Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nóng chuyện tuyển dụng công chức, tham nhũng vặt

Hương Ly| 08/11/2019 06:33

(HNM) - Ngày 7-11, phiên chất vấn và trả lời chất vấn của kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV, bước sang ngày làm việc thứ hai với hai lĩnh vực công thương, nội vụ thuộc trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh và Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân.

Trong nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nội vụ, các đại biểu đã tập trung chất vấn về những bất cập trong việc nâng ngạch, đánh giá cán bộ cũng như hạn chế tình trạng tham nhũng vặt trong đội ngũ cán bộ, công chức hiện nay.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu kết luận phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Ảnh: TTXVN

Bất cập hơn 20 năm chưa sửa, bộ trưởng nhận khuyết điểm

Báo cáo với Quốc hội trước khi trả lời chất vấn trực tiếp, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã kết hợp với tinh giản biên chế đã góp phần xây dựng bộ máy hành chính nhà nước hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Đây là mục tiêu được nêu tại nghị quyết của Đảng trong nhiều nhiệm kỳ. Tuy nhiên, những kết quả đạt được mới chỉ là bước đầu.

Là một trong những người đầu tiên đặt câu hỏi chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Đoàn Hưng Yên) nêu tình trạng tổ chức thi, xét nâng ngạch, thăng hạng công chức, viên chức chưa rõ ràng, có nhiều bất cập, nhất là yêu cầu về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học. Vì yêu cầu đủ thủ tục nên cán bộ, công chức, viên chức phải đi học nhưng theo kiểu đối phó, chất lượng chứng chỉ không thực chất. “Xin Bộ trưởng cho biết có hay không tình trạng này? Làm thế nào để khắc phục và có nên bỏ quy định này khi thi xét nâng ngạch hay không?”, đại biểu chất vấn.

Trả lời câu hỏi, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thừa nhận: “Tôi thấy rất phiền hà về văn bằng chứng chỉ”. Nhấn mạnh quy định về tiêu chuẩn văn bằng chứng chỉ này có từ năm 1993, Bộ trưởng cho rằng, đến nay đã bất cập cần phải sửa đổi. Bộ Nội vụ xin nhận khuyết điểm này. Bộ trưởng cam kết sẽ sửa vào năm 2020 sau khi Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức được sửa đổi...

Dẫn số liệu 0,63% công chức không hoàn thành nhiệm vụ, đại biểu Nguyễn Thị Thủy (Đoàn Bắc Kạn) cho rằng, con số này nếu chính xác thì đây là một điều rất đáng mừng. Thế nhưng, con số này có phản ánh đúng tình hình thực tế hay không?

Trả lời đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho biết, Bộ đã có báo cáo đánh giá của hơn 40 tỉnh, thành phố và các bộ, ngành. Theo đó, tỷ lệ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của công chức khoảng 27,7%, số không hoàn thành chiếm 0,63%. Viên chức cũng có tỷ lệ tương ứng như vậy. Bộ trưởng khẳng định, đánh giá này chưa chính xác do đánh giá còn chung chung, nể nang, cảm tính. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ tham mưu Chính phủ ban hành nghị định mới thay thế quy định hiện tại theo hướng đánh giá ngang, dọc, đa chiều, với tiêu chí cụ thể. 

Tranh luận với Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân về vấn đề biên chế ngành Giáo dục và Y tế, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đoàn Đà Nẵng) nêu: “Hầu hết các địa phương vẫn diễn ra tình trạng các ngành Y tế, Giáo dục đang kêu chuyện bị giảm biên chế theo kiểu cào bằng". Đưa ra “bức tâm thư kêu cứu” của một giáo viên ký hợp đồng giảng dạy theo từng năm trong suốt 14 năm qua lại bị chấm dứt hợp đồng, đại biểu nói: “Có lẽ giờ đây những giáo viên này đang dõi theo, khắc khoải mong chờ câu trả lời rõ hơn từ Bộ trưởng”.

Về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ khẳng định: “Chiều hôm qua, tôi đã ký văn bản liên quan đến tuyển viên chức đối với giáo viên hợp đồng, ngày hôm nay đề nghị phát hành gửi ngay 63 tỉnh, thành phố cũng như trả lời thành phố Hà Nội. Với những trường hợp có đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không vi phạm kỷ luật trong thời gian giảng dạy sẽ được xét tuyển viên chức…”.

Tham nhũng vặt gây khó dễ cho doanh nghiệp

Đề cập đến tình trạng tham nhũng vặt, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Đoàn Nghệ An) nhận định, tình trạng tham nhũng vặt, gây khó dễ, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp của một bộ phận cán bộ, công chức còn diễn ra ở nhiều nơi, gây bức xúc trong cử tri và xã hội. Nguyên nhân của tình trạng này xuất phát từ chế tài xử lý quy định trong Luật Cán bộ, công chức chưa đủ mạnh, còn rườm rà về thủ tục. “Bộ trưởng có đề xuất gì mạnh tay hơn, mới hơn để khắc phục tình trạng này?” - đại biểu chất vấn.

Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân trả lời: “Tham nhũng vặt, nói là vặt nhưng “lỗ nhỏ dễ đắm thuyền” rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp”. Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian qua, Chính phủ đã ban hành Đề án Văn hóa công vụ và đề nghị các địa phương cần xây dựng chương trình hành động để triển khai. Muốn khắc phục tình trạng này, theo Bộ trưởng cần phải tính lại chế độ lương, thưởng và vị trí việc làm. Người nỗ lực phải hưởng mức lương tương xứng chứ không cào bằng như hiện nay.

