Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cách thống kê mới bảo đảm không trùng lặp, chính xác hơn

Hồng Sơn thực hiện| 24/12/2017 07:08

(HNM) - Vừa qua, ngành Thống kê đã áp dụng một số cách tính và công bố mới về chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn. Với cách tính này, thông tin thống kê chính xác, không bị trùng lặp hoặc bỏ sót; bảo đảm cho các cấp, ngành có chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội phù hợp, đồng bộ. Để làm rõ hơn vấn đề này, phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Ngọc Khải, Cục trưởng Cục Thống kê TP Hà Nội.

Ông Đỗ Ngọc Khải.


Tránh tình trạng địa phương nào cũng tăng trưởng cao, còn cả nước lại thấp

- Tổng cục Thống kê đã ban hành quy định biên soạn và công bố số liệu tổng sản phẩm trong nước theo yêu cầu mới. Vì sao có sự đề cập, áp dụng cách tính mới, thưa ông?

- Trên thực tế, đã có chỉ tiêu tổng sản phẩm quốc dân (GDP) tính trên cả nước. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi một cách tiếp cận, thu thập thông tin khoa học, chính xác hơn và phải xuất phát từ các địa phương. Từ đó, Chính phủ chỉ đạo biên soạn số liệu tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Chỉ tiêu tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) là một chỉ tiêu quan trọng, có tính bao quát và đầy đủ hơn để đánh giá thực trạng kinh tế, từ đó giúp các cấp lãnh đạo địa phương xây dựng chiến lược, chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương sát thực với yêu cầu.

Nếu số liệu GRDP không chính xác sẽ dẫn đến đánh giá sai thực trạng kinh tế ở địa phương, ảnh hưởng đến sự chỉ đạo và ra quyết định điều hành của các cấp, các ngành; hạn chế tác dụng so sánh kết quả sản xuất giữa địa phương với cả nước và giữa các địa phương với nhau.

- Vậy, cách tính mới và cách tính cũ khác nhau như thế nào?

- Quy trình biên soạn GRDP theo phương pháp mới có một số điểm khác so với phương pháp cũ. Trước đây, trên cơ sở hướng dẫn của Tổng cục Thống kê, các địa phương tự biên soạn và công bố chỉ tiêu GRDP. Còn hiện nay, địa phương cung cấp số liệu đầu vào, việc biên soạn và công bố GRDP của các địa phương thống nhất tập trung tại đầu mối Tổng cục Thống kê. Quy trình này bảo đảm việc tính toán các chỉ tiêu của địa phương chính xác, không bị trùng lặp số liệu giữa các địa phương, tránh tình trạng địa phương nào cũng tăng trưởng cao nhưng cả nước lại tăng trưởng thấp hơn. Từ đó, các cấp điều hành nắm được thông tin chuẩn xác, xây dựng chiến lược, kế hoạch phát triển đồng bộ.

Hiện nay, các cục thống kê áp dụng một phương pháp tính GRDP thống nhất là phương pháp sản xuất tính theo giá cơ bản, tách riêng các loại thuế sản phẩm của từng ngành vào một mục riêng. Khi tính GRDP theo ngành kinh tế lớn, phần thuế sản phẩm này được tính thành một mục lớn riêng cùng với thuế nhập khẩu. Do đó, về giá trị tuyệt đối, cơ cấu và tốc độ tăng của các ngành có sự thay đổi.

Ngoài ra, áp dụng nguyên tắc thường trú sẽ loại trừ việc tính trùng, bỏ sót kết quả sản xuất kinh doanh của các đơn vị kinh tế đóng trên địa bàn. Những năm gần đây, thực hiện chủ trương của thành phố, các công ty sản xuất công nghiệp đã di dời ra tỉnh ngoài, tuy nhiên vẫn giữ bộ phận giao dịch và văn phòng chính ở Hà Nội. Trước đây, toàn bộ sản phẩm sản xuất của công ty sẽ được tính vào kết quả sản xuất của Hà Nội (bao gồm kết quả sản xuất của văn phòng chính và các phân xưởng phụ thuộc, các chi nhánh). Thế nhưng hiện nay, sản phẩm sản xuất trên địa bàn tỉnh nào thì sẽ tính vào tỉnh đó. Do đó, phần sản xuất của các phân xưởng và chi nhánh tại tỉnh ngoài bị tách ra, không tính vào kết quả sản xuất của Hà Nội.

Hằng năm, các cục thống kê hoàn thiện chỉ số giá để chuyển đổi về giá so sánh. Hiện nay áp dụng thêm Chỉ số giá cước vận tải kho bãi (TPI) và một số ngành dịch vụ dùng chỉ số CPI của riêng TP Hà Nội, không dùng chỉ số chung của vùng. Chính vì các lý do trên nên chỉ tiêu GRDP của Hà Nội năm 2017 có sự chênh lệch. Số liệu do Cục Thống kê TP Hà Nội tính theo cách tính cũ thì năm 2017 tăng 8,5% so cùng kỳ 2016, nhưng tính theo cách mới thì tăng 7,3%.

- Cách tính mới chính xác hơn, bảo đảm không bị trùng, lặp các số liệu giữa các địa phương. Song, chắc cách tính mới cũng có những khó khăn nảy sinh, thưa ông?

- Để việc biên soạn số liệu GRDP chính xác, không bị trùng hoặc bỏ sót, đòi hỏi thông tin đầu vào phải chính xác đầy đủ, trên cơ sở thu thập từ cơ sở sản xuất thường trú. Tức là cơ sở sản xuất kinh doanh ở đâu sẽ tính GRDP ở đó. Ban đầu, Cục Thống kê Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn trong việc thu thập thông tin theo cách mới, do thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh rất đa dạng. Khá nhiều công ty chỉ đóng trụ sở chính ở Hà Nội, còn xưởng sản xuất, cửa hàng kinh doanh lại đóng trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố khác. Hoặc ngược lại, chi nhánh kinh doanh đặt tại Hà Nội nhưng trụ sở công ty mẹ lại ở tỉnh khác.

