Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tô đẹp truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng

Mai Lâm| 17/12/2020 05:07

(HNNN) - Quân đội nhân dân Việt Nam là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam, được Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, giáo dục và rèn luyện. Lịch sử 76 năm xây dựng, phát triển, trong thời chiến Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nhiều chiến công vang dội làm chấn động địa cầu, giữa thời bình tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, luôn là chỗ dựa đáng tin cậy, có mặt kịp thời mỗi khi nhân dân cần.

Các chiến sĩ Binh chủng Hóa học (Bộ Quốc phòng) phun hóa chất, tiêu độc, khử trùng tại một ổ dịch Covid-19.

Những chiến công lẫy lừng

Trong Luận cương Chính trị đầu tiên, Đảng ta đã khẳng định sự tất yếu phải tổ chức ra quân đội công nông để giành chính quyền. Vì vậy, khi vừa ra đời, trong phong trào cách mạng 1930 - 1931, Đảng đã chủ trương thành lập các đội Tự vệ đỏ. Những năm 1940 - 1945, lần lượt các tổ chức vũ trang như: Đội du kích Bắc Sơn, Du kích Nam Kỳ, Đội du kích Ba Tơ, Đội du kích Pắc Bó, Cứu Quốc quân đã ra đời. Sự phát triển mạnh mẽ, rộng khắp của phong trào đấu tranh vũ trang đòi hỏi phải có một đội quân chủ lực thống nhất về mặt tổ chức để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng giải phóng dân tộc. Nhằm đáp ứng yêu cầu đó, tháng 12-1944, đồng chí Hồ Chí Minh đã ra Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân gồm 34 chiến sĩ, biên chế thành 3 tiểu đội. Ngay sau ngày thành lập, chiều ngày 25-12-1944, Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân đã đánh thắng trận đầu Phai Khắt rồi Nà Ngần (Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng), gây tiếng vang mạnh mẽ, làm nức lòng nhân dân, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cuộc đấu tranh vũ trang của nhân dân ta.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, chỉ trong vòng 15 ngày cuối tháng 8-1945, lực lượng vũ trang đã làm nòng cốt, hỗ trợ cho phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, Việt Nam Giải phóng quân được đổi tên thành Vệ Quốc quân. Năm 1946, Vệ Quốc quân đổi tên thành Quân đội Quốc gia Việt Nam. Năm 1950, đổi tên thành Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng, trưởng thành, Quân đội nhân dân Việt Nam đã lập nên nhiều chiến công vang dội. Đó là, dù lực lượng chênh lệch nhưng đã kìm chân thực dân Pháp tái chiếm Hà Nội vào mùa đông năm 1946 để các lực lượng rút về chiến khu an toàn. Càng chiến đấu càng trưởng thành, và một trong những mốc son chói lọi, gây “chấn động địa cầu” của Quân đội nhân dân Việt Nam là đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, giáng đòn quyết định, tạo bước ngoặt lịch sử làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh giữa ta và địch; trực tiếp đưa đến việc ký kết Hiệp định Genève lập lại hòa bình ở Đông Dương, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và sự can thiệp của Mỹ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, quân và dân ta đã tiếp tục viết những trang sử vàng. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân (1968) đã tạo bước ngoặt lớn, chuyển chiến tranh cách mạng miền Nam sang thời kỳ mới - thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Đặc biệt, ở Chiến dịch Hồ Chí Minh, thực hiện tư tưởng chỉ đạo “Thần tốc, táo bạo, bất ngờ, chắc thắng”, ngày 26-4-1975, quân ta bắt đầu nổ súng tiến công đồng loạt vào các mục tiêu, phá vỡ tuyến phòng thủ vòng ngoài của địch. Trưa ngày 30-4, quân ta đã bắt sống toàn bộ nội các của chính quyền Sài Gòn, buộc Tổng thống Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng không điều kiện. Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối.

Bước sang giai đoạn cách mạng mới của đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã cùng toàn dân giành thắng lợi trong hai cuộc chiến bảo vệ Tổ quốc ở biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc, đồng thời làm tròn nghĩa vụ cao cả giúp đỡ nhân dân Campuchia thoát khỏi nạn diệt chủng.

Cống hiến giữa thời bình

Đất nước hòa bình, bước vao thời kỳ đổi mới, Quân đội nhân dân Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào những thành tựu chung của đất nước trong hơn 30 năm đổi mới, nhất là từ năm 2005 đến nay. Đó là, quân đội đã nắm chắc và dự báo đúng tình hình liên quan đến quốc phòng - an ninh; chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng và Nhà nước hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách xử lý linh hoạt, đúng đắn các tình huống phức tạp, các vấn đề nhạy cảm về quốc phòng - an ninh, không để đất nước bị động, bất ngờ về chiến lược; giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ và quan hệ tốt với các nước láng giềng; bảo đảm sự ổn định chính trị - xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững. Trong thực hiện nhiệm vụ lao động sản xuất, xây dựng kinh tế, quân đội đã đạt được những thành tựu mới trên tất cả các lĩnh vực.

Không chỉ giữ vững an ninh quốc phòng, bảo vệ vững chắc chủ quyền biên giới, hải đảo quốc gia, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn có mặt kịp thời tại những “điểm nóng”, thực hiện những nhiệm vụ trong tình thế vô cùng khó khăn, ngặt nghèo, nhất là trong phòng, chống dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn. Đơn cử như mới đây, trước những diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong suốt hơn một năm qua, các chiến sĩ quân đội nhân dân luôn ở tuyến đầu, tạo thành “tấm giáp” vững chắc ngăn chặn hành vi xuất, nhập cảnh trái phép có thể làm lây lan dịch bệnh. Các đơn vị quân đội được huy động để làm nơi cách ly những người vừa nhập cảnh và các chiến sĩ đã vui vẻ, thầm lặng nhường “chăn ấm, nệm êm” cho đồng bào của mình. Khi dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây lan cao, không ai khác, chính các chiến sĩ quân đội là lực lượng đi đầu trong công tác khử trùng, tiêu độc vì cuộc sống bình an của nhân dân.

Tình quân dân như cá với nước tiếp tục thể hiện rõ hơn khi thiên tai lũ lụt hoành hành dữ dội trong tháng 10 vừa qua. Sau khi bão lũ qua đi, các cán bộ, chiến sĩ vẫn từng ngày sát cánh cùng người dân khắc phục hậu quả, dựng lại nếp nhà, ổn định đời sống... Điều đó đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ghi nhận, đánh giá cao khi phát biểu tại Hội nghị Quân chính toàn quân vừa diễn ra: Cán bộ, chiến sĩ toàn quân đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, xung kích trong phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn, xử lý ô nhiễm môi trường; một số cán bộ, chiến sĩ đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ, xứng đáng là Quân đội của dân, do dân, vì dân, đã tô đẹp thêm hình ảnh “Bộ đội Cụ Hồ”.

Hình ảnh các chiến sĩ âm thầm “mưa dầm, cơm vắt”, luôn có mặt đúng lúc, đúng chỗ giúp dân, bảo vệ sự bình yên của Tổ quốc đã làm lay động triệu triệu trái tim người Việt. Những hành động, việc làm đó đủ để đập tan âm mưu diễn biến hòa bình đòi “phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch, đồng thời bồi đắp, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tô đẹp truyền thống Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.