Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động ứng phó ảnh hưởng thời tiết mùa đông xuân

Kim Nhuệ - Thu Trang| 30/10/2018 06:29

(HNM) - Thời tiết mùa đông xuân 2018-2019 được dự báo có nhiều yếu tố tiềm ẩn nguy cơ phát sinh dịch bệnh, gia tăng khả năng thiếu hụt nguồn nước...

Ngành Nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019.Ảnh: Bá Hoạt


Tiềm ẩn nhiều nguy cơ

Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho biết trong tháng 11, các tỉnh, thành phố miền Bắc có khả năng chịu ảnh hưởng 3-4 đợt không khí lạnh nhưng chưa xuất hiện rét đậm (13-15 độ C), rét hại (dưới 13 độ C). Đến nửa cuối tháng 12-2018, miền Bắc xuất hiện đợt rét đậm, rét hại đầu tiên nhưng thời gian không kéo dài. Sang tháng 1 và 2-2019, miền Bắc xuất hiện đợt rét đậm, rét hại, mỗi đợt kéo dài từ 4 đến 7 ngày. So với trung bình nhiều năm nhiệt độ mùa đông xuân 2018-2019 ở miền Bắc vào các tháng 11-2018, tháng 3 và 4-2019 có khả năng cao hơn khoảng 1 độ C; tháng 12-2018 ở mức xấp xỉ cùng kỳ; tháng 1 và 2-2019 cao hơn 0,5 độ C.

Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia nhận định, mùa mưa năm 2018 sẽ kết thúc sớm hơn so với trung bình nhiều năm. Đối với khu vực Bắc Bộ, tổng lượng mưa trong tháng 11 và 12-2018 phổ biến ở mức xấp xỉ so với trung bình nhiều năm; từ tháng 1 đến tháng 4-2019 phổ biến thấp hơn từ 10 đến 25%.

Đối với khu vực Trung Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ, tổng lượng mưa từ tháng 11-2018 đến tháng 4-2019 phổ biến ở mức thấp hơn trung bình nhiều năm từ 20% đến 50%. Lưu lượng dòng chảy sông suối ở khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên thấp hơn từ 10% đến 30%, khu vực Nam Trung Bộ thấp hơn từ 30% đến 60%.

Với nhận định trên, ngành Nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất vụ đông xuân 2018-2019. Đặc biệt, các hồ chứa thủy lợi khu vực Bắc Bộ, Tây Nguyên và các tỉnh: Thanh Hóa, Nghệ An hiện nay chỉ đạt mức hơn 80% dung tích thiết kế. Các khu vực còn lại, dung tích hồ chứa chỉ đạt 10%-40% (như Quảng Trị 22%, Thừa Thiên - Huế 18%, Quảng Ngãi 22%, Bình Định 13%…)…

Còn theo Bộ Y tế, mùa đông xuân là khoảng thời gian thuận lợi cho các loại vi rút gây bệnh sinh sôi, phát triển, tồn tại lâu hơn trong môi trường, làm tăng nguy cơ mắc bệnh ở người và lây lan trong cộng đồng. Dự báo mùa đông xuân 2018-2019, đặc biệt là thời gian Tết và dịp lễ hội đầu năm, dịch bệnh sẽ có nguy cơ bùng phát và diễn biến phức tạp.

Chủ động ứng phó

Tiêm phòng đầy đủ là cách phòng dịch bệnh hiệu quả.Ảnh: Thái Hiền


Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, thời điểm hiện tại, diễn biến dịch bệnh không có nhiều bất thường so với cùng kỳ năm ngoái, số ca mắc tay chân miệng thấp hơn 20%, sốt xuất huyết thấp hơn khoảng 55%, số ca sởi cũng thấp hơn. Tuy nhiên, bước vào mùa đông xuân, thời tiết lạnh, độ ẩm cao là cơ hội thuận lợi cho các loại bệnh kể trên phát triển. Bên cạnh đó, thời điểm cuối năm, tình trạng kinh doanh, buôn bán, giết mổ, nhập lậu gia súc, gia cầm gia tăng kéo theo một số dịch bệnh liên quan đến an toàn thực phẩm như: Liên cầu khuẩn lợn, tiêu chảy, cúm gia cầm…

Chính vì vậy, người dân cần "nói không" với các loại thực phẩm không vệ sinh, nên ăn những thực phẩm đã được nấu chín. “Người dân cần giữ gìn vệ sinh ăn uống, vệ sinh thân thể, vệ sinh môi trường và tiêm phòng đầy đủ cho trẻ để phòng bệnh. Tiêm phòng là biện pháp phòng bệnh rẻ tiền hơn rất nhiều nếu để mắc bệnh. Bởi một ca biến chứng nặng phải thở máy thì chi phí điều trị có thể lên đến khoảng nửa tỷ đồng” - ông Trần Đắc Phu chia sẻ.

Với tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, trong phòng, chống dịch bệnh mùa đông xuân năm nay, thành phố đặc biệt lưu ý đến bệnh sởi, tay chân miệng và sốt xuất huyết. Từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn thành phố ghi nhận hơn 1.600 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gần 1.800 trường hợp mắc tay chân miệng, hơn 400 trường hợp mắc sởi. Số ca mắc 3 dịch bệnh này phân bố rải rác tại 30 quận, huyện, thị xã và chưa ghi nhận trường hợp tử vong nào. Hiện TP Hà Nội vẫn đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, nhưng không vì thế mà chủ quan.

Cùng với các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, ngay tại thời điểm này, Sở Y tế Hà Nội đã chỉ đạo các đơn vị rà soát, chuẩn bị đầy đủ các trang thiết bị, dự phòng thuốc men phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Ông Nguyễn Khắc Hiền, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các bệnh viện thực hiện tốt công tác kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm chéo. Các bệnh viện cần tổ chức khám phân loại, cách ly kịp thời các ca bệnh truyền nhiễm, nâng cao công tác chống nhiễm khuẩn, chú trọng giảm tải bệnh viện. Trong thu dung, điều trị, với những trường hợp bệnh nhẹ cần cho theo dõi tại nhà, hẹn tái khám hằng ngày. Nếu bệnh nhẹ mà cho nhập viện ồ ạt, nguy cơ lây nhiễm chéo rất cao.

Đối với ngành Nông nghiệp, để bảo đảm đủ nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và bảo vệ cây trồng, vật nuôi trong vụ đông xuân, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho biết, Bộ đã chỉ đạo các địa phương xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng thiếu hụt. Cùng với đó, các địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng với những diện tích thiếu nước; đồng thời sử dụng các giống cây thích ứng với điều kiện hạn hán, xâm nhập mặn. Một trong những giải pháp quan trọng là theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để kịp thời phòng, chống rét cho cây trồng, vật nuôi, như: Dừng việc gieo mạ và cấy lúa vào những ngày nhiệt độ xuống thấp dưới 15 độ C; che phủ ni lông, tro rơm rạ hoai mục và giữ nước để giữ ấm chân mạ.

Chủ động dự trữ thức ăn, che chắn chuồng trại, không thả rông hoặc bắt trâu, bò làm việc vào những ngày nhiệt độ dưới 12 độ C, đồng thời bổ sung chất khoáng, vitamin và nước uống ấm để tăng cường sức khỏe cho đàn vật nuôi, không để gia súc bị chết do đói, rét và dịch bệnh...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động ứng phó ảnh hưởng thời tiết mùa đông xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.