Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại Hà Nội: Nhiều tồn tại cần khắc phục

Bảo Nga - Hoàng Minh| 20/08/2019 06:43

(HNM) - Sau gần 2 năm thí điểm, đến nay Hà Nội đã, đang xây dựng và duy trì được 14 tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát. Mô hình này không chỉ góp phần thay đổi thói quen kinh doanh, ăn uống mà còn hình thành nét văn minh mới trong thương mại. Tuy nhiên, để những tuyến phố an toàn thực phẩm phát huy tối đa hiệu quả, vẫn còn những tồn tại cần được chấn chỉnh kịp thời.

Các chủ cơ sở kinh doanh có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm các tiêu chí của tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát.

Những hình ảnh chưa đẹp

Kể từ khi được công nhận là tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, ý thức chấp hành quy định liên quan đến an toàn thực phẩm của các cơ sở kinh doanh tại tuyến phố Duy Tân, phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) được nâng lên rõ rệt. Song, vào giờ cao điểm buổi trưa, tuyến phố này vẫn diễn ra tình trạng phương tiện đỗ lộn xộn dưới lòng đường, gây cản trở giao thông...

Tại phố Thượng Đình (quận Thanh Xuân), theo khảo sát của phóng viên Báo Hànộimới vào chiều 16-8, vỉa hè trước một số cơ sở ăn uống bày la liệt bàn, ghế, bảng quảng cáo; xe máy, ô tô của thực khách đỗ tràn lan. Đáng nói, tình trạng chào mời, chèo kéo khách, xả rác ra vỉa hè, gốc cây, cống thoát nước... vẫn diễn ra. Còn tại phố Nguyễn Văn Lộc, phường Mộ Lao (quận Hà Đông) lòng đường, vỉa hè cũng bị lạm dụng thành điểm đỗ xe cho thực khách. Đặc biệt, vào buổi chiều, tối, một số cơ sở kinh doanh còn ngang nhiên bày bàn ghế kín cả vỉa hè...

Tại các phố như Tống Duy Tân và Cấm Chỉ, phường Hàng Bông (quận Hoàn Kiếm), phần lớn cơ sở kinh doanh đều tận dụng tối đa lòng, lề đường để bày bàn ghế, dựng bảng quảng cáo; tình trạng xả rác bừa bãi ra hè, đường sau mỗi buổi bán hàng… diễn ra như cơm bữa.

Nguyên do của tình trạng trên là hầu hết các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đều không có điểm trông giữ xe, vỉa hè chật hẹp nên khách hàng phải để xe trên vỉa hè hoặc ngay dưới lòng đường. Một số tuyến phố kinh doanh buổi tối và đêm nên công tác kiểm tra, quản lý của chính quyền sở tại và cơ quan chức năng chưa kịp thời. Bên cạnh đó, ý thức chấp hành các quy định về vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế nên vẫn xảy ra tình trạng đổ rác không đúng giờ, không đúng nơi quy định, gây ô nhiễm môi trường và làm mất mỹ quan đô thị.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Quán cà phê tại tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát (Thượng Đình, quận Thanh Xuân) bày bàn ghế chiếm dụng vỉa hè.

Thừa nhận thực trạng trên, ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội đánh giá: Sau gần 2 năm triển khai thí điểm mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát, hiện vẫn còn một số tồn tại như tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường để đỗ xe, bày bàn ghế bán hàng và xả rác không đúng nơi quy định.

Trao đổi với phóng viên về những tồn tại ở phố Duy Tân, bà Trần Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND phường Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) cho biết: Thời gian đầu triển khai mô hình, UBND phường gặp không ít khó khăn do một số chủ cơ sở kinh doanh cố tình chế biến, bày bán thực phẩm trên vỉa hè, hoặc cạnh rãnh thoát nước. Lực lượng chức năng của quận, phường đã nhiều lần kiểm tra, nhắc nhở và xử lý các trường hợp vi phạm nhưng sau đó, vi phạm tái diễn…

Còn ông Phạm Thanh Nam, Chủ tịch UBND phường Thượng Đình (quận Thanh Xuân) cho hay: Hầu hết các cơ sở kinh doanh trên tuyến phố Thượng Đình đều bán hàng vào buổi tối và đêm, khách rất đông trong khi các cơ sở không có đủ chỗ để xe cho thực khách nên đã xảy ra tình trạng để xe dưới lòng đường. Nhiều chủ cơ sở không thường xuyên có mặt tại nơi kinh doanh, bất hợp tác với chính quyền, ảnh hưởng đến việc kiểm tra, xử lý vi phạm.

Nói về giải pháp khắc phục những tồn tại kể trên, ông Trần Ngọc Tụ cho biết: Bên cạnh việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhắc nhở, vận động, ký cam kết với các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm các quy định về an toàn thực phẩm, không lấn chiếm vỉa hè, lòng đường, chính quyền các địa phương - nơi triển khai thí điểm mô hình tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát cần tăng cường kiểm tra, xử lý dứt điểm vi phạm. Trường hợp chủ cơ sở để khách vi phạm hoặc chủ cửa hàng lấn chiếm hè, đường sẽ phạt nặng chủ cơ sở và nêu tên trên hệ thống loa truyền thanh phường. Riêng việc xả rác ra môi trường, các địa phương cần kiểm tra và xử lý nghiêm theo quy định để răn đe, đồng thời đặt thêm thùng rác, lắp camera giám sát... nhằm kịp thời phát hiện, xử lý các cơ sở kinh doanh cố tình vi phạm. Còn theo ông Phạm Thanh Nam, để xử lý dứt điểm việc chiếm vỉa hè, lòng đường tại những tuyến phố ẩm thực, giải pháp căn cơ nhất là phải bố trí được điểm trông giữ phương tiện.

Thực tế nêu trên cho thấy, để tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát đang hoạt động đi vào nền nếp, đề nghị chủ cơ sở kinh doanh và cơ quan chức năng tìm quỹ đất phù hợp để sắp xếp điểm trông giữ xe; còn với những điểm đang và sẽ thành lập, chỉ khi đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh môi trường, trật tự đô thị thì mới được phép hoạt động... Hy vọng, với những giải pháp kể trên, các tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát sẽ đi vào quy củ, thực sự là những tuyến phố "an toàn" và được 'kiểm soát" tốt về mọi mặt.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tuyến phố an toàn thực phẩm có kiểm soát tại Hà Nội: Nhiều tồn tại cần khắc phục

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.