Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền: Rất cần thiết và kịp thời

Nguyên Anh - Hoàng Minh| 01/10/2019 07:53

(HNM) - Quy định số 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền vừa được Bộ Chính trị ban hành ngày 23-9-2019 nhằm thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về xây dựng Đảng đã ngay lập tức thu hút được sự quan tâm của đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân. Nhiều ý kiến khi được phóng viên Báo Hànộimới hỏi đều khẳng định Quy định số 205-QĐ/TƯ được ban hành là rất cần thiết, kịp thời trong bối cảnh hiện nay.

Các đảng viên thuộc Đảng bộ phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm nghiên cứu Quy định 205-QĐ/TƯ về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Bộ Chính trị ban hành.

Ông Phạm Sông Thao, Bí thư Chi bộ khu dân cư số 3, phường Kim Giang (quận Thanh Xuân): 
Ngăn chặn kịp thời vấn nạn ưu tiên người nhà, người thân

Quy định số 205-QĐ/TƯ đã quy định rất cụ thể, chi tiết về việc “Không bố trí những người có quan hệ gia đình như: Vợ, chồng, bố, mẹ của vợ hoặc chồng, con, anh chị em ruột cùng đảm nhiệm các chức danh có liên quan như: Bí thư, phó bí thư, trưởng ban tổ chức, chủ nhiệm ủy ban kiểm tra… cùng cấp ủy ở một địa phương; người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu trong cùng địa phương, cơ quan, đơn vị” đã khiến đông đảo đảng viên và nhân dân đồng tình, phấn khởi.

Thực tế hiện nay, tại một số địa phương, đơn vị đã xuất hiện tình trạng ưu tiên cho người nhà, người thân vào làm việc tại cùng một cơ quan, là minh chứng đáng lo ngại cho tình trạng “Một người làm quan, cả họ được nhờ”. Việc này làm mất cơ hội cho những người thực sự có tài, có đức khi không được trọng dụng, bố trí vào những vị trí phù hợp với năng lực của họ. Mong rằng, khi quy định này được thực thi, vấn nạn ưu tiên người nhà, người thân vào làm việc, tuyển dụng và bổ nhiệm cán bộ trái với quy định của pháp luật sẽ được ngăn chặn. Qua đó, góp phần xây dựng Đảng ngày càng vững mạnh, củng cố vững chắc niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng. 

Ông Trần Duy Hồng, nguyên Trưởng khối Dân vận, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam phường Đồng Xuân (quận Hoàn Kiếm): 
Nhận diện, xử lý thích đáng hành vi sai phạm

Tại Điều 10 của Quy định số 205-QĐ/TƯ quy định rất rõ về các hành vi chạy chức, chạy quyền, gồm: Tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ, quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi; hành vi tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, Tết, sinh nhật… để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền để nhận được sự ủng hộ, tín nhiệm, để có được vị trí, chức vụ, quyền lợi…

Việc Bộ Chính trị quy định rõ về những hành vi chạy chức, chạy quyền sẽ giúp các cơ quan chức năng dễ dàng nhận diện sai phạm, từ đó có thể ban hành những quy định xử lý thích đáng với những tổ chức, cá nhân có vi phạm. Cũng từ quy định này, người đứng đầu mỗi cơ quan, đơn vị có thể căn cứ vào những quy định rất rõ ràng, cụ thể để làm tốt công tác tuyển dụng, bố trí cán bộ một cách công tâm, vô tư và trong sáng.

Cán bộ bộ phận “một cửa” quận Bắc Từ Liêm hướng dẫn người dân làm thủ tục hành chính. Ảnh: Nhật Nam

Ông Phan Văn Hồng, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Đường Lâm (thị xã Sơn Tây): 
Bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện vi phạm

Bên cạnh việc nêu rõ các cơ chế kiểm soát quyền lực; nhận diện 6 hành vi chạy chức, chạy quyền; 8 hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức cũng như quy định trách nhiệm của tổ chức, cá nhân trong chống chạy chức, chạy quyền, Quy định số 205-QĐ/TƯ còn đưa ra các chế tài xử lý rõ ràng, nghiêm khắc đối với người làm công tác cán bộ. Cụ thể, nghiêm cấm các hành vi như: Cung cấp hoặc tiết lộ thông tin, tài liệu, hồ sơ cán bộ, đảng viên cho tổ chức và cá nhân không có thẩm quyền, trách nhiệm…; xen ghép ý đồ cá nhân, đề ra tiêu chí, tiêu chuẩn, điều kiện, nhận xét, đánh giá mang tính áp đặt, không đúng bản chất, không đúng sự thật nhằm vụ lợi hoặc có lợi cho nhân sự trong quá trình tham mưu thực hiện quy trình công tác cán bộ...

Điều đáng nói, trong quy định này Bộ Chính trị nhấn mạnh cần bảo vệ và khen thưởng kịp thời cá nhân phát hiện, phản ánh, tố cáo vi phạm trong công tác cán bộ. Hy vọng rằng, khi quy định được thực thi, các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay chạy chức, chạy quyền sẽ được xử lý nghiêm minh.

Đảng viên Khổng Thúy Nga, thị trấn Tây Đằng (huyện Ba Vì): 
Khắc phục triệt để tình trạng chạy chức, chạy quyền

Việc Đảng ta ban hành quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, đặc biệt là chống chạy chức, chạy quyền trong thời điểm chuẩn bị đại hội đảng các cấp là rất cần thiết, kịp thời. Tôi tâm đắc khi các hành vi bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền được nêu rõ trong Quy định số 205-QĐ/TƯ như: Biết nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền nhưng che giấu, thỏa hiệp, không xử lý theo thẩm quyền hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý; không xử lý theo thẩm quyền quy định hoặc không báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý khi nhận được đơn, thư phản ánh, tố cáo nhân sự có hành vi chạy chức, chạy quyền...

Những quy định này được thực thi một cách nghiêm khắc, đồng bộ với các quy định khác thì chính là cơ chế kiểm soát quyền lực về công tác cán bộ trên mọi phương diện, khắc phục triệt để tình trạng chạy chức, chạy quyền đã từng xảy ra thời gian qua ở một số địa phương. Mỗi đảng viên, quần chúng nhân dân cũng có thể căn cứ vào quy định này để xem xét, đối chiếu với công tác cán bộ tại địa phương, đơn vị mình để có những đóng góp, kiến nghị kịp thời, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh ngay từ cơ sở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền: Rất cần thiết và kịp thời

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.