Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cung cấp nước sạch

Hà Phạm| 11/11/2019 08:28

(HNM) - Ngành Nước thành phố Hồ Chí Minh phấn đấu đến hết năm 2019 duy trì tỷ lệ 100% hộ dân được cấp nước sạch, giảm tỷ lệ nước thất thoát và tăng nguồn cung lượng nước sạch đến người dùng... Để làm được điều này, thành phố đang đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ vào sản xuất và cung cấp nước sạch cho người dân.

Nhiều tiện lợi cho người dân

Thời gian gần đây, gia đình bà Lê Bích Lan (đường Tân Hải, quận Tân Bình) không còn phải lên Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa (có trụ sở ở quận 5) để phản ánh tình trạng cung cấp nước sinh hoạt thiếu ổn định. Theo bà Lan, nhờ gắn đồng hồ nước thông minh nên gia đình biết rõ lượng nước sử dụng hằng ngày. Nếu lượng nước tăng bất thường, phần mềm được cài đặt sẵn trên điện thoại (kết nối trực tiếp với đồng hồ nước) sẽ phát ra âm thanh cảnh báo để gia đình bà chủ động kiểm tra đường ống và các thiết bị liên quan, báo đội kỹ thuật đến xử lý.

Ứng dụng nhiều công nghệ hiện đại trong việc di dời và đấu nối các tuyến đường ống cung cấp nước sạch.

Tương tự, tại huyện Nhà Bè, quá trình cấp nước đến nhà dân trước đây thường xuyên thiếu ổn định. Vậy nhưng, từ khi hệ thống cung cấp nước thông minh của thành phố được triển khai, tình trạng trên đã chấm dứt và mang lại nhiều tiện lợi cho người dân khu vực. Ông Lại Hữu Hòa (ngụ đường Nguyễn Hữu Thọ, huyện Nhà Bè) cho biết: "Mỗi lúc gặp sự cố liên quan đến quá trình cung cấp nước như: Vỡ đường ống cung cấp nước, rò rỉ nước, nước bị đục…, gia đình biết được ngay vì có sẵn phần mềm theo dõi trên điện thoại thông minh, qua đó chủ động báo cho Công ty cổ phần Cấp nước Nhà Bè và được giải quyết nhanh chóng trong ngày".

Ông Trần Công Lễ, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cấp nước Tân Hòa (đơn vị cung cấp nước sạch trên địa bàn quận Tân Bình và Tân Phú) cho biết, trước đây việc tiếp nhận, xử lý, theo dõi và quản lý các điểm sự cố trên mạng cấp nước được thực hiện chủ yếu bằng thủ công, khiến nảy sinh nhiều khó khăn. Từ những bất cập trên, công ty đã nghiên cứu và cho ra mắt phần mềm “quản lý sự cố trên điện thoại di động và PC”. Ứng dụng thông minh này giúp ghi nhận nhanh các yêu cầu của khách hàng về tình trạng, sự cố cấp nước; thu thập thông tin vị trí, hình ảnh về sự cố tại hiện trường qua thiết bị di động, từ đó nhanh chóng đưa ra giải pháp và thời gian khắc phục.

Theo ông Nguyễn Anh Kiệt, Phó Giám đốc kỹ thuật Công ty cổ phần Cấp nước Chợ Lớn (quận 5), công ty đã chủ động thực hiện nhiều ứng dụng khoa học công nghệ như: Chương trình Chowagis để quản lý cơ sở dữ liệu tài sản mạng lưới cấp nước, thông báo tình trạng cắt nước đến khách hàng, quản lý thông tin các đồng hồ tổng (DMA) trên máy tính và điện thoại thông minh… Hiện công ty đang cấp nước sạch cho người dân các quận 5, 6, 8 và Bình Tân, với hơn 287.000 đồng hồ nước, qua hệ thống 1.312km đường ống một cách thông suốt, bảo đảm chất lượng.

Nâng cao năng lực quản lý cấp nước 

Theo Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh, hiện tổng công suất cấp nước trên địa bàn thành phố đạt 2.400.000m3/ngày, tỷ lệ các hộ dân được cung cấp nước sạch là 100%. Tổng chiều dài các tuyến ống nước trên địa bàn thành phố là hơn 8.000km. Dự kiến đến năm 2025 sẽ cải tạo 1.430km đường ống và phát triển thêm 3.650km đường ống. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, thành phố đã kéo giảm tỷ lệ thất thoát nước sạch từ 30,9% năm 2015 xuống còn 23,31% như hiện nay, vượt tỷ lệ chỉ tiêu theo quy hoạch đến năm 2025 là 25%. 

Theo Tổng công ty Cấp nước Sài Gòn (Sawaco), điều này có được nhờ ngành Nước thành phố chủ động triển khai các ứng dụng khoa học công nghệ hiện đại trong sản xuất và cung cấp nước sạch đến người dân. Cụ thể, những năm qua, ngành Nước thành phố đã ứng dụng thành công các giải pháp công nghệ hiện đại như: Chuyển đổi thành công sử dụng PAC (Poly Aluminium Chloride) lỏng làm chất keo tụ thay thế phèn nhôm trong xử lý nước; trang bị biến tần cho các nhà máy, giúp điều chỉnh được chế độ vận hành trạm bơm linh hoạt, phù hợp với yêu cầu của mạng lưới cấp nước; ứng dụng thành công phần mềm thủy lực (WATERGEMs) vào hoạt động quản lý vận hành, phát triển hệ thống cấp nước... Nhờ đó đã góp phần nâng cao năng lực quản lý cấp nước, hệ thống hóa cơ sở dữ liệu phục vụ công tác vận hành hệ thống cấp nước.

Ông Bùi Thanh Giang, Phó Tổng Giám đốc Sawaco cho biết, ngành Nước thành phố Hồ Chí Minh còn ứng dụng thành công giải pháp thi công đấu nối đường ống bằng công nghệ sử dụng van Linestop trong việc di dời đường ống, không làm gián đoạn hoạt động cấp nước khi sửa chữa đường ống như trước đây. Đồng thời, Sawaco cũng dùng phần mềm giám sát liên tục chất lượng nguồn nước đầu vào và đầu ra...

Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng thành phố Hồ Chí Minh cho biết, thời gian tới, ngành Nước tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong sản xuất, vận hành và cung cấp nước sạch ổn định cho người dân. Đồng thời, đẩy nhanh triển khai công tác quản lý vận hành tổng thể, thành lập trung tâm quản lý vận hành tổng thể mạng lưới. Sở Xây dựng sẽ thí điểm một số khu vực kiểm soát chất lượng nước theo tiêu chí cung cấp nước uống trực tiếp tại vòi. Từ năm 2025, thành phố sẽ quản lý vận hành toàn hệ thống cấp nước theo hướng tự động hóa, hiện đại hóa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thành phố Hồ Chí Minh: Ứng dụng công nghệ vào sản xuất, cung cấp nước sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.