Theo dõi Báo Hànộimới trên

Dẹp nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

Xuân Lộc| 27/09/2019 07:12

(HNM) - Thời gian qua, Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt nhiều vi phạm trong quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng. Tuy nhiên, trên một số website, nhiều sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo sai sự thật với công dụng trị bách bệnh vẫn tái diễn. Để giúp người tiêu dùng tránh “tiền mất, tật mang”, cơ quan chức năng phải mạnh tay hơn nữa xử lý các sai phạm.

Tại các quầy thuốc, thực phẩm chức năng phải được ghi rõ sản phẩm này không phải là thuốc. Ảnh: Trang Thu

Sai phạm ngày càng tăng

Từ đầu năm 2000, thực phẩm chức năng bắt đầu xuất hiện tại nước ta. Chỉ sau gần 20 năm, hiện đã có gần 4.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe. Cùng với sự phát triển này, số doanh nghiệp bị xử phạt do sai phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng cũng ngày càng tăng. Nếu như trong năm 2016, số tiền xử phạt các đơn vị vi phạm là 5,7 tỷ đồng, thì đến 9 tháng của năm 2019, cả nước đã xử phạt với số tiền hơn 46 tỷ đồng, trong đó Cục An toàn thực phẩm xử phạt hơn 3,1 tỷ đồng.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, việc xử lý sai phạm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm chức năng thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc quảng cáo khi chưa được cơ quan quản lý có thẩm quyền xác nhận nội dung trước khi thực hiện quảng cáo; quảng cáo thực phẩm chức năng gây hiểu nhầm như thuốc chữa bệnh; quảng cáo công dụng không đúng với hồ sơ đã công bố.

Mới đây, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên một số website như: Ksol.vn quảng cáo sản phẩm thực phẩm chức năng Ksol, Viensui-rockman.com quảng cáo sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Rockman; Duocphamhocvienquany.com hay Fucommin-nano.net quảng cáo sản phẩm Nano Fucomin vi phạm quy định, quảng cáo quá mức công dụng của sản phẩm. Thậm chí, các trang web này còn sử dụng hình của bác sĩ và cơ sở y tế để quảng cáo thực phẩm gây hiểu nhầm các sản phẩm này là thuốc chữa bệnh, lừa dối người tiêu dùng. Hiện Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý.

Đề cập đến thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, đây là những hành vi bất chấp luân thường đạo lý. Chẳng hạn, với những bệnh nhân mắc bệnh ung thư nếu phát hiện sớm, tuân thủ điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, tiến hành phẫu thuật hoặc xạ trị thì có thể khỏi bệnh hoặc ít nhất cũng kéo dài cuộc sống. Vì tin vào quảng cáo thực phẩm chức năng có thể chữa được bách bệnh nên mua về dùng thay vì phải đến bệnh viện. Thế nhưng, khi dùng thực phẩm chức năng không khỏi, quay lại bệnh viện thì bệnh đã ở giai đoạn muộn, can thiệp cũng không còn hiệu quả cao.

Tăng cường phối hợp quản lý

Cùng với sai phạm về quảng cáo, một số thực phẩm chức năng còn được đặt tên trùng với các sản phẩm thuốc gây hiểu nhầm cho người tiêu dùng. Vậy làm thế nào để xử lý tận gốc thực trạng trên?

Về vấn đề này, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng, về nguyên tắc của một sản phẩm khi đặt tên phải có tra cứu nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ). Tuy nhiên, các sản phẩm “nhái” thì không thông qua quy trình này. Do đó, người tiêu dùng cần cẩn thận với các sản phẩm thực phẩm chức năng “nhái” tên thuốc, dễ gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh. “Thực phẩm chức năng không thay thế được thuốc. Việc sử dụng thuốc phải có chỉ định của bác sĩ, đúng phác đồ điều trị, đúng liều lượng. Còn thực phẩm chức năng chỉ có tác dụng nâng cao thể trạng, nâng cao sức đề kháng, hỗ trợ việc điều trị bệnh”, dược sĩ Nguyễn Xuân Hoàng khuyến cáo.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, đối với các trang báo chính thống, việc thực hiện quảng cáo thực phẩm chức năng rất nghiêm túc. Song, hiện việc quản lý quảng cáo thực phẩm chức năng trên một số trang mạng xã hội, website còn rất khó khăn, không phụ thuộc vào riêng Bộ Y tế. Chúng tôi đang tích cực phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương và các cơ quan chức năng khác để xử lý tình trạng này. Từ đó, quản lý chặt chẽ hơn nội dung quảng cáo, tiến tới ngăn chặn tình trạng quảng cáo sai sự thật, hỗ trợ cho thị trường thực phẩm chức năng phát triển đúng hướng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, việc xử lý sai phạm liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng hiện đang áp dụng Nghị định số 115/2018/NĐ-CP, ngày 4-9-2018 quy định xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm (thay thế Nghị định 178 trước đây), ngoài phạt tiền còn áp dụng các hình phạt bổ sung như rút giấy phép, thu hồi sản phẩm vi phạm và đặc biệt là công bố công khai các vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng. Và thực tiễn cho thấy, hình thức xử phạt này đã có tác dụng răn đe hơn.

“Cùng với sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng, người dân không nên mua, không sử dụng các sản phẩm thực phẩm chức năng quảng cáo có hình ảnh, danh nghĩa của cơ quan y tế, của các y, bác sĩ; không sử dụng các sản phẩm quảng cáo chữa dứt điểm bệnh... Đây là những quảng cáo sai sự thật”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Dẹp nạn quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.