. Sau khi ủy quyền, phân cấp, hằng năm, Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đánh giá 268 đồng chí là bí thư, chủ tịch HĐND, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã, giám đốc sở, thủ trưởng các ngành”.

Theo PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng (Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), quy định với những đổi mới theo hướng như vậy giúp cho công tác đánh giá cán bộ được định lượng, có căn cứ cụ thể hơn, bảo đảm chính xác, công khai, minh bạch… Còn ông Dương Đình Khôi (Đảng bộ phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng) cho rằng, trước đây không ít trường hợp cán bộ lãnh đạo vẫn được xếp loại xuất sắc trong khi địa phương, cơ quan, đơn vị phụ trách vẫn “có vấn đề”. Nhưng nay, quy định mới đã giúp khắc phục tình trạng này, bằng cách lượng hóa “địa phương, cơ quan, đơn vị mà cán bộ phụ trách phải hoàn thành tất cả các chỉ tiêu, nhiệm vụ, trong đó có ít nhất 70% chỉ tiêu (nhiệm vụ) hoàn thành vượt mức”.

Việc đánh giá cán bộ là nhiệm vụ quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trong ảnh: Hội thảo khoa học công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng: Xây dựng hệ thống chính trị của Đảng bộ thành phố Hà Nội, giai đoạn 2015-2020, kết quả và kinh nghiệm đạt được.

Tác dụng tích cực, từng bước lan tỏa 

Thực tế, qua gần 2 năm thực hiện, Quyết định số 2898-QĐ/TU đã tạo chuyển biến tích cực về công tác đánh giá cán bộ nói riêng và công tác cán bộ nói chung. Năm 2018, có 898 đồng chí thuộc diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý được đánh giá. Tổng hợp số lượng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy trực tiếp đánh giá (268 đồng chí) và diện 5 nhóm được phân cấp, ủy quyền đánh giá cho thấy: Có 147 đồng chí hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, chiếm 16,4%; 733 đồng chí hoàn thành tốt nhiệm vụ, bằng 81,6%; 13 đồng chí hoàn thành nhiệm vụ, bằng 1,4% và 5 đồng chí không hoàn thành nhiệm vụ, tương ứng 0,6%.

Việc đánh giá không “cào bằng” đòi hỏi đội ngũ cán bộ chủ chốt cần phải nỗ lực hơn, điều hành công việc sát sao hơn; góp phần quan trọng giúp thành phố hằng năm đều hoàn thành toàn diện các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển. Đến nay, một số chỉ tiêu nhiệm kỳ 2015-2020 đã về đích, tiêu biểu là chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Thực hiện Quyết định số 2898-QĐ/TU theo phân cấp, ủy quyền, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Nguyễn Văn Thắng cho biết, hằng năm trên cơ sở kết quả kiểm điểm của tập thể Ban Thường vụ Quận ủy, từng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý chuẩn bị tự kiểm điểm bám sát các tiêu chí đánh giá chung và riêng theo từng nhóm chức danh. Đặc biệt, mỗi cán bộ đều phải xác định rõ ưu điểm, tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

Không chỉ tạo chuyển biến ở cấp thành phố, việc đổi mới đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý còn lan tỏa xuống các cấp ủy trực thuộc. 100% cấp ủy trực thuộc Thành ủy đã cụ thể hóa thành các quy định phù hợp với đặc thù để đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ cấp ủy quản lý.

Tại huyện Thanh Trì, ngay sau khi có Quyết định số 2898-QĐ/TU, Ban Thường vụ Huyện ủy đã ban hành Quyết định 1244-QĐ/HU ngày 22-11-2017, đưa ra Quy định đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý diện Ban Thường vụ Huyện ủy quản lý. Về vấn đề này, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Phạm Nguyên Nhung cho biết: “Nhận thức, ý thức trách nhiệm, năng lực, phẩm chất và uy tín của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý ngày càng đáp ứng yêu cầu”.

Theo Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng: “Quyết định số 2898-QĐ/TU đã giúp việc đánh giá cán bộ đi vào thực chất hơn, tạo không khí dân chủ, công khai, giảm dần được bệnh thành tích, hình thức”.

Kết quả đánh giá là căn cứ quan trọng để thành phố thực hiện công tác tổ chức cán bộ. Năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy đã quyết định điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại và giới thiệu ứng cử 183 đồng chí; từ đầu năm 2019 đến nay là 80 đồng chí. Các quyết định đều được dư luận cán bộ, đảng viên và nhân dân ủng hộ… Ông Nguyễn Hải (Đảng bộ thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ) nhận định: “Có đồng chí được bổ nhiệm vị trí cao hơn, có đồng chí làm chưa tốt, phải điều chuyển. Theo tôi, các quyết định đều xác đáng, trong đó công tác đánh giá cán bộ là thước đo rõ nét về hiệu quả công việc của các đồng chí này”.

Có thể nói, dù mới đi vào thực hiện gần 2 năm, nhưng Quyết định số 2898-QĐ/TU đã phát huy hiệu quả. Cùng với việc đánh giá cán bộ hằng tháng, việc thực hiện tốt Quyết định số 2898-QĐ/TU sẽ là cơ sở quan trọng để Thành ủy sàng lọc, lựa chọn nhân sự cấp ủy khóa tới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội đổi mới đánh giá cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý: Tăng định lượng, bảo đảm thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.