Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thêm động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

Hồng Sơn| 08/04/2018 06:46

(HNM) - Đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp đã được xác định là mục tiêu, định hướng hoạt động của một Chính phủ kiến tạo. Chưa bao giờ việc hỗ trợ doanh nghiệp “nóng” như hiện tại, nhất là việc hỗ trợ đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa để phát huy hết tiềm năng, vị thế của nhóm kinh tế năng động này...


Tiến sĩ Phạm Đình Thúy.


Tỷ trọng đóng góp ngày càng tăng

- Số doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm 98% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động. Ông nhận xét thế nào về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa đối với nền kinh tế? Thực trạng “sức khỏe” của nhóm doanh nghiệp này dưới góc nhìn của một người làm thống kê và nghiên cứu kinh tế?

- Việt Nam là nền kinh tế đang phát triển, vì vậy vị trí, vai trò, đóng góp của các doanh nghiệp nhỏ và vừa là hết sức quan trọng. Hiện, nhóm doanh nghiệp này chiếm 42,2% số lao động; 40,9% nguồn vốn huy động vào sản xuất kinh doanh; 44,8% doanh thu và đóng góp 29,3% cho ngân sách nhà nước. Các chỉ tiêu quan trọng trên đều đang trong xu hướng gia tăng. Điều đó minh chứng cho tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa với nền kinh tế.

Tuy vậy, doanh nghiệp nhỏ và vừa nước ta được đầu tư ít hơn so với doanh nghiệp nhà nước hoặc doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn và trên doanh thu của các doanh nghiệp nhỏ và vừa thấp hơn hẳn so với các đơn vị thuộc hai khu vực nói trên; vì thế đương nhiên thu nhập bình quân của người lao động cũng thấp hơn.

Với đặc điểm quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, năng lực quản trị kinh doanh hạn chế, chiến lược, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thương hiệu thiếu ổn định; dẫn đến năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh nhìn chung còn thấp.

- Mấy năm gần đây, doanh nghiệp nhỏ và vừa là đối tượng được quan tâm, nhất là từ phía cơ quan quản lý. Dường như đã có sự chuyển biến từ nhận thức đến hành động để hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời, phát triển?

- Đúng vậy. Đảng và Chính phủ đã nhìn nhận đầy đủ hơn về tầm quan trọng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong chiến lược phát triển kinh tế đất nước. Đặc biệt, ngày 3-6-2017, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã ký ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TƯ về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đây là điều đáng mừng và rất quan trọng. Số lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện chiếm đa số, khu vực này cũng đang thu hút nhiều lao động. Do vậy, chính sách khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển cũng là để góp phần tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, để doanh nghiệp đóng góp nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế. Có thể nói chưa bao giờ vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp nhỏ và vừa lại được xác nhận chính thức, đề cao như hiện tại.

- Thực tế cho thấy, vẫn còn những ý kiến chưa hài lòng của doanh nghiệp về hiệu quả hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý. Nhiều doanh nghiệp vẫn phàn nàn về chi phí không chính thức, hay phải có “mối quan hệ” để tiếp cận thông tin. Vậy nguyên nhân là gì?

- Tôi cho rằng có một số nguyên nhân chủ yếu sau: Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa mới được ban hành nên chưa thể phát huy đầy đủ tác dụng và hiệu quả như mong muốn. Số lượng doanh nghiệp rất lớn, ở khắp các vùng, miền trong cả nước nên việc phân loại, sắp xếp doanh nghiệp thành các đối tượng cụ thể để hỗ trợ theo luật và phù hợp với điều kiện thực tế của mỗi địa phương sẽ mất nhiều thời gian...

Nguồn lực (đặc biệt là đầu tư tài chính) còn nhiều hạn chế, chênh lệch giữa các địa phương, vùng, miền còn lớn. Trong khi, bản thân doanh nghiệp cũng chưa phát triển đồng đều, thậm chí chưa đủ trình độ để tiếp thu những kiến thức, công nghệ mới, hiện đại, kỹ năng quản trị tiên tiến. Sự yếu kém về chất lượng nguồn nhân lực cũng là hạn chế lâu nay chưa được cải thiện.

Về phía cơ quan quản lý, vẫn còn bộ phận cán bộ, công chức thờ ơ, chưa làm hết trách nhiệm hỗ trợ doanh nghiệp, thậm chí nhũng nhiễu, gây khó cho doanh nghiệp.

Chặng đường dài phía trước

- Theo ông, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần được hỗ trợ theo cách nào? Những vấn đề, nhu cầu nào là thiết thực nhất đối với họ?


- Việc hỗ trợ phải được tổ chức thường xuyên, công khai, minh bạch và công bằng cho tất cả các doanh nghiệp. Cùng với đó, cần làm tốt công tác tuyên truyền để tất cả các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động hoặc chuẩn bị khởi nghiệp nhận thức đầy đủ chính sách ưu đãi của Nhà nước; đi đôi với xây dựng bộ máy chuyên trách có đủ năng lực, đạo đức từ trung ương đến địa phương để đưa Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đi vào cuộc sống, triển khai hiệu quả trên tất cả các vùng, miền.

