Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt kiểm tra chất lượng bánh trung thu

Xuân Lộc| 09/08/2019 07:19

(HNM) - Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới đến Tết Trung thu 2019, nhưng vào thời điểm này, thị trường bánh trung thu đã rất sôi động. Do việc sản xuất, kinh doanh mặt hàng này chỉ mang tính thời vụ nên vấn đề bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm là điều đáng lo ngại. Hiện các đoàn kiểm tra liên ngành từ thành phố đến địa phương đã lên kế hoạch thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm của Sở Y tế Hà Nội kiểm tra một cơ sở sản xuất bánh trung thu trên địa bàn thành phố.

Nỗi lo nguồn gốc, xuất xứ

Theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới tại các siêu thị, cửa hàng bánh kẹo, ngoài vỉa hè, đường phố có đủ loại bánh trung thu được chào bán. Nếu như trước kia chỉ có bánh dẻo và bánh nướng nhân thập cẩm truyền thống thì bây giờ, nhân bánh rất đa dạng, như: Gà quay, lạp xưởng, bào ngư, đến hạt sen, sữa dừa, rau câu, trà xanh… và cả bánh cho người ăn kiêng.

Với thị trường bánh trung thu đa dạng, phong phú như hiện nay thì vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm cần được cảnh giác cao độ. Bởi bên cạnh những thương hiệu uy tín lâu năm, thị trường bánh trung thu cũng xuất hiện nhiều loại giá rẻ, siêu rẻ…

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, nguyên cán bộ Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội lưu ý, người tiêu dùng phải rất thận trọng khi trên thị trường có quá nhiều sản phẩm bánh trung thu trôi nổi không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Đặc biệt, với những chiếc bánh rẻ tiền, có giá chỉ 2.000-5.000 đồng sẽ tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ về an toàn vệ sinh thực phẩm.

Nguy cơ đầu tiên theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, đó là bánh giá rẻ chắc chắn nguyên liệu sử dụng cũng phải rẻ. Đối với bánh trung thu, nếu nhà sản xuất sử dụng màu thực phẩm được Bộ Y tế cấp phép thì sẽ không ảnh hưởng gì.

Tuy nhiên, nếu ăn phải bánh sử dụng màu công nghiệp, không có trong danh mục được Bộ Y tế cấp phép thì rất nguy hiểm cho sức khỏe. Chưa kể, với đặc thù bánh trung thu rất dễ bị ẩm, mốc nên nhà sản xuất sẽ bổ sung thêm chất bảo quản. Việc sử dụng chất bảo quản nếu vượt quá phạm vi cho phép cũng gây ra những hậu quả không nhỏ với sức khỏe người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, phong trào tự làm bánh (bánh handmade) ngày càng nở rộ cũng tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho sức khỏe. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh cảnh báo, bánh trung thu handmade hạn sử dụng ngắn nên khả năng có các hóa chất độc hại (như: Chất bảo quản, chất bảo vệ thực vật…) có thể không cao nhưng do quy trình làm thủ công nên vẫn có thể xuất hiện nguy cơ ô nhiễm vi sinh vật gây bệnh (nấm mốc, nấm men, tụ cầu, tả, lỵ, thương hàn, ký sinh trùng...).

Khi mua bất kể loại hàng hóa nào, đặc biệt là thực phẩm ăn trực tiếp, như bánh trung thu thì quan trọng nhất là nhãn mác và thành phần sản phẩm. Nếu nhà sản xuất không đưa các thông tin đó lên bao bì sản phẩm thì tuyệt đối không mua. Bởi sử dụng những sản phẩm như vậy, chúng ta không biết trong chiếc bánh có những gì, được làm như thế nào, có an toàn không?

Tăng cường thanh tra, kiểm tra

Không chỉ bánh trung thu, ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho rằng, vào dịp Tết Trung thu, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, nước giải khát tăng đột biến. Nếu không quản lý tốt, nguy cơ xuất hiện các loại sản phẩm không bảo đảm an toàn, hàng giả, sản phẩm không nguồn gốc, xuất xứ, trà trộn, lưu thông trên thị trường, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người tiêu dùng.

Cục An toàn thực phẩm đã có văn bản đề nghị các cơ quan quản lý ở các địa phương bắt tay ngay vào việc xây dựng kế hoạch tăng cường thanh tra, kiểm tra những nơi cung cấp thực phẩm, chợ đầu mối, siêu thị, cơ sở nhập khẩu nguyên liệu, thực phẩm phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết Trung thu năm 2019. Cục An toàn thực phẩm đề nghị cơ quan chức năng các địa phương qua kiểm tra phải xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm.

Mặt khác, yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về kiểm soát nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, điều kiện vệ sinh cơ sở, trang thiết bị phục vụ sản xuất, kinh doanh bánh trung thu.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, do mặt hàng bánh trung thu chỉ mang tính thời vụ, hoạt động sản xuất và tiêu thụ diễn ra trong khoảng thời gian ngắn nên đòi hỏi việc kiểm soát an toàn thực phẩm luôn được đặt lên hàng đầu.

Thành phố sẽ tăng cường công tác kiểm tra, hậu kiểm an toàn thực phẩm đối với mặt hàng bánh trung thu, thông qua việc lấy mẫu bánh lưu thông trên thị trường, gửi các đơn vị kiểm nghiệm các chỉ tiêu chất lượng và chỉ tiêu an toàn theo các quy chuẩn và tiêu chuẩn tương ứng.

Đặc biệt, thành phố sẽ chú ý kiểm tra các loại bánh trung thu được sản xuất theo phương thức cổ truyền, bánh trung thu handmade không công bố chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Ngoài ra, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội cũng cho biết, Chi cục sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan và các quận, huyện, thị xã tăng cường kiểm tra các cửa hàng kinh doanh trên vỉa hè.

Đặc biệt, đợt kiểm tra này sẽ tập trung vào các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh phụ gia thực phẩm, các nguyên liệu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm bánh trung thu. Nội dung kiểm tra chủ yếu gồm: Xuất xứ phụ gia thực phẩm, nguyên liệu để sản xuất bánh trung thu (vỏ bánh và nhân bánh); kiểm tra điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm với sản phẩm bánh trung thu, lấy mẫu giám định chất lượng. Khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt kiểm tra chất lượng bánh trung thu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.