Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cẩn trọng với nấm dại

Sa Chi| 16/04/2018 07:11

(HNM) - Nấm, bình thường là một loại thức ăn giàu chất dinh dưỡng và được sử dụng khá phổ biến trong các bữa ăn gia đình. Thế nhưng, không phải loại nấm nào cũng có thể dùng làm thực phẩm, nhất là những loại nấm mọc trong tự nhiên (nấm dại).


Ngay trong đầu tháng này, theo Trung tâm Chống độc (Bệnh viện Bạch Mai), một gia đình ở thôn Khâu Mèng (xã Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang) có 3 người tử vong và 1 người nguy kịch sau khi ăn phải nấm độc. Bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trung tâm Chống độc cho biết, loại nấm mà 4 người trong gia đình này ăn phải là loại nấm gây ngộ độc chậm. Đây là loại nguy hiểm, thường gây chết người sau khi ăn chỉ 1 mũ nấm.

Tháng 4, tháng 5 hằng năm là lúc thời tiết khá thuận lợi cho các loại nấm rừng mọc. Nhiều người dân chủ quan cho rằng, chỉ cần dựa vào kinh nghiệm bản thân, hoặc nhìn các loại nấm “nếu côn trùng ăn được thì người ăn sẽ không ngộ độc”. Song trên thực tế, các bác sĩ Trung tâm Chống độc đã từng cấp cứu cho bệnh nhân bị ngộ độc nấm, dù nấm đó đã bị kiến đục khoét và côn trùng khác ăn.

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Trung Nguyên, Phụ trách Trung tâm Chống độc cho rằng, rất khó có thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc. Trong khi đó, nấm dại có rất nhiều chủng loại, nhiều loại có giá trị dinh dưỡng cao, mùi vị thơm ngon; có loại còn được dùng như là “thần dược”.

Tuy nhiên, cũng có không ít loài nấm dại chứa độc tố gây chết người nếu ăn phải. Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loài nấm, trong đó có khoảng 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người. Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém và tỷ lệ tử vong rất cao (trên 50%).

Vì vậy, người dân chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, rõ nguồn gốc xuất xứ để không bị ngộ độc. Với nấm trồng cũng nên nấu ăn ngay khi mới thu hoạch, nếu để ôi, dập nát có thể hình thành độc tố và gây ngộ độc. Các loài nấm độc, ngay cả sau khi đun nấu ở nhiệt độ rất cao, độc tố vẫn không bị phá hủy.

Trong trường hợp không may ăn phải nấm nghi độc, nên gây nôn bằng cách lấy bàn chải chà sâu bề mặt lưỡi, sau đó đưa nạn nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cẩn trọng với nấm dại

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.