Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Đường dài cần sự kiên trì

Đức Anh| 20/06/2018 06:54

(HNM) - Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước là mục tiêu, kỳ vọng lớn đòi hỏi sự kiên trì, quyết tâm và sự điều hành có hiệu quả từ các cấp.

Tập đoàn Cao su Việt Nam là một trong những doanh nghiệp nhà nước có quy mô vốn lớn lên sàn chứng khoán.Ảnh: Nguyễn Luân Trong ảnh: Công nhân khai thác mủ cao su tại Bình Phước.


Bài đầu: Thách thức cần lời giải

Báo cáo của Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho thấy, năm 2017, có 69 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa, trong đó có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước rất lớn. Trong khi đó, 5 tháng đầu năm 2018, mới có 5 doanh nghiệp được cổ phần hóa. Hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước được đánh giá chưa đáp ứng mục tiêu, khiến vốn và tài sản nhà nước vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Đây là thách thức lớn, đòi hỏi các ngành chức năng cần sớm tìm ra lời giải.

Tái cơ cấu nhiều “siêu" doanh nghiệp

Theo Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thời gian qua, tình hình sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp Nguyễn Hồng Long cho biết, tính riêng năm 2017, đã có 69 doanh nghiệp nhà nước được phê duyệt phương án cổ phần hóa. Trong đó, có nhiều doanh nghiệp quy mô vốn nhà nước rất lớn, trên 1.000 tỷ đồng. Giá trị vốn nhà nước tại các doanh nghiệp cổ phần hóa được xác định lại là 160.083 tỷ đồng, gấp 6,34 lần so với tổng giá trị phần vốn nhà nước cổ phần hóa năm 2016. Cả nước đã thoái được 8.915 tỷ đồng theo giá trị sổ sách, thu về 139.385 tỷ đồng. Tổng thu từ cổ phần hóa, thoái vốn phải nộp về ngân sách nhà nước năm 2017 đạt 144.577,44 tỷ đồng (gấp 2,41 lần so với chỉ tiêu Quốc hội giao), trong đó thu từ cổ phần hóa 5.192,44 tỷ đồng, thu từ thoái vốn 139.385 tỷ đồng.

Đánh giá về quá trình thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thời gian qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ, Trưởng ban Chỉ đạo Đổi mới và phát triển doanh nghiệp cho rằng, so với trước đây, số doanh nghiệp làm ăn có lãi đã tăng lên, chiếm tỷ lệ hơn 80% số doanh nghiệp nhà nước, trong khi tỷ lệ này vào năm 2012 chỉ khoảng 30%.

Theo Phó Thủ tướng, năm 2017 là năm nhiều khó khăn, vướng mắc khi thực hiện cổ phần hóa, vì Chính phủ vừa ban hành, hoàn thiện khung khổ pháp lý, vừa phải thực hiện cổ phần hóa, nhưng đã đạt kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực, đổi mới, sắp xếp lại, nâng cao năng lực quản trị, nâng cao hiệu quả, cổ phần hóa, thoái vốn, phát triển doanh nghiệp dân doanh, đầu tư nước ngoài. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, năm 2018 là năm cần phải đẩy mạnh cổ phần hóa, bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Trong quý I-2018, đã có 4 doanh nghiệp lớn lên sàn chứng khoán, gồm: Tập đoàn Cao su Việt Nam, Tổng công ty Dầu Việt Nam, Điện lực Dầu khí, Lọc hóa dầu Bình Sơn. Đây là các doanh nghiệp có quy mô vốn lớn nhất trong tổng số 69 tập đoàn, tổng công ty đã được cổ phần hóa năm 2017.

Vốn nhà nước vẫn còn dàn trải

Tổng công ty Dầu Việt Nam đã lên sàn chứng khoán trong quý I-2018.


Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu về "Đẩy mạnh tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2016- 2020" vừa được Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) công bố cho thấy, trên thực tế, hoạt động tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước đến nay vẫn chưa đáp ứng mục tiêu, yêu cầu là phải tập trung vào những ngành, lĩnh vực quan trọng cần tới vai trò của vốn đầu tư nhà nước và phù hợp với chức năng của doanh nghiệp nhà nước trong nền kinh tế thị trường. Vốn và tài sản nhà nước hiện vẫn dàn trải ở hầu hết các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, mức độ phát triển theo chiều sâu còn hạn chế. Bên cạnh đó, số vốn thu về không được đầu tư và chuyển dịch sang các ngành nghề quan trọng, cần thiết để tạo động lực cho sự phát triển của nền kinh tế. Theo thống kê chưa đầy đủ, trong 5 tháng đầu năm 2018 mới cổ phần hóa được 5 doanh nghiệp. Như vậy, kết quả cổ phần hóa còn khoảng cách rất xa so với kế hoạch đã được Thủ tướng phê duyệt là năm 2018 phải hoàn thành cổ phần hóa được 85 doanh nghiệp.

Tiến sĩ Trần Đức Cường, Trưởng nhóm thực hiện báo cáo của CIEM cho biết, thực trạng này đã cho thấy, việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước nói chung, cổ phần hóa và thoái vốn nhà nước nói riêng vẫn chưa làm thay đổi phân bổ nguồn lực của nền kinh tế. Điều này đã khiến việc tái cơ cấu kinh tế nói chung còn mờ nhạt. Ngoài ra, nếu giai đoạn 2011-2015, cả nước phá sản được 8 doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, thì từ năm 2016 đến nay, chỉ phá sản được 1 doanh nghiệp. Số lượng này là quá ít so với số doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, cần phải phá sản.

Nhận xét về điều này, Trưởng ban Cải cách và Phát triển doanh nghiệp (thuộc CIEM) Phạm Đức Trung cho rằng, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, trong đó nguyên nhân chủ yếu do chủ nợ và người lao động đều không muốn phá sản. Ngoài ra, thất thoát tài sản của dự án, doanh nghiệp yếu kém cũng chưa xác định rõ trách nhiệm thuộc về ai. Cùng với đó, trong quá trình cổ phần hóa đang xuất hiện những “lỗ hổng” có thể dẫn tới thất thoát vốn, tài sản của Nhà nước.

Nêu thực trạng nhiều doanh nghiệp nhà nước bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp trái ngành, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho biết, việc Hãng Phim truyện Việt Nam trở thành sở hữu của một doanh nghiệp kinh doanh vận tải đường thủy mới đây là một ví dụ về việc doanh nghiệp nhà nước bị “thâu tóm” bởi các doanh nghiệp có lĩnh vực kinh doanh hoàn toàn xa lạ. Không ai biết dòng vốn trong doanh nghiệp nhà nước đang “chảy” như thế nào, bởi không có con số chính xác. Đây là nhược điểm lớn nhất của quản trị, thiếu mô hình giám sát nên không cảnh báo được rủi ro, yếu kém và chỉ phát hiện ra khi hậu quả đã rồi. Kết thúc kế hoạch tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011-2015 có đến 20% tập đoàn, tổng công ty thua lỗ, lỗ lũy kế, gặp nhiều rủi ro dẫn tới không tự chủ được về mặt tài chính.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước: Đường dài cần sự kiên trì

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.