Theo dõi Báo Hànộimới trên

Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hoạt động hợp tác với các nghị viện Á – Âu

TTXVN| 10/10/2018 06:43

(HNM) - Sáng 9-10 (theo giờ địa phương), với sự chủ trì của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodin, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang và Chủ tịch Quốc hội nước chủ nhà Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3 (MSEAP 3) đã chính thức khai mạc tại TP Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ.

Quang cảnh phiên khai mạc Hội nghị Chủ tịch Quốc hội các nước Á - Âu lần thứ 3. (Ảnh: Trọng Đức/TTXVN)


Chủ đề chung của hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở khu vực Á - Âu”. Tham dự khai mạc có 40 đoàn đại biểu Quốc hội, Nghị viện trong đó có 23 đoàn do Chủ tịch Quốc hội, Nghị viện dẫn đầu. Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội Việt Nam do Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu đã tham dự.

Phát biểu tại phiên họp toàn thể thứ nhất Hội nghị MSEAP 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ, hợp tác kinh tế trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau về độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, bình đẳng, công bằng và cùng có lợi là điều kiện quan trọng để giữ môi trường hòa bình, ổn định nhằm vượt qua những thách thức, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững; phát triển kinh tế phải đi đôi với bảo vệ môi trường, nâng cao các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm thiểu rủi ro thiên tai. Với tinh thần đó, hoan nghênh chủ đề của Hội nghị là “Hợp tác kinh tế, môi trường và phát triển bền vững ở Á - Âu”.

Chủ tịch Quốc hội khẳng định, Việt Nam luôn tham gia tích cực và có trách nhiệm vào các hoạt động ngoại giao nghị viện trên thế giới và trong khu vực, sẵn sàng ủng hộ những hoạt động hợp tác với các nghị viện Á - Âu, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm, thông tin, góp phần hỗ trợ nhau đối phó với những thách thức toàn cầu, đóng góp vào việc bảo đảm hòa bình, an ninh, thịnh vượng trên thế giới. Chủ tịch Quốc hội chia sẻ, Việt Nam đang tiếp tục hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện hơn; mong muốn tiếp tục hợp tác chặt chẽ hơn nữa với các nước Á - Âu trên các lĩnh vực. Nhân dịp này, Chủ tịch Quốc hội nêu một số ý kiến, trong đó đề cập tới việc tăng cường hơn nữa hợp tác Á - Âu, đẩy mạnh liên kết về kinh tế trong khu vực và liên khu vực, hợp tác thương mại đa phương toàn cầu trên cơ sở cùng có lợi và dựa trên luật pháp quốc tế. Kết thúc bài phát biểu, Chủ tịch Quốc hội nêu bật việc tiếp tục ủng hộ cải cách các cơ chế quản trị toàn cầu theo hướng công bằng, dân chủ và hiệu quả hơn, phù hợp với sự thay đổi của tương quan lực lượng và vai trò ngày càng tăng của các nền kinh tế đang phát triển.

* Tại phiên họp toàn thể thứ hai với sự điều hành của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga Vyacheslav Volodi, phiên họp toàn thể thứ ba với sự điều hành của Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang, lãnh đạo Nghị viện, Quốc hội các nước đã nêu ra nhiều vấn đề mang tính thách thức chung của khu vực và toàn cầu; kiến nghị nhiều giải pháp cụ thể để giải quyết vấn đề đặt ra nhằm hướng tới sự phát triển bền vững hơn, trong đó nhấn mạnh tới vai trò quan trọng của Nghị viện, Quốc hội các nước thông qua việc xây dựng luật pháp để triển khai thi hành trong thực tế.

* Trước đó cùng ngày, bên lề Hội nghị MSEAP 3, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Belarus Vladimir Andrei. Chủ tịch Quốc hội mong muốn hai bên tiếp tục tăng cường hợp tác kinh tế - thương mại song phương; đặc biệt là triển khai hiệu quả Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Kinh tế Á - Âu, tranh thủ tối đa những lợi thế mà hiệp định đem lại để mở rộng hợp tác giữa hai nước.

* Cùng ngày, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã hội kiến Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Moon Hee Sang. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân mong muốn Quốc hội hai nước phối hợp chặt chẽ hơn nữa, thúc đẩy quan hệ hai Nhà nước, nhân dân hai nước; tăng cường phối hợp, ủng hộ lẫn nhau trên các diễn đàn liên nghị viện khu vực và thế giới.

* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã hội kiến với Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Kazakhstan.

* Chiều tối 8-10 (giờ địa phương), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến với Chủ tịch Duma Quốc gia (Hạ viện) Liên bang Nga Vyacheslav Volodin. Nhất trí với đề xuất từ Duma Quốc gia Liên bang Nga thành lập Ủy ban Liên nghị viện cấp cao Việt Nam - Nga, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị, hai bên sẽ trao đổi thêm về nội dung này trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Chủ tịch Duma Quốc gia Nga vào cuối năm nay.

* Tối 9-10, Hội nghị MSEAP 3 đã bế mạc và chính thức thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Antalya, bao gồm 17 điểm. Tuyên bố ghi nhận vai trò của các nghị viện trong việc tạo dựng không khí trao đổi thẳng thắn về các vấn đề; cùng trao đổi quan điểm về các biện pháp thúc đẩy ngoại giao nghị viện, góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng tại khu vực Á - Âu.

Tuyên bố khẳng định cam kết đẩy mạnh các nỗ lực chung về hỗ trợ lập pháp và tìm kiếm các khả năng mở rộng tăng cường quan hệ đối tác ở khu vực Á - Âu vì một tương lai chung, tăng trưởng bao trùm, bền vững, thịnh vượng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Việt Nam sẵn sàng ủng hộ hoạt động hợp tác với các nghị viện Á – Âu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.