Theo dõi Báo Hànộimới trên

Mỗi người nên chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp

Hà Hiền| 16/06/2019 06:44

(HNM) - Định hướng nghề nghiệp là vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội, nhất là trong bối cảnh kỳ thi vào lớp 10, thi trung học phổ thông quốc gia đã và sẽ diễn ra.

Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Quân.


Tỷ lệ có việc làm sau học nghề đạt 80,5%

- Trước tiên, Thứ trưởng đánh giá thế nào về công tác phát triển giáo dục nghề nghiệp, giải quyết việc làm cho người lao động sau học nghề trong những năm gần đây?

- Không khó để nhận thấy, công tác giáo dục nghề nghiệp đang có chuyển biến tích cực, bước đầu đạt được những kết quả quan trọng. Tuyển sinh hằng năm đạt khoảng 2.200.000 người, trong đó khoảng 540.000 người học nghề trình độ cao đẳng, trung cấp. Sau học nghề, số người có việc làm đạt 80,5%; một số trường đạt hơn 90%, có trường đạt 100%. Kết quả đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp đã góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo ở nước ta tăng từ 49% vào năm 2014, lên 58,6% vào năm 2018.

Để đạt kết quả trên, thời gian qua, các cơ quan chức năng đã tập trung hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật; xây dựng cơ chế, chính sách về phát triển giáo dục nghề nghiệp; đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền; chuẩn hóa các điều kiện bảo đảm chất lượng đầu ra cho người học; bồi dưỡng, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên; nâng cấp cơ sở vật chất... Thông qua hoạt động gắn kết giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp, cơ chế phối hợp giữa Nhà nước, nhà trường với doanh nghiệp bắt đầu hình thành và vận hành hiệu quả.

Theo hướng đi này, năm 2019, hệ thống cơ sở giáo dục nghề nghiệp của cả nước phấn đấu tuyển sinh được khoảng 2.260.000 người; số người tốt nghiệp dự kiến đạt gần 2.200.000 người, góp phần nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên hơn 60%. Đến năm 2025, số lượng tuyển sinh trong giáo dục nghề nghiệp có thể đạt 4.600.000 người, bảo đảm ít nhất 85% người học nghề có việc làm sau khi tốt nghiệp.

- Ngoài giải pháp vĩ mô, các địa phương, cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần làm gì để khuyến khích người lao động học nghề, thưa Thứ trưởng?


- Trong những năm gần đây, nhiều địa phương đã triển khai nhiều giải pháp đột phá, nhằm thu hút người học. Điển hình như tỉnh Đồng Nai miễn học phí 100% cho người có hộ khẩu thường trú tại tỉnh theo học các nghề trình độ trung cấp, cao đẳng; tỉnh Vĩnh Phúc hỗ trợ 100% học phí hoặc 60% học phí cho học sinh, sinh viên theo học một số nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đóng trên địa bàn.

Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ học phí cũng được nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp áp dụng. Chẳng hạn, Trường Cao đẳng nghề số 1, Bộ Quốc phòng; Trường Cao đẳng nghề Than, Khoáng sản Việt Nam... miễn toàn bộ học phí cho người học; Trường Cao đẳng Ispace (thành phố Hồ Chí Minh) miễn học phí, tạo điều kiện cho người học tiếp tục học thêm, hoặc học nâng cao, chuyển đổi nghề trong trường hợp không tìm được việc làm sau tốt nghiệp.

Một số trường coi công tác tuyển sinh là tuyển dụng, cam kết bảo đảm 100% người học có việc làm như: Trường Cao đẳng nghề Cơ điện Hà Nội, Trường Cao đẳng nghề Công nghệ cao Hà Nội; Trường Cao đẳng Du lịch - Thương mại Nghệ An...

Cùng với các giải pháp thu hút người học, đến thời điểm này, đa số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động nâng cao chất lượng đào tạo bằng cách đổi mới phương pháp dạy và học, giảm thời gian lý thuyết, tăng thời lượng thực hành, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và giảng dạy.

- Công tác phân luồng, tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học văn hóa song song với đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang được đẩy mạnh. Theo Thứ trưởng, việc nhân rộng mô hình này mang lại lợi ích gì cho các bên liên quan?


- Thực tế, mô hình này đã được thực hiện nhiều năm nay ở Việt Nam. Vào thập niên 90 của thế kỷ trước, đó là mô hình trường trung học nghề, sau này là trường trung cấp nghề, trung cấp chuyên nghiệp. Với những hiệu quả đã được khẳng định, công tác phân luồng, tuyển học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học văn hóa song song với đào tạo nghề tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tiếp tục phát triển, được xã hội quan tâm. Bằng chứng là học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở học tại hệ thống giáo dục nghề nghiệp đã tăng từ 5% ở thời điểm năm 2014, lên hơn 10% vào năm 2018.

Từ năm học 2019-2020, nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp mở rộng quy mô tuyển sinh đối với đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở. Theo đó, với hình thức đào tạo song song văn hóa và nghề, người học vừa có bằng trung học phổ thông, vừa có bằng trung cấp nghề để đi làm; hoặc nếu có nhu cầu, có thể học tiếp văn hóa để đủ điều kiện liên thông lên trình độ cao đẳng, đại học.

