Theo dõi Báo Hànộimới trên

Để doanh nghiệp đứng vững trên “sân nhà”

Thanh Hiền| 22/01/2019 07:42

(HNM) - Thị trường trong nước đang ngày càng được quan tâm phát triển, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước đứng vững hơn trên “sân nhà”...

Liên kết để phát triển

Đóng vai trò quan trọng trong việc kết nối hàng hóa giữa các tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc, Hà Nội không chỉ là thị trường bán lẻ sôi động với hơn 10 triệu dân, có nhu cầu lớn về các mặt hàng thực phẩm an toàn, mà còn là trung tâm bán buôn, nơi các doanh nghiệp đầu mối lớn có thể xuất khẩu hàng hóa Việt Nam ra nước ngoài.

Nông sản của tỉnh Yên Bái được giới thiệu tại Hà Nội. Ảnh: Thái Hiền


Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, khảo sát tại các địa phương cho thấy, nhiều sản phẩm nông nghiệp, đặc sản vùng miền có chất lượng tốt, nhưng sản xuất nhỏ lẻ, thiếu quy hoạch, không kết nối với thị trường, sản phẩm chưa có thương hiệu, thiếu chỉ dẫn địa lý. Nhiều loại nông sản chưa đáp ứng được các yêu cầu về thủ tục đăng ký, kiểm định chất lượng, phương thức thanh toán, mẫu mã bao bì sản phẩm chưa hấp dẫn..., nên không đủ tiêu chuẩn đưa vào tiêu thụ trong các hệ thống phân phối hiện đại tại Hà Nội.

Ðể giúp các địa phương, doanh nghiệp khắc phục những hạn chế này, TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch hợp tác toàn diện, trọng tâm là hỗ trợ đẩy mạnh khai thác, chế biến và tiêu thụ sản phẩm của các địa phương tại Hà Nội và ngược lại. Từ đó, giúp các địa phương thiết lập chuỗi cung ứng hàng hóa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.

Chia sẻ thêm về chương trình phát triển thị trường trong nước, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch TP Hà Nội Nguyễn Thị Mai Anh cho biết, trung tâm đã phối hợp cùng các doanh nghiệp phân phối bán lẻ lớn của Hà Nội tư vấn hỗ trợ các địa phương thiết kế mẫu mã, bao bì, đóng gói, lấy giấy chứng nhận kiểm định chất lượng sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc để hàng hóa đủ tiêu chuẩn đưa vào kênh phân phối hiện đại trong nước và nước ngoài.

Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương cũng tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp Hà Nội đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến nông sản tại các địa phương, tạo nguồn hàng bền vững. Bà Phùng Thị Thu Hương, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần GreenPath Việt Nam - đơn vị ứng dụng 100% chế phẩm sinh học vào chăm bón sản phẩm nông nghiệp chia sẻ, vụ nhãn năm nay, công ty đã xuất khẩu nhãn Sơn La sang thị trường Mỹ, được bạn hàng đánh giá cao về chất lượng. Với thành công này, công ty quyết định đầu tư một nhà máy chế biến, bảo quản hoa quả tại huyện Mai Sơn (tỉnh Sơn La) để xuất khẩu vào thị trường Mỹ, châu Âu và Các tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất, mở ra những cơ hội mới cho sản phẩm trái cây vùng Tây Bắc.

Cũng tại tỉnh Sơn La, các tập đoàn kinh tế lớn như: TH, Vingroup, Quế Lâm, Công ty CP Tập đoàn FLC... đã đầu tư hàng nghìn tỷ đồng xây dựng trang trại trồng trọt, cơ sở chế biến nông sản để cung cấp các sản phẩm sạch, chất lượng cao cho thị trường Hà Nội và cả nước.

Tạo chuỗi giá trị hàng hóa

Đánh giá của Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho thấy, năm 2018 là năm thương mại nội địa giữ vững được đà tăng trưởng ổn định với tốc độ tăng tổng mức lưu chuyển hàng hóa bán lẻ và dịch vụ xã hội ở mức 2 con số, trong đó, riêng doanh thu từ bán lẻ hàng hóa đạt 3.306,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 75,2% tổng mức lưu chuyển hàng hóa và tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước. Qua đó, thị trường trong nước đã cùng với xuất khẩu và đầu tư là trụ đỡ quan trọng góp phần bảo đảm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung của cả nước.

Đặc biệt, theo Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước Trần Duy Đông, việc phối hợp chặt chẽ trong điều hành giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý, nhất là việc điều hành giá xăng dầu, quản lý giá sữa đã hạn chế thấp nhất sự tác động cộng hưởng vào chỉ số giá tiêu dùng (CPI) khi các hàng hóa dịch vụ khác như phí giáo dục, phí y tế đang được điều chỉnh theo lộ trình giá thị trường. Bộ Công Thương cũng chú trọng vào bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại..., góp phần bảo vệ và hỗ trợ thị trường trong nước phát triển lành mạnh.

Năm 2019, để hoàn thành mục tiêu tăng trưởng từ 10,5 đến 11%, ông Trần Duy Đông khẳng định, Bộ Công Thương sẽ triển khai mạnh mẽ các giải pháp phát triển thị trường trong nước, sớm hoàn thiện trình Chính phủ Chiến lược phát triển thị trường trong nước đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030. Tập trung rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách về hạ tầng thương mại tạo sự đồng bộ trong phát triển. Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phát triển chợ đầu mối, xúc tiến các chương trình khuyến khích xã hội hóa, thu hút đầu tư trong và ngoài nước về xây dựng và phát triển chợ đầu mối.

Cũng theo ông Trần Duy Đông, Bộ Công Thương xây dựng tiêu chí điểm bán sản phẩm OCOP (mỗi xã một sản phẩm) và các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP, góp phần phát triển thương mại nông thôn; hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp nhỏ và vừa tham gia vào chuỗi phân phối sản phẩm Việt Nam tại thị trường trong nước.

Đặc biệt, tới đây Bộ Công Thương sẽ đẩy mạnh triển khai các giải pháp gắn kết sản xuất với phân phối hàng hóa, tạo chuỗi giá trị hàng hóa gắn với thực hiện tốt các quy định về chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc nhằm khuyến khích, hỗ trợ nhà sản xuất nâng cao năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh sản phẩm Việt Nam. Đồng thời, tăng cường triển khai chương trình hành động của Bộ Công Thương hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” năm 2019.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Để doanh nghiệp đứng vững trên “sân nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.