Tranh luận lại, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu đề nghị, Bộ trưởng Bộ Nội vụ cần trả lời về việc xử lý tình trạng cán bộ nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp và người dân. Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân cho biết, sắp tới Bộ sẽ tham mưu Chính phủ trong việc xây dựng nghị định về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức, nhằm ngăn chặn không để những người này lọt vào trong hệ thống hành chính nhà nước, gây nhũng nhiễu, phiền hà, làm suy giảm lòng tin của người dân.

Nêu tình trạng một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức tham ô, lãng phí, lạm dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ, bố trí người thân vào bộ máy nhà nước, đại biểu Đỗ Đức Hồng Hà (Đoàn Hà Nội) đề nghị, Bộ trưởng nêu giải pháp khắc phục, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả phòng, chống tham nhũng.

Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Lê Vĩnh Tân thông tin, tổng kết năm 2018 cho thấy, 1.657 công chức bị xem xét xử lý kỷ luật, chiếm 0,21% trong tổng số công chức. Về xử lý đối với viên chức, năm 2018 xử lý 3.020 người, chiếm 0,16%. Giải pháp sắp tới là phải thực hiện nghiêm minh, có quy định các hình thức xử lý cụ thể… Đây là nhiệm vụ trọng tâm trong kiểm tra công vụ năm 2020.

Tại phiên thảo luận, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ đã cùng tham gia trả lời một số vấn đề đại biểu nêu.

Phát biểu kết luận phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn về thuộc lĩnh vực nội vụ, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, đã có 40 đại biểu đặt câu hỏi, 16 đại biểu tranh luận.

Đánh giá cao những câu hỏi thẳng thắn, mang tính thực tiễn cao của các đại biểu, Chủ tịch Quốc hội cũng cho rằng, phần trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân ngắn gọn, đi thẳng vào vấn đề, cho thấy Bộ trưởng nắm chắc tình hình cũng như những bức xúc còn tồn tại. Chủ tịch Quốc hội mong muốn, thời gian tới, Bộ trưởng sẽ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, khắc phục những hạn chế, tồn tại, từ đó tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về công tác quản lý cán bộ, công chức, viên chức.

Hôm nay (8-11), Quốc hội tiếp tục chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ tư thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông với trách nhiệm trả lời chính của Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Tiếp đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc báo cáo làm rõ vấn đề liên quan và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Sáng 7-11, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh tiếp tục trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã trả lời những chất vấn thuộc trách nhiệm của Chính phủ về các nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương. Các đại biểu đã quan tâm, đặt câu hỏi về những nội dung như: Quy hoạch phát triển điện; mục tiêu công nghiệp hóa; gian lận về xuất xứ, làm giả về thương hiệu, lừa dối người tiêu dùng...

Đối với vấn đề các dự án năng lượng tái tạo chậm tiến độ được đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Đoàn Quảng Bình) đưa ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, một số dự án đang được các bộ, ngành thẩm định để thực hiện trong năm 2020. Với điện gió, sau tháng 11-2021 sẽ áp dụng cơ chế khuyến khích các nhà đầu tư, để khắc phục hạn chế hiện nay. Điện mặt trời cũng sẽ thực hiện tương tự và sẽ tổ chức đấu thầu dự án.

Trước câu hỏi của đại biểu Hoàng Quang Hàm (Đoàn Phú Thọ) về vấn đề chưa phát triển được ngành cơ khí chế tạo đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng, nguyên nhân chủ quan đến từ công tác quản lý nhà nước, trong đó có sự thiếu đồng bộ của các bộ, ngành và tâm lý thụ động của các doanh nghiệp. Bộ sẽ tập trung, chỉ đạo quyết liệt cho các ngành công nghiệp quan trọng như cơ khí chế tạo, công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là công nghiệp năng lượng...

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn Hà Nội) và đại biểu Mai Sỹ Diến (Đoàn Thanh Hóa) về gian lận xuất xứ, làm giả thương hiệu, lừa dối người tiêu dùng, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cam kết với đại biểu Quốc hội và cử tri sẽ làm hết trách nhiệm về vấn đề này. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan rà soát, hoàn thiện lại hệ thống pháp lý.

Trả lời chất vấn của các đại biểu về quy hoạch và phát triển điện, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã quyết định điều chỉnh quy hoạch điện nhằm bổ sung thêm các nguồn, trong đó tập trung vào các nguồn điện tái tạo. Theo Phó Thủ tướng, trong giai đoạn 2021-2030 cần đổi mới công tác quy hoạch, cơ cấu lại nguồn điện, tăng sản lượng điện tái tạo... Chính phủ cũng sẽ tập trung đẩy nhanh các dự án truyền tải điện, chú trọng cung cấp điện cho vùng sâu, vùng xa và tiếp tục thực hiện nghiêm việc tiết kiệm, giảm thất thoát điện, hoàn thành thể chế pháp luật liên quan...

Kết thúc phần chất vấn và trả lời chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực công thương, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết đã có 45 đại biểu đặt câu hỏi, 9 đại biểu tranh luận, 10 đại biểu đặt câu hỏi nhưng chưa được trả lời, 15 đại biểu đăng ký chất vấn nhưng không đủ thời gian. Chủ tịch Quốc hội đánh giá, phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sôi nổi, câu hỏi được đặt ra ngắn gọn, đi thẳng vào nội dung. Bộ trưởng Trần Tuấn Anh đã nắm chắc vấn đề, thẳng thắn nhận trách nhiệm đối với những tồn tại, hạn chế... Chủ tịch Quốc hội đề nghị, Chính phủ, Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến của đại biểu Quốc hội, triển khai tốt các giải pháp đưa ra về những lĩnh vực đã được chất vấn.  

Tiến Thành

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nóng chuyện tuyển dụng công chức, tham nhũng vặt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.