Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những nạn nhân khác bên lề cuộc chiến Yemen

Thương Nguyệt| 20/09/2018 22:10

(HNMO) - Ở bờ Tây Yemen (Trung Đông), Mohammed al-Hosami nhận được sự giúp đỡ từ người dân cùng làng ở huyện al-Mahwit để chữa trị cho người mẹ mắc bệnh ung thư tại một phòng khám gần thành phố Hodeidah.

Mohammed al-Hosami và mẹ là hai trong số nhiều nạn nhân chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc nội chiến Yemen. Ảnh: CNN


"Không có việc làm hay thu nhập nên chúng tôi không thể đi đâu. Người dân làng đã giúp tôi trả phí chữa trị cho mẹ và đưa bà ấy đến phòng khám này”, Mohammed al-Hosami nói khi một bác sĩ khám cho mẹ anh, đang nằm trên giường bệnh với cánh tay trái sưng tấy.

Theo CNN, hàng triệu người dân Yemen đang đối diện với nạn đói và bệnh tả, gây ra bởi cuộc nội chiến suốt từ năm 2015. Xung đột kéo dài tại quốc gia nghèo khó vùng Trung Đông này cũng ảnh hưởng đến những bệnh nhân ung thư, khiến họ gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận các biện pháp điều trị.

Radhiya, 17 tuổi, phải cắt bỏ tay trái vì ung thư. Gia đình cô đã bán mọi thứ đáng giá nhất nhưng vẫn không thể giúp con gái thắng được căn bệnh quái ác. Ảnh: CNN


Tổ chức Y tế thế giới (WHO) xác nhận, có khoảng 35.000 trường hợp mắc ung thư tại Yemen, với khoảng 11.000 người được chẩn đoán mỗi năm.

“Rất khó để tìm thấy thuốc men, và nếu có tại chợ, các loại thuốc đều rất đắt, khiến người dân không thể mua”, Mohammed al-Emad, một người dân Yemen khác cho biết khi đưa người thân đến điều trị tại thủ đô Sanaa.

Yemen hiện đang chìm trong vòng xoáy của cuộc chiến giữa liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu với phiến quân Houthi. Xung dột dai dẳng giữa hai bên đã khiến nền kinh tế quốc gia này kiệt quệ hoàn toàn, gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thống chăm sóc sức khỏe và tạo ra cuộc khủng hoảng nhân đạo với hàng triệu người đối mặt nạn đói và bệnh tật.

Liên quân Saudi Arabia đã siết chặt giao thương hàng hải tới Yemen trong nỗ lực ngăn nguồn cung vũ khí cho phiến quân Houthi, lực lượng vẫn đang kiểm soát phần lớn những khu vực đông dân cư, gồm cả thủ đô Sanaa. Tuy nhiên, biện pháp này cũng gây cản trở đối với các chuyến hàng viện trợ nhân đạo.

Trả lời Reuters, Ahmed al-Ashwal, Giám đốc Trung tâm Ung thư quốc gia (NOC) tại Sanaa thừa nhận, mỗi tháng xuất hiện thêm khoảng 600 ca mắc ung thư nhưng chỉ nhận được nguồn ngân sách 1 triệu USD mỗi năm từ các cơ quan chính phủ và tổ chức viện trợ quốc tế.

Một người mẹ đang giữ chai truyền nước cho con trai tại Trung tâm Ung thư quốc gia ở Sanaa. Ảnh: CNN


Trong khi đó, số lượng giường bệnh ít ỏi tại trung tâm này luôn được ưu tiên cho trẻ em. Những bệnh nhân khác được điều trị trên những chiếc ghế xiêu vẹo hoặc tại khu vực chờ.

WHO cho biết, trước khi xảy ra xung đột, trung tâm thường nhận được 15 triệu USD mỗi năm từ chính phủ. Số tiền từ ngân sách này được sử dụng để mua dược phẩm hóa học trị liệu và thuốc chống ung thư.

"Hiện tại, NOC hoàn toàn phụ thuộc vào ngân sách cung cấp bởi các tổ chức quốc tế, trong đó có WHO và một vài tổ chức từ thiện hoặc các doanh nhân vì ngân sách chính phủ đã bị gián đoạn khoảng 2 năm”, Reuters dẫn thông báo của NOC cho biết.

Trung tâm Ung thư quốc gia cũng là nơi điều trị cho nhiều trường hợp trẻ nhỏ mắc ung thư. Ảnh: CNN


Cùng tình trạng với NOC, Trung tâm Điều trị ung thư al-Amal cũng đang vật lộn với việc chăm sóc cho hơn 5.300 bệnh nhân tại thành phố Hodeidah. Trung tâm này đối diện nguy cơ phải ngừng hoạt động nếu tiếp tục không nhận được hỗ trợ từ chính phủ.

"Một trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho hàng nghìn bệnh nhân không thể hoạt động nếu chỉ dựa vào các khoản đóng góp hoặc trợ cấp”, Giám đốc Yasser Abdullah Noor bày tỏ lo ngại.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những nạn nhân khác bên lề cuộc chiến Yemen

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.