Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả từ những nỗ lực của PVN

Mai Linh| 24/01/2019 07:30

(HNM) - Công ty cổ phần Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) phối hợp với Báo VietNamNet đã tổ chức lễ công bố bảng xếp hạng VNR500 - Tốp 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2018.

Khai thác dầu tại mỏ Bạch Hổ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam. Ảnh: Hà Thái


Nhiều thành viên của PVN đạt kết quả ấn tượng

Đây là năm thứ 12 bảng xếp hạng VNR500 được công bố nhằm tôn vinh những doanh nghiệp đã đạt được những thành tựu xuất sắc trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của năm tài chính 2018. Tập đoàn PVN, Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn - CTCP (BSR), Tổng công ty Khí Việt Nam - CTCP (PVGAS), Tổng công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PVOIL), Liên doanh Việt - Nga Vietsovpetro, Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) và Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam - CTCP (PVPower) đều nằm trong tốp 50 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam. Ngoài ra, trong bảng xếp hạng VNR500 được công bố còn có các đơn vị khác trong ngành dầu khí như: PTSC, PVFCCo, PVCFC, PVTrans, PVI, PETROSETCO, PVComBank...

Trước đó, Vietnam Report cũng đã công bố bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lợi nhuận tốt nhất Việt Nam 2018. Theo đó, 5 vị trí dẫn đầu khối doanh nghiệp có lợi nhuận tốt nhất Việt Nam năm 2018 lần lượt thuộc về Tập đoàn PVN, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel), Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam, Công ty Honda Việt Nam và Tổng công ty Khí Việt Nam - PVGAS.

Những năm gần đây, tỷ lệ các doanh nghiệp lớn trong bảng xếp hạng VNR500 các nhóm ngành dịch vụ và công nghiệp tăng lên đáng kể; hiện hai nhóm ngành này chiếm 98,4% tỷ trọng doanh thu năm 2018, đóng góp tương ứng ở nhóm ngành nông nghiệp chỉ ở mức 1,6%. Trong khuôn khổ công bố bảng xếp hạng VNR500 2018, Vietnam Report cũng tiến hành khảo sát cộng đồng các doanh nghiệp lớn Việt Nam nhằm tổng hợp những đánh giá của doanh nghiệp về tình hình sản xuất, kinh doanh giai đoạn hiện tại, những rào cản và thách thức các doanh nghiệp lớn đang phải đối mặt, triển vọng kinh doanh và khả năng tiếp cận công nghệ của doanh nghiệp trong thời đại số.

Xứng đáng là tập đoàn kinh tế mạnh

Năm 2018 trong bối cảnh đất nước hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các sản phẩm chủ lực của Tập đoàn PVN phải đối diện với sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm nhập khẩu; hàng loạt vụ việc yếu kém đang được các cơ quan có thẩm quyền xử lý… Song, PVN luôn ý thức đầy đủ trách nhiệm là tập đoàn kinh tế quan trọng của đất nước, kết quả hoạt động của tập đoàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng GDP, an ninh năng lượng, an ninh quốc gia và nguồn thu ngân sách nhà nước. Với tinh thần đó, tập thể lãnh đạo và cán bộ công nhân viên trong tập đoàn đã giữ vững niềm tin, nỗ lực vượt khó, chủ động xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm thực hiện tốt nhất các nhiệm vụ kế hoạch được giao.

Với những nỗ lực và phấn đấu không ngừng, Tập đoàn PVN đã hoàn thành thắng lợi, về đích trước thời hạn nhiều chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm 2018, đặc biệt ở cả chỉ tiêu gia tăng trữ lượng, sản lượng khai thác dầu khí và các chỉ tiêu tài chính. Cụ thể, tổng sản lượng khai thác dầu khí đạt 23,98 triệu tấn quy dầu, vượt 5% kế hoạch năm. Trong đó, khai thác dầu thô đạt 13,97 triệu tấn (vượt 735 nghìn tấn, tương đương vượt 5,6% kế hoạch năm). Khai thác dầu thô ở trong nước hoàn thành kế hoạch cả năm (11,31 triệu tấn) trước 21 ngày, cả năm 2018 đạt 12 triệu tấn (vượt 675 nghìn tấn, vượt 6% kế hoạch năm). Khai thác dầu thô ở nước ngoài hoàn thành kế hoạch cả năm (1,92 triệu tấn) trước 10 ngày, cả năm 2018 đạt 1,98 triệu tấn (vượt 60 nghìn tấn, vượt 3,1% kế hoạch năm). Khai thác khí hoàn thành kế hoạch cả năm (9,6 tỷ mét khối) trước 15 ngày, cả năm 2018 đạt 10,01 tỷ mét khối (vượt 410 triệu mét khối, vượt 4,3% kế hoạch năm).

Sản xuất đạm hoàn thành kế hoạch cả năm (1,54 triệu tấn) trước 18 ngày, cả năm 2018 đạt 1,63 triệu tấn (vượt 88 nghìn tấn, vượt 5,7% kế hoạch năm). Bên cạnh đó, Tập đoàn PVN cũng hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch về tài chính năm 2018. Cụ thể, tổng doanh thu toàn tập đoàn ước đạt 626,8 nghìn tỷ đồng (vượt 96 nghìn tỷ đồng, tương đương vượt 18,1% kế hoạch năm, tăng 25,9% so với năm 2017). Nộp ngân sách nhà nước toàn Tập đoàn PVN ước đạt 121,3 nghìn tỷ đồng (vượt 47,5 nghìn tỷ đồng, vượt 64,3% kế hoạch năm, tăng 24,3% so với năm 2017).

Năm 2019, Tập đoàn PVN sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức. Đó là việc tìm kiếm thăm dò và phát triển chung của tập đoàn còn gặp nhiều khó khăn; nguồn vốn để thực hiện công tác tìm kiếm thăm dò còn gặp trở ngại. Số lượng giếng khoan mới rất ít, nên hệ số suy giảm sản lượng hằng năm tùy theo mỏ khoảng từ 15% đến hơn 30%. Các phát hiện dầu khí trong giai đoạn gần đây phần lớn có trữ lượng nhỏ, do giá dầu thấp nên hiệu quả kinh tế không cao... Mặc dù vậy, Tập đoàn PVN tiếp tục nỗ lực phấn đấu hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu được giao. Trong đó, gia tăng trữ lượng dầu khí đạt 5-10 triệu tấn; khai thác dầu khí đạt 22,06 triệu tấn; khai thác dầu thô đạt 12,37 triệu tấn; khai thác khí đạt 9,69 tỷ mét khối; sản xuất đạm đạt 1.575 nghìn tấn...; doanh thu đạt 612,2 nghìn tỷ đồng; nộp ngân sách nhà nước đạt 87,5 nghìn tỷ đồng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ những nỗ lực của PVN

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.