Theo dõi Báo Hànộimới trên

NSND Thanh Hương: “Tôi như con tằm nhả tơ đến cuối cuộc đời”

Trà Giang| 11/07/2019 14:43

(HNMCT) - NSND Thanh Hương là một trong số ít nữ danh ca cải lương nổi tiếng bậc nhất ở Thủ đô. Nhắc đến chị, khán giả nhớ ngay tới những vai diễn đẹp mà sầu bi, lấy đi không biết bao nhiêu nước mắt của người xem. Chăm chỉ trên sàn diễn, sống hết mình với nghệ thuật, chị luôn tâm niệm nghiệp của mình là diễn, mình như con tằm, rút ruột nhả tơ cho đến phút cuối cùng. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trò chuyện thân mật với chị về những đam mê với nghề diễn.

- Nhắc đến NSND Thanh Hương của Nhà hát Cải lương Hà Nội, khán giả nhớ ngay tới những vai bi, chẳng hạn như vai Kiều đã gắn liền với nghệ danh, khiến nhiều người trong giới vẫn gọi chị là Hương “Kiều”. Vậy mà gần đây lại thấy chị xuất hiện trong một tiểu phẩm hài cải lương, với vai diễn trẻ trung, dí dỏm. Chị có thể chia sẻ đôi chút về sự mới mẻ này?

- Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa xây dựng một số tiểu phẩm ngắn để phục vụ công chúng. Đây là một sự đổi mới của nhà hát, nhằm “đổi món” cho khán giả, bởi gu của khán giả bây giờ là những vở ngắn, súc tích, vui vui, đôi khi dựng một vở dài mất nhiều công sức mà ít được khán giả đón nhận. Bản thân tôi cũng phải thay đổi để thích ứng. Tuy là lần đầu tiên tham gia một tiểu phẩm hài nhưng vai của tôi vẫn là chính kịch, làm nền để các anh chị khác thể hiện, nên cũng không có gì là quá mới mẻ hay khó khăn cả.

- Nhiều nghệ sĩ ở nhà hát chị chia sẻ rằng đời sống của người nghệ sĩ cải lương miền Bắc hiện quá chật vật. Vậy với riêng chị, một trong những ngôi sao của cải lương Hà Nội, đã khẳng định được mình bằng nhiều vai diễn, huy chương và danh hiệu, thì sao?

- Đó là khó khăn chung của sân khấu truyền thống, không riêng gì cải lương. Nhiều khi đi diễn, thấy vắng khán giả chúng tôi cũng buồn, tủi lắm. Nhưng rồi tôi vẫn thấy còn một lượng khán giả rất mê cải lương, họ vẫn đón nhận cải lương, không hề quay lưng lại với cải lương đâu dù họ có quá nhiều sự lựa chọn. Chính những khán giả đó tiếp thêm lửa để mình làm nghề.

Về đời sống, nghệ sĩ truyền thống hầu như ai cũng phải “chân ngoài dài hơn chân trong”. Ngoài các show diễn của nhà hát, tôi cũng tham gia một vài sân khấu định kỳ như sân khấu ngoài trời ở Nhà Bát giác (vườn hoa Lý Thái Tổ), tham gia lồng tiếng các bộ phim truyền hình Việt Nam, lồng tiếng cho phim nước ngoài... Tôi cũng phải làm nhiều công việc để đảm bảo cuộc sống nhưng may mắn những việc đó vẫn là làm nghệ thuật chứ không phải làm gì khác.

- Gắn bó với sân khấu cải lương Hà Nội đã quá lâu, chứng kiến mọi thăng trầm của nghệ thuật này, đồng thời cũng chịu nhiều khó khăn, vất vả trong đời sống riêng tư vì nó. Đến giờ chị nghĩ sao về quyết định cả đời gắn bó với nghệ thuật cải lương của mình?

- Tôi bắt đầu theo nghề từ năm 14 tuổi, vào những năm 85-86 của thế kỷ trước. Bố mẹ tôi cũng là diễn viên đoàn cải lương Kim Phụng ngày xưa - NSƯT Nhật Minh và nghệ sĩ Minh Nghĩa. Khi tôi muốn bước chân lên sân khấu, bố mẹ cũng không đồng ý vì thấy đời nghệ sĩ của mình vất vả quá. Ông bà theo đoàn đi diễn liên miên, mà ngày xưa không có điều kiện như bây giờ, đoàn đi diễn toàn phải ở nhờ nhà dân hoặc ở cánh gà và gầm sân khấu, con cái không có điều kiện chăm nom nên không muốn con mình tiếp tục vất vả.

Nhưng tôi thì yêu cải lương quá, quyết tâm bằng được để chứng tỏ với bố mẹ rằng mình yêu nghề, có khả năng theo nghề và ngoài nghệ thuật ra thì không làm được gì khác nên bố mẹ bắt buộc phải cho theo thôi. Bây giờ nhìn lại chặng đường thì thấy vất vả nhưng đó là đam mê, tôi sẵn sàng hy sinh vì nó. Dĩ nhiên là mất cái này thì được cái kia, mình hy sinh thì vinh quang với nghề mình cũng đã được nhận rồi.

- Có lúc nào chị nghĩ ở một địa phương khác, như ở thành phố Hồ Chí Minh chẳng hạn, tài năng cải lương như chị sẽ có nhiều điều kiện để tỏa sáng hơn?

- Cũng có thể như vậy nhưng mỗi người lựa chọn một con đường riêng. Tôi cũng đã nhận được những lời mời nhưng tôi nghĩ rời bỏ nơi mình gắn bó thì sẽ vất vả hơn rất nhiều, kể cả mình có tài năng đi chăng nữa, rồi sẽ phải đánh đổi gia đình, con cái... Có nhiều điều chi phối khiến tôi không thể rời xa Hà Nội. Nhưng tôi cũng không có gì nuối tiếc bởi tôi đã từng được thể nghiệm ở nhiều sân khấu, được thể hiện ở nhiều dạng vai, được sống trọn vẹn với đam mê của mình.

- Đã thành danh với nghiệp diễn, có rất nhiều kinh nghiệm sân khấu, chị có ý định lấn sân sang một vai trò khác không, như làm đạo diễn chẳng hạn?

- Nếu muốn làm đạo diễn có lẽ tôi đã chuyển hướng từ lâu rồi. Tôi nghĩ nghiệp của mình là diễn. Tôi sẽ chỉ làm diễn viên và "nhả tơ" đến cuối cuộc đời.

- Cảm ơn chị đã chia sẻ!

Người yêu cải lương hẳn đều biết đến giọng ca vàng của NSND Thanh Hương, Nhà hát Cải lương Hà Nội. Tài năng của chị đã được khẳng định qua các kỳ hội diễn sân khấu chuyên nghiệp với 9 Huy chương Vàng. Năm 2001, Thanh Hương được Nhà nước phong tặng danh hiệu NSƯT khi mới 29 tuổi. Tháng 1-2016, chị được trao tặng danh hiệu NSND.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
NSND Thanh Hương: “Tôi như con tằm nhả tơ đến cuối cuộc đời”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.