Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dịp Tết Nguyên đán: Đề phòng tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ

Thu Trang| 28/01/2019 07:30

(HNM) - Vào những ngày giáp Tết, bố mẹ thường bận rộn, không có thời gian giám sát con khiến trẻ dễ gặp phải các tai nạn trong sinh hoạt như: Hóc dị vật, uống nhầm thuốc, ngã, bỏng, điện giật…


Đủ mối nguy cơ…

Trong một tuần gần đây, Khoa Khám bệnh (Bệnh viện Mắt trung ương) đã tiếp nhận khoảng 10 trường hợp trẻ gặp các tai nạn về mắt. Bác sĩ Hoàng Cương, Khoa Khám bệnh của bệnh viện cho biết, càng đến thời điểm giáp Tết, trẻ bị tai nạn về mắt nhập viện càng tăng lên. Nguyên nhân do bố mẹ bận rộn chuẩn bị lo Tết nên ít thời gian quan tâm, để ý đến con. Thậm chí, ở những vùng nông thôn, trẻ thường tự do chơi đùa, nghĩ ra nhiều trò chơi nguy hiểm mà thiếu sự giám sát của người lớn.

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) khám cho 1 trong 3 trẻ bị ngộ độc sau khi uống nhầm thuốc.


Đơn cử như trường hợp của bé gái Nông Kim O. (5 tuổi ở huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn) khi đang chơi đùa với bạn đã bị ngã vào bụi tre, mắt bị thương tích và chảy nhiều máu. Do được cấp cứu kịp thời nên tổn thương mắt của bé không quá nghiêm trọng.

Trước đó, tại Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) đã tiếp nhận 3 cháu bé (từ 3 đến 4 tuổi ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội) trong cùng một gia đình nhập viện với tình trạng hôn mê vì uống nhầm thuốc điều trị bệnh rối loạn thần kinh của bố.

Chị Nguyễn Thị Nh. là mẹ của 2 trong 3 bé (một bé khác là cháu họ của chị Nh.) cho biết, sau khi phát hiện triệu chứng các cháu ngủ lịm, mê man không biết gì, gia đình đã đưa ngay đến bệnh viện. Các cháu đã được rửa dạ dày, uống than hoạt tính và sử dụng thuốc để đào thải loại chất gây ngộ độc qua đường nước tiểu.

Theo bác sĩ Phan Thị Hiền, Khoa Nội soi (Bệnh viện Nhi trung ương), năm nào tại đây cũng tiếp nhận không ít trẻ (từ 1 đến 3 tuổi) nhập viện do hóc các dị vật như: Mẩu nhựa, cúc áo, hạt vòng… Thậm chí, ngày Tết trẻ dễ tiếp xúc với các loại hạt như: Dẻ cười, hướng dương, hạt bí… Khi không có sự giám sát của người lớn, trẻ ở lứa tuổi từ 1 đến 3 thường hiếu động, tò mò và hay có thói quen đưa vật lạ vào miệng ngậm, có thể dẫn tới hóc dị vật. Nếu cha mẹ không biết cách xử trí, trẻ dễ bị ngạt thở và tử vong nhanh chóng. Một loại dị vật đặc biệt nguy hiểm trong ngày Tết mà mọi nhà cần cảnh giác, đó là món thạch, trẻ rất ưa thích nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ bị sặc, hóc. Khi bị hóc thạch dễ gây nguy cơ tử vong cao do tắc nghẽn đường thở.

Không chỉ gặp các tai nạn thương tích, ngày Tết trẻ còn có nguy cơ bị điện giật. PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng, nguyên Trưởng khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, để chuẩn bị đón Tết, các gia đình hay trang trí nhà cửa bằng các loại dây đèn nhấp nháy nhiều màu trên cành đào, cành mai; hoặc những ổ cắm điện lộ thiên rất dễ gây nguy hiểm đối với trẻ nhỏ…

Phòng tránh như thế nào?

Bác sĩ Ngô Anh Vinh, Khoa Cấp cứu - Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cảnh báo, việc uống nhầm thuốc hoặc uống thuốc quá liều không chỉ trẻ nhỏ mà ngay cả người lớn cũng có thể gây ra tình trạng ngộ độc. Với trẻ nhỏ, do cơ thể đang phát triển nên việc uống nhầm thuốc có thể gây ảnh hưởng nặng nề đến hệ thần kinh nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Thậm chí, nhiều gia đình có thói quen đựng các loại hóa chất, xăng, dầu, chất tẩy rửa… vào vỏ chai nước giải khát khiến trẻ dễ uống phải do nhầm lẫn, gây nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, các gia đình cần quản lý tốt các loại thuốc, để xa tầm tay trẻ và tuyệt đối không tái sử dụng vỏ chai nước giải khát để đựng hóa chất.

Đề cập đến tai nạn do hóc dị vật, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng khuyến cáo, khi hóc dị vật đường thở sẽ dẫn đến ngưng tim, ngưng thở. Trong vòng 3-4 phút, trẻ sẽ bị chết não và quá 10 phút không thể cứu chữa. Do đó, khi phát hiện trẻ hóc dị vật, ngay lập tức cho trẻ nằm sấp dọc trên một tay của người lớn (nếu trẻ nặng thì đặt lên chân), giữ cổ thẳng, để đầu chúc xuống, vỗ giữa lưng (chỗ giữa 2 xương bả vai) khoảng 5 cái để tạo áp lực lồng ngực, kích thích ho nhằm đẩy dị vật ra ngoài.

Còn khi trẻ ngưng thở, cần hô hấp nhân tạo liên tục kể cả trên đường đến bệnh viện. Tuyệt đối không dùng tay móc dị vật trong miệng vì có thể đẩy dị vật vào sâu hơn, thậm chí khiến trẻ ngừng thở ngay lập tức. Không được đặt trẻ nằm ngửa, vuốt xuôi ngực vì dị vật sẽ rơi vào sâu hơn, thậm chí vào phổi.

Tai nạn thương tích là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong và di chứng tàn tật suốt đời cho trẻ. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn thương tích ở trẻ nhưng sâu xa là do sự bất cẩn của người lớn. Dù trong môi trường gia đình, trẻ vẫn có thể gặp những nguy cơ xảy ra tai nạn.

Do đó, trong việc phòng chống tai nạn thương tích, vai trò của các bậc phụ huynh và người chăm sóc trẻ rất quan trọng. Cha mẹ và người lớn cần có sự quan tâm, chăm sóc, tạo ra một không gian vui chơi an toàn cho trẻ, nhất là với trẻ nhỏ dưới 6 tuổi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dịp Tết Nguyên đán: Đề phòng tai nạn thương tích ở trẻ nhỏ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.