Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nâng cao khả năng tiếp cận, hòa nhập cộng đồng

Mai Hoa| 20/04/2019 08:45

(HNM) - Hà Nội luôn quan tâm đến công tác phát triển thể thao người khuyết tật, coi đây là một trong những giải pháp hữu hiệu giúp họ nâng cao khả năng tiếp cận và hòa nhập cộng đồng.



Kỳ thủ Nguyễn Thị Mỹ Linh - một trong các gương mặt tiêu biểu của thể thao người khuyết tật Hà Nội.


- Ông có thể chia sẻ đôi điều về phong trào thể thao người khuyết tật trên địa bàn Hà Nội trong thời gian qua?

- Được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao, trong những năm vừa qua, phong trào tập luyện, thi đấu thể dục, thể thao của người khuyết tật không ngừng phát triển. Với mục tiêu hỗ trợ người khuyết tật nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, tự tin hòa nhập cộng đồng, bộ môn đã cử các huấn luyện viên đến các quận, huyện, thị xã, các trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề cho người khuyết tật như: Làng Hữu nghị Việt Nam, Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn, Trung tâm Phúc Tuệ, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Đình Chiểu… để hướng dẫn, xây dựng chương trình tập luyện thể dục, thể thao. Đội ngũ vận động viên người khuyết tật Hà Nội cũng thường xuyên tham gia các hội thi, giải thể thao dành cho người khuyết tật và luôn khẳng định là một trong những đơn vị dẫn đầu, đạt được hàng trăm huy chương các loại, phá nhiều kỷ lục quốc gia. Có thể kể đến những gương mặt xuất sắc như: Nguyễn Thị Mỹ Linh, Đoàn Thu Huyền, Trần Thị Bích Thủy... đều giành Huy chương vàng tại Đại hội Thể thao người khuyết tật châu Á.

- Bộ môn Thể thao người khuyết tật Hà Nội đã tạo cơ hội như thế nào cho người khuyết tật trong quá trình hòa nhập cộng đồng?

- Bộ môn đã tạo điều kiện cho người khuyết tật được tham gia tập luyện, nâng cao sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật, được giao lưu với những người khuyết tật khác hoặc những người không khuyết tật. Đối với các vận động viên tham gia tập luyện thường xuyên tại bộ môn, một số gương mặt tiêu biểu được Trung tâm Huấn luyện và Thi đấu thể dục - thể thao Hà Nội bố trí chỗ ở, chi trả tiền ăn, tiền công hằng tháng như các vận động viên bình thường và tiền thưởng huy chương tại các giải trong nước, quốc tế theo quy định hiện hành... Khi giải nghệ, không ít người trong số họ trở thành lãnh đạo Hội Người mù, Hội Người khuyết tật các cấp, mang những hiểu biết, kiến thức, kinh nghiệm của mình vào việc giúp đỡ những người khuyết tật khác vượt lên hoàn cảnh và có cuộc sống tốt hơn.

- Năm 2019, thể thao người khuyết tật Hà Nội tập trung vào các nhiệm vụ trọng điểm nào, thưa ông?


- Năm nay, thể thao người khuyết tật Hà Nội phấn đấu giữ vững vị trí trong tốp đầu tại Giải vô địch toàn quốc và Giải trẻ toàn quốc. Hà Nội cũng đang phấn đấu để có được 7 huấn luyện viên, khoảng 30 vận động viên có mặt trong đoàn thể thao người khuyết tật Việt Nam tham gia thi đấu tại Asian Para Games 2019. Vận động viên của các môn bơi, cử tạ, cầu lông được cử tham gia thi đấu các giải quốc tế với mục tiêu đạt chuẩn tham dự Paralympic Games Tokyo 2020.

Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên, thể thao người khuyết tật Hà Nội đã, đang phải khắc phục những khó khăn như cơ sở vật chất chưa đầy đủ, phòng tập một số môn vẫn phải đi thuê, trang thiết bị đều hạn chế. Hơn nữa, các huấn luyện viên hầu hết chưa được đào tạo về chuyên môn để huấn luyện vận động viên khuyết tật, quá trình huấn luyện chủ yếu vừa học, vừa làm...

- Theo ông, người khuyết tật cần được hỗ trợ thêm gì để hòa nhập cộng đồng, khẳng định năng lực bản thân?

- Các cấp, ngành cần quan tâm hơn nữa đến điều kiện sinh hoạt và tập luyện, nhất là việc đầu tư xây dựng trung tâm tập luyện thể thao đáp ứng được các tiêu chuẩn và điều kiện tập luyện, sinh hoạt cho người khuyết tật. Ngoài ra, các nhà quản lý và chuyên môn thể thao cần tăng cường phối hợp với các trung tâm nuôi dưỡng và dạy nghề, các Hội Người mù, Hội Người khuyết tật để phát triển phong trào tập luyện thể thao, vừa nâng cao sức khỏe, vừa phát hiện, tuyển chọn vận động viên xuất sắc bổ sung vào đội tuyển thể thao người khuyết tật Hà Nội. Mặt khác, cần có thêm các khóa đào tạo nâng cao trình độ huấn luyện viên và tăng cường thi đấu cọ xát, nâng cao trình độ chuyên môn cho vận động viên...

Bộ môn Thể thao người khuyết tật Hà Nội cũng sẽ chú trọng tuyên truyền, phổ biến đầy đủ về những chủ trương, chính sách, các văn bản có liên quan để vận động viên nắm rõ được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong quá trình tập luyện, thi đấu. Đồng thời tăng cường trao đổi, giao lưu để có thể nắm bắt được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của vận động viên, kịp thời giải đáp thắc mắc, chia sẻ khó khăn và đề xuất, tham mưu với cấp trên có các giải pháp, điều chỉnh kịp thời.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao khả năng tiếp cận, hòa nhập cộng đồng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.