Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển thị trường thực phẩm an toàn

Hiền Thanh| 30/07/2019 07:44

(HNM) - Theo Sở Công Thương Hà Nội, từ đầu năm 2019 đến nay, nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm trên địa bàn đã được xử lý nhờ sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Hà Nội kiểm tra tại một cơ sở trên địa bàn huyện Đông Anh.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết: Thanh tra Sở đã thanh - kiểm tra 31 doanh nghiệp, qua đó xử lý hành chính 311,5 triệu đồng đối với 20 doanh nghiệp vi phạm. Sở còn cử cán bộ tham gia 3 đoàn liên ngành thành phố kiểm tra tại 22 quận, huyện, thị xã, kiến nghị xử lý nghiêm vi phạm về an toàn thực phẩm... nhằm bảo đảm sức khỏe, quyền lợi người tiêu dùng.

Ông Chu Xuân Kiên, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo thành phố Hà Nội chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho biết, qua các đợt kiểm tra an toàn thực phẩm trên địa bàn thành phố cho thấy, nhận thức của người dân, ý thức chấp hành các quy định về an toàn thực phẩm của các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã được nâng lên. Song, tình trạng vi phạm vẫn diễn ra khá phổ biến. Đặc biệt, các sản phẩm thực phẩm làm giả với các thủ đoạn ngày càng tinh vi, không dễ nhận biết… Trong khi đó, công tác giám định mẫu thực phẩm còn hạn chế, ý thức tố cáo thực phẩm kém chất lượng của người tiêu dùng chưa cao…

Chia sẻ lo ngại trước tình trạng vi phạm an toàn thực phẩm ngày càng diễn biến phức tạp, ông Phạm Hồng - Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng thành phố Hà Nội cho rằng, quyền được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe khi sử dụng hàng hóa, dịch vụ của người tiêu dùng đã, đang bị xâm hại, gây thách thức nghiêm trọng...

Để xây dựng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn, bà Trần Thị Phương Lan cho biết, Sở Công Thương đã, đang tích cực triển khai chính sách tư vấn hỗ trợ các quận, huyện, doanh nghiệp xây dựng mô hình thí điểm chợ bảo đảm an toàn thực phẩm và chuỗi cửa hàng, cơ sở kinh doanh bảo đảm an toàn thực phẩm; áp dụng rộng rãi mô hình khép kín theo chuỗi thực phẩm an toàn, minh bạch thông tin để người tiêu dùng dễ truy xuất nguồn gốc, tạo niềm tin cho người tiêu dùng. Sở cũng đang tăng cường kiểm tra, giám sát an toàn thực phẩm tại các chợ truyền thống...

Ông Chu Xuân Kiên khẳng định, thời gian tới, Cục Quản lý thị trường tiếp tục chỉ đạo các đội quản lý thị trường vận động nhân dân tham gia giám sát, phát hiện những cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn để kịp thời xử lý theo quy định; chủ động làm tốt việc quản lý địa bàn, phối hợp với các ngành chức năng tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm việc vận chuyển, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh các mặt hàng thực phẩm...

Sở Công Thương Hà Nội đang xây dựng Đề án thí điểm quản lý an toàn thực phẩm tại chợ dân sinh giai đoạn 2019-2022. Trong đó, thành phố dự kiến đến năm 2022 có 100% các chợ hạng 1, hạng 2 và chợ xây dựng mới tại các quận nội thành có quy hoạch khu bán thực phẩm an toàn; mỗi chợ có ít nhất 30% số cơ sở kinh doanh đăng ký bán hàng trong khu vực này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển thị trường thực phẩm an toàn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.