Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, đi sâu cơ sở, bám sát nguyện vọng công nhân

Nguyễn Linh| 22/04/2018 06:25

(HNM) - Đại hội Công đoàn TP Hà Nội lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2018-2023) là sự kiện chính trị quan trọng, đánh giá kết quả đạt được cũng như những tồn tại, hạn chế, rút ra bài học kinh nghiệm làm cơ sở cho hoạt động Công đoàn Thủ đô những năm tới phát triển cả bề rộng và chiều sâu...


Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Liên đoàn Lao động TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến.


Lấy quyền lợi người lao động làm trọng tâm hoạt động

- Nhìn lại nhiệm kỳ qua, có thể thấy Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã đạt được những thành tựu đáng kể trên nhiều mặt. Xin đồng chí cho biết một số kết quả nổi bật?

- Nhiệm kỳ qua, các cấp Công đoàn Thủ đô luôn bám sát sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Thành ủy Hà Nội; phối hợp chặt chẽ với các cấp, các ngành; phát huy tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, hiệu quả”, đã hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Công đoàn thành phố lần thứ XV đề ra. Trong đó, nổi bật là các cấp công đoàn thành phố hướng mạnh về cơ sở, lấy quyền lợi của người lao động làm trọng tâm hoạt động; phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở vượt chỉ tiêu về số lượng và chất lượng.

Để chăm lo, bảo vệ quyền lợi cho đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, các cấp công đoàn thành phố đã tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chế độ, chính sách pháp luật (tại 870 doanh nghiệp) về lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể; đề nghị cơ quan chức năng, người sử dụng lao động giải quyết quyền lợi, chế độ cho 25.000 người lao động theo quy định của pháp luật; tuyên truyền, tư vấn pháp luật cho người lao động hiểu để tự bảo vệ chính mình.

Tổ chức công đoàn tích cực động viên, trợ giúp công nhân, viên chức, lao động và gia đình khi ốm đau, hoạn nạn; tổ chức “Tháng Công nhân”, “Tết sum vầy”, các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao... cho người lao động. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, vận động chủ doanh nghiệp quan tâm đến công tác an toàn vệ sinh lao động, nhất là ở các ngành, nghề, khu vực độc hại... Trong nhiệm kỳ, các cấp công đoàn giới thiệu việc làm cho hơn 10.000 lao động, hỗ trợ xây mới, sửa chữa 300 “mái ấm Công đoàn” trị giá 8,63 tỷ đồng; trợ cấp cho gần 85.000 lượt công nhân, viên chức, lao động; tổ chức 2.781 chuyến xe ô tô miễn phí đưa 125.000 lượt người lao động có hoàn cảnh khó khăn về quê đón Tết. Qua đó góp phần giảm các tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể.

Vượt lên nhiều khó khăn, Hà Nội luôn đi đầu, hoàn thành vượt mức chỉ tiêu công tác phát triển đoàn viên, thành lập công đoàn cơ sở; nỗ lực nâng cao chất lượng hoạt động công đoàn. Đến nay, đã có 91,66% công đoàn cơ sở khu vực nhà nước, 50,82% công đoàn cơ sở khu vực ngoài nhà nước đạt tiêu chuẩn vững mạnh, xuất sắc.

- Hà Nội có hơn 150.000 công nhân, lao động đang làm việc ở các khu công nghiệp, khu chế xuất. Vì nhiều lý do, việc xây dựng thiết chế cơ sở hạ tầng phục vụ đoàn viên, người lao động tại đây, như nhà ở, nhà trẻ, trường mẫu giáo, siêu thị, nơi sinh hoạt văn hóa - thể thao… vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu. Liên đoàn Lao động thành phố có giải pháp gì để tiếp tục giải quyết tốt hơn vấn đề này?

- Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong việc bố trí ngân sách xây dựng nhà ở cho công nhân. Trước khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng các thiết chế của công đoàn tại các khu công nghiệp - chế xuất”, Liên đoàn Lao động thành phố đã đề nghị UBND thành phố bố trí kinh phí xây dựng nhà ở, nhà trẻ tại 3 khu công nghiệp; giải quyết chỗ ở cho gần 20.000 công nhân; lập và duy trì hàng chục điểm sinh hoạt văn hóa công nhân... Bên cạnh việc giám sát thực hiện chế độ, pháp luật lao động, việc triển khai xây dựng thiết chế cho công nhân vẫn đang được xúc tiến.

- Một trong những vấn đề được người lao động quan tâm nhiều nhất là tình trạng doanh nghiệp vi phạm pháp luật lao động, nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Công đoàn đã và đang làm gì nhằm bảo đảm quyền lợi của người lao động?

- Đây là việc mới và rất khó. Tuy vậy, để bảo vệ quyền lợi của công đoàn viên, người lao động, Liên đoàn Lao động thành phố đã nghiên cứu, hướng dẫn, tập huấn cho các cấp Công đoàn về tham gia tố tụng dân sự, chuẩn bị các điều kiện tiến hành khởi kiện doanh nghiệp vi phạm pháp luật. Đến nay, các cấp Công đoàn thành phố đã nhận được 520 bộ hồ sơ doanh nghiệp nợ đọng bảo hiểm xã hội, trong đó 63 hồ sơ đã được tòa án thụ lý. Sau thủ tục thông báo khởi kiện, 83 đơn vị đã trả hết nợ bảo hiểm xã hội, 160 đơn vị tự giác nộp một phần nợ, với tổng số tiền thu nợ bảo hiểm là 87,194 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp kiểm tra việc thực hiện sau kết luận của Thanh tra và kiểm tra nợ đọng bảo hiểm tại 105 doanh nghiệp, thu gần 450 tỷ đồng tiền nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Các Công đoàn cấp trên cơ sở đã phối hợp kiểm tra 5.617 doanh nghiệp về thực hiện chế độ chính sách, bảo hiểm liên quan đến người lao động; phối hợp giải quyết kịp thời 33 cuộc tranh chấp lao động và ngừng việc tập thể.