Sau khoảng thời gian từ 3,5 đến 4 năm, người học được trang bị đủ kiến thức để tham gia thị trường lao động, đồng thời vẫn có cơ hội học lên trình độ cao hơn. Vì vậy, việc định hướng nghề nghiệp cho con, em lựa chọn ngành, nghề sớm sẽ tiết kiệm một khoản chi phí không nhỏ. Cơ sở giáo dục nghề nghiệp có nguồn tuyển sinh phong phú, đa dạng, có điều kiện lựa chọn đối tượng học, đáp ứng các yêu cầu của ngành nghề đào tạo. Nhà nước tiết kiệm được ngân sách, giảm chi phí, áp lực trong tổ chức thi cử; đồng thời có thêm nguồn nhân lực qua đào tạo...

Hãy tự tin theo đuổi đam mê

- Muốn thu hút lực lượng lao động trẻ tham gia học nghề, vấn đề cốt lõi vẫn là nâng cao chất lượng đào tạo và chú trọng đến những ngành nghề thị trường trong nước, quốc tế đang cần. Vậy theo Thứ trưởng, các cơ quan chức năng nên làm gì?

- Chúng ta đang trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, vì vậy, gần như tất cả các ngành, nghề đều cần nhân lực qua đào tạo nghề nghiệp, nhất là nhân lực chất lượng cao. Đặt trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra, nhu cầu sử dụng lao động vững chuyên môn, giỏi tay nghề càng trở nên cấp thiết. Dự báo, những nhóm ngành cần sử dụng nhiều lao động qua đào tạo chuyên sâu là công nghệ thông tin; điện tử viễn thông; cơ điện tử, điều khiển robot; công nghiệp chế biến; nông nghiệp công nghệ cao...

Để có nguồn nhân lực đáp ứng tốt yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững, theo tôi, các cơ quan chức năng cần đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý về giáo dục nghề nghiệp; sớm hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp... Những yếu tố bảo đảm cho chất lượng giáo dục nghề nghiệp phát triển như chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo, nâng cấp cơ sở vật chất; tăng cường gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp... cần được quan tâm.

Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp nên cập nhật chương trình giảng dạy bảo đảm tính thực tiễn, đón đầu xu hướng phát triển và chủ động phối hợp với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo. Doanh nghiệp nên tham gia đào tạo với vai trò là nhà đầu tư, đồng thời là khách hàng. Mô hình nhà trường trong doanh nghiệp nên được nhân rộng, phát huy.

Là cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp, ngành Lao động - Thương binh và Xã hội đã kiến nghị, đề xuất với các ngành, địa phương ưu tiên đầu tư kinh phí cho các trường chất lượng cao, nghề trọng điểm. Qua đó, một số cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã có những nghề tiếp cận được trình độ tiên tiến của các nước trong khu vực và thế giới.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị chức năng đẩy mạnh tuyên truyền về giáo dục nghề nghiệp; tổ chức tốt công tác tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học sinh từ bậc trung học cơ sở; thiết lập hệ thống dự báo nhu cầu nhân lực qua đào tạo nghề...

- Lao động trẻ đang rất quan tâm tới khởi nghiệp sáng tạo. Vai trò của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong việc hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp thể hiện như thế nào, thưa Thứ trưởng?


- Nhằm khuyến khích học sinh, sinh viên khởi nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai “Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025” theo Quyết định số 1665/QĐ-TTg ngày 30-10-2017 của Thủ tướng Chính phủ. Bộ cũng đề ra một số giải pháp thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp trong học sinh, sinh viên khối giáo dục nghề nghiệp, đó là hỗ trợ đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng khởi nghiệp; hỗ trợ nguồn vốn cho dự án, ý tưởng khởi nghiệp; xây dựng tiêu chí đánh giá các cơ sở giáo dục nghề nghiệp theo định hướng khởi nghiệp...

Dự kiến, đến năm 2025, 100% cơ sở giáo dục nghề nghiệp có kế hoạch thực hiện chương trình hỗ trợ khởi nghiệp cho học sinh, sinh viên, thu hút 12 triệu lượt người tham gia. Cả nước có khoảng 50% trường cao đẳng, trung cấp hình thành các trung tâm hoặc câu lạc bộ hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp; tích cực gắn kết với doanh nghiệp, vận động nguồn lực xã hội hỗ trợ cho dự án, ý tưởng khởi nghiệp...

- Năm học 2019-2020 đang đến gần, Thứ trưởng có lời khuyên nào dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông?


- Theo tôi, công việc nào cũng tốt, ngành, nghề nào cũng có những ưu điểm. Điều cốt yếu là học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông phải tự tin lựa chọn theo học những ngành, nghề phù hợp với bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu của thị trường lao động.

Thực tế đã ghi nhận nhiều tấm gương thành công từ việc học nghề, làm nghề. Do vậy, tôi muốn nói với các bạn trẻ, học đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công. Các bạn hãy chủ động tìm một lối đi cho riêng mình!

- Trân trọng cảm ơn Thứ trưởng!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mỗi người nên chủ động lựa chọn hướng đi phù hợp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.