Sau cùng, tăng cường kiểm tra, giám sát để công tác hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện công bằng và hiệu quả. Cần định kỳ đánh giá, xếp hạng công khai mức độ hỗ trợ doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và địa phương.

Nhu cầu lớn nhất của doanh nghiệp nhỏ và vừa hiện nay là hỗ trợ về vốn, ưu đãi về thuế đối với doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng, thuê mặt bằng sản xuất, hỗ trợ đầu tư, đổi mới công nghệ, tiêu thụ sản phẩm, đào tạo lao động... Tất nhiên, việc đáp ứng đầy đủ nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa vẫn là chặng đường dài phía trước.

- Ông đánh giá thế nào về nhận xét cho rằng, quy mô doanh nghiệp dân doanh ngày càng nhỏ hơn so với thời gian trước? Điều này thể hiện thực trạng gì?

- Bình luận trên là không đúng. Ngược lại, doanh nghiệp dân doanh đã và đang phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng, với quy mô trung bình ngày càng lớn cũng như đóng góp ngày càng nhiều vào tăng trưởng kinh tế của đất nước. Thực tế đó thể hiện đúng chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước về việc khuyến khích doanh nghiệp dân doanh phát triển. Chúng ta đang trông đợi và tin tưởng rằng Việt Nam sẽ có đội ngũ doanh nghiệp dân doanh lớn mạnh, có khả năng cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế; càng mong có thêm những thương hiệu ấn tượng ở cả khu vực và thế giới...

- Ông có nhận xét gì về tinh thần kiến tạo, hỗ trợ người dân khởi nghiệp mà các ngành, địa phương đang triển khai?

- Có thể nói, những năm gần đây, đặc biệt là năm 2017 và ngay từ những ngày đầu năm 2018, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương đã triển khai nhiều giải pháp, chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ doanh nghiệp phát triển. Kết quả thu được thể hiện rất rõ nét trong bức tranh kinh tế quý I-2018. Đó là sự cải thiện liên tục về chất lượng môi trường đầu tư - kinh doanh. Sự vào cuộc đồng bộ, gắn liền với trách nhiệm và lấy lợi ích của doanh nghiệp làm mục tiêu phục vụ để kích đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế.

Chính phủ rất coi trọng phát triển doanh nghiệp, xác định phát triển doanh nghiệp tư nhân là yếu tố quyết định, động lực đối với phát triển kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu các bộ đẩy nhanh tốc độ rà soát, tiếp tục giảm bớt thủ tục, điều kiện kinh doanh trong năm 2018. Đặc biệt, mới đây Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2018/NĐ-CP và 39/2018/NĐ-CP, quy định chi tiết về đầu tư cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo cũng như quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Đây sẽ là hai điểm tựa quan trọng để thực hiện việc hỗ trợ doanh nghiệp thiết thực, hiệu quả hơn.

Những động thái tích cực và hiệu quả trong điều hành của Chính phủ kiến tạo đang từng bước đi vào cuộc sống một cách vững chắc. Riêng quý I-2018 cả nước đón nhận thêm 26.785 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký là 278,5 nghìn tỷ đồng.

- Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhắc đến tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong hỗ trợ doanh nghiệp, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng. Theo ông, phải làm gì để khắc phục tình trạng này?

- Đây là vấn đề xuất phát từ thực tiễn cuộc sống. Tôi cho rằng, để giúp Chính phủ đánh giá đầy đủ, chính xác trách nhiệm, hiệu quả của các bộ, ngành và địa phương trong việc triển khai các nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cần triển khai một số công việc sau:

Một là, cần thành lập cơ quan chuyên trách để giúp Chính phủ theo dõi, đánh giá và tổng kết kết quả và hiệu quả triển khai các nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương.

Hai là, cơ quan chuyên trách cần xây dựng được bộ công cụ (bộ chỉ số chẳng hạn) để tính toán, đo lường, lượng hóa chính xác nhằm đánh giá, xếp hạng thường xuyên, định kỳ rồi công bố công khai mức độ hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đối với các bộ, ngành và các địa phương. Phải xác định mục tiêu là lấy sự hài lòng của doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả hoạt động của cơ quan chức năng, đến từng cán bộ cụ thể. Tất cả nhằm khuyến khích và động viên, đánh giá đúng trách nhiệm của người đứng đầu các bộ, ngành và địa phương trong việc thực thi nhiệm vụ phát triển doanh nghiệp của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ...

Ba là, cần có chế tài, quy định hợp lý và chặt chẽ để xử lý những đơn vị, cán bộ không hoàn thành nhiệm vụ; thậm chí là tình trạng gây cản trở hoặc có biểu hiện tham nhũng trong quá trình tiếp xúc, giải quyết nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi và đồng thuận, gia tăng niềm tin nếu được hoạt động trong môi trường minh bạch, thông thoáng, năng động và thân thiện. Tôi cho rằng, nếu có chính sách, cơ chế phù hợp và đáp ứng các tiêu chí hội nhập thì chắc chắn bức tranh doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp nhỏ và vừa nói riêng sẽ ngày càng sáng hơn; từ đó nền kinh tế có cơ hội tiến lên một đẳng cấp mới...

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thêm động lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa phát triển

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.