Đáp ứng nhiệm vụ ngày càng cao

- Thưa đồng chí, những năm gần đây, các phong trào thi đua được tổ chức như thế nào để thu hút đông đảo người lao động tham gia, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ ngày càng cao?

- Liên đoàn Lao động thành phố đã chỉ đạo các cấp Công đoàn duy trì thường xuyên và triển khai sâu rộng các phong trào thi đua yêu nước đến toàn thể đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động, tạo thành phong trào hành động sôi nổi. 5 năm qua, các phong trào trọng tâm như “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, phấn đấu đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”, “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”... được đẩy mạnh. Công tác thi đua, khen thưởng có nhiều đổi mới, trở thành động lực thúc đẩy đội ngũ đoàn viên, công nhân, viên chức, lao động phát huy tài năng, trí tuệ, tự giác học tập nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao với năng suất, chất lượng và hiệu quả.

Từ các phong trào thi đua đã có 154.000 lượt công nhân, lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 8.900 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở, 595 “Công nhân giỏi Thủ đô”. Hàng chục nghìn người lao động được tôn vinh “Sáng kiến sáng tạo” cấp cơ sở và trên cơ sở, 479 lượt cá nhân được biểu dương “Sáng kiến sáng tạo Thủ đô”, góp phần tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, làm lợi hàng nghìn tỷ đồng cho các đơn vị, doanh nghiệp.

- Hai năm nay, hệ thống Công đoàn Việt Nam thực hiện chủ đề “Năm vì lợi ích đoàn viên công đoàn” với việc ký kết thỏa thuận giảm giá hàng hóa, dịch vụ cho đoàn viên công đoàn, được nhiều đoàn viên, người lao động quan tâm và kỳ vọng. Vậy, trong những năm tới, Công đoàn Thủ đô tiếp tục quan tâm vấn đề này như thế nào, thưa đồng chí?

- Chương trình phúc lợi cho đoàn viên công đoàn với mục tiêu “Quyền lợi bảo đảm, phúc lợi tốt hơn” đã tạo bước chuyển biến quan trọng trong tư duy về hoạt động công đoàn theo hướng mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho đoàn viên. Các cấp công đoàn TP Hà Nội đã thương lượng, ký kết thỏa thuận hợp tác với 32 doanh nghiệp trên địa bàn để cung cấp các sản phẩm, dịch vụ cho đoàn viên và người lao động với giá ưu đãi 10% - 30%. Trong đó, Công đoàn thành phố ký trực tiếp với 4 doanh nghiệp đầu mối.

Công đoàn các quận, huyện: Long Biên, Chương Mỹ, Đan Phượng, Phúc Thọ... ký các thỏa thuận ưu đãi hơn 500 mặt hàng, dịch vụ. Có thể khẳng định, sự quan tâm cụ thể này đã giúp công nhân, lao động Thủ đô ngày càng gắn bó với tổ chức Công đoàn.

- Thực tế, quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, cùng bối cảnh từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang đặt ra những thách thức lớn về tạo việc làm bền vững cho người lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định, tiến bộ ở các doanh nghiệp. Vậy, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong nhiệm kỳ mới (2018-2023), Công đoàn Thủ đô sẽ tập trung vào những vấn đề gì?

- Chúng tôi cho rằng, giai đoạn này rất cần xác định đúng yêu cầu, nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm nhằm đề ra các giải pháp tổ chức thực hiện hiệu quả. Tổ chức công đoàn phải dự báo được những thuận lợi, khó khăn, thách thức tác động tới đội ngũ công nhân, viên chức, lao động và hoạt động công đoàn. Từ đó tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung và phương thức hoạt động công đoàn. Nội dung phải phù hợp với từng loại hình cơ sở, đối tượng; xuất phát từ nhu cầu, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động. Phương thức hoạt động phải hướng mạnh về cơ sở, lấy Công đoàn cơ sở làm địa bàn hoạt động, lấy công nhân, lao động làm đối tượng vận động; phải đi sâu cơ sở, đi sát nguyện vọng công nhân. Công tác tuyên truyền, nắm bắt tình hình, dự báo chính xác tình hình phải được chú trọng; lấy sự ổn định trong từng Công đoàn cơ sở, cơ quan, doanh nghiệp để phát triển.

Các cấp Công đoàn cần đẩy mạnh tuyên truyền, thuyết phục công nhân, lao động, đoàn viên công đoàn hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình; đề xuất, kiến nghị với Đảng, Nhà nước xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, kịp thời. Trong hoạt động công đoàn phải luôn chấp hành sự lãnh đạo của cấp ủy, có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với chính quyền đồng cấp và các cấp, ngành.

Đây là điều kiện giúp công đoàn tập trung phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong các loại hình doanh nghiệp; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ công đoàn có bản lĩnh, nhiệt tình, tâm huyết với tổ chức Công đoàn và công nhân, viên chức, lao động, xây dựng giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn ngày càng vững mạnh.

- Trân trọng cảm ơn đồng chí! 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đổi mới phương thức hoạt động công đoàn, đi sâu cơ sở, bám sát nguyện vọng công nhân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.