Việc hạch toán tại các công ty nhiều lúc chưa đáp ứng các yêu cầu bóc tách số liệu của ngành Thống kê. Bên cạnh đó, việc chấp hành Luật Thống kê của các cơ sở nhìn chung chưa tốt, một số cơ sở nộp báo cáo chưa đúng, chưa đủ hoặc không nộp báo cáo cho cơ quan thống kê địa phương. Do đó, số liệu đầu vào rất sơ sài và độ chính xác không cao, dẫn đến số liệu GRDP ước tính và chính thức sẽ có độ chênh lệch nhất định.

Thứ nữa, số liệu GRDP tính theo phương pháp tính mới và phương pháp cũ chênh lệch khá nhiều. Việc so sánh dãy số liệu với các thời kỳ trước không được đồng nhất. Cục Thống kê cũng đã có văn bản giải trình số liệu và phương pháp tính toán. Song, vẫn có một số đơn vị hiểu và sử dụng thông tin sai, hoặc có những nhận xét, đánh giá không đúng về ngành Thống kê. Để việc áp dụng quy trình tính GRDP mới tại địa phương được thuận lợi, Cục Thống kê rất cần sự phối hợp của các ngành, các cơ sở; chấp hành tốt chế độ báo cáo thống kê theo quy định.

Hoàn thiện để phù hợp với yêu cầu của người sử dụng

- Hiện vẫn còn đơn vị chưa gửi số liệu đầy đủ và hiểu, sử dụng thông tin thống kê sai. Vậy, đánh giá chung, các cơ quan, đơn vị sử dụng số liệu thống kê đã tiếp nhận, phản hồi các ấn phẩm thống kê như thế nào, thưa ông?

- Để đánh giá phản hồi của các đối tượng sử dụng thông tin thống kê, cứ 5 năm 1 lần, Cục Thống kê tổ chức điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê. Mới đây nhất, năm 2017, trong số 717 đối tượng tại Hà Nội được hỏi, có 567 đối tượng đã sử dụng số liệu và ấn phẩm thống kê, chiếm gần 80% số đối tượng được phỏng vấn. Trong số những người sử dụng thông tin và ấn phẩm thống kê, chỉ có 0,3% trả lời số liệu thống kê không có tác dụng. Điều này cho thấy số liệu thống kê được người sử dụng thông tin thống kê tin tưởng.

- Thời gian tới, Cục sẽ có biện pháp nào để nâng cao chất lượng các ấn phẩm thống kê và mức độ hài lòng của người sử dụng thống kê?

- Trên cơ sở kết quả điều tra nhu cầu và mức độ hài lòng của người sử dụng thông tin thống kê năm 2017, Cục Thống kê TP Hà Nội sẽ tiếp tục hoàn thiện các ấn phẩm thống kê cho phù hợp với yêu cầu của người sử dụng, bảo đảm trung thực, chính xác, kịp thời.

Thời gian tới, Cục Thống kê TP Hà Nội tiếp tục biên tập và xuất bản cuốn Niên giám thống kê năm 2017, kết quả Tổng điều tra kinh tế năm 2017, tờ gấp thông tin kinh tế - xã hội 6 tháng và cả năm 2018 và một số ấn phẩm khác. Riêng cuốn Niên giám thống kê năm 2017 sẽ được biên tập theo đúng maket do Tổng cục Thống kê thống nhất chung cho các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

- Cục Thống kê có kiến nghị, gợi ý hoặc tư vấn gì với các cấp lãnh đạo, đơn vị, cá nhân sử dụng số liệu thống kê; đặc biệt là sự hỗ trợ từ UBND thành phố để nâng cao hiệu quả hoạt động chuyên môn?

- Ngày 23-11-2015, Luật Thống kê đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2016. Cục Thống kê TP Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố tổ chức hội nghị phổ biến Luật Thống kê đến các sở, ban, ngành thành phố và Chủ tịch UBND quận, huyện, thị xã. Ngày 19-12-2016, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 54/2016/QĐ-TTg về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã. Hiện, Tổng cục Thống kê mới có mẫu biểu hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh; mẫu biểu cấp huyện và xã chưa có. Khi có đủ mẫu biểu báo cáo Cục Thống kê TP Hà Nội sẽ tham mưu với UBND thành phố ban hành văn bản giao các đơn vị thực hiện. Nếu làm tốt, ngành Thống kê sẽ có đầy đủ nguồn số liệu để báo cáo phục vụ Thành ủy, HĐND và UBND thành phố.

Bên cạnh đó, thực hiện Quyết định số 643/QĐ-TTg ngày 11-5-2017 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030, Cục Thống kê TP Hà Nội đã tham mưu với UBND thành phố xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án tăng cường quản lý nhà nước về chất lượng thống kê đến năm 2030 trên địa bàn TP Hà Nội, với những nội dung thiết thực. Tôi muốn nhấn mạnh rằng, Cục Thống kê TP Hà Nội luôn bám sát sự chỉ đạo, điều hành của UBND TP Hà Nội, của Tổng cục Thống kê để làm tốt vai trò, trách nhiệm; bảo đảm cung cấp thông tin, dữ liệu đầu vào đầy đủ, chính xác, kịp thời cho các cấp, ngành, đơn vị, tổ chức và cá nhân có nhu cầu sử dụng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách thống kê mới bảo đảm không trùng lặp, chính xác hơn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.