Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

Nguyên Hoa| 21/07/2019 06:07

(HNM) - Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019-2024 sẽ diễn ra vào ngày 24 và 25-7. Đây là sự kiện quan trọng của những người làm công tác mặt trận nói riêng và của cả hệ thống chính trị thành phố nói chung, qua đó củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới. Phóng viên Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương về vấn đề này.

Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương.

Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động 

- Nhiệm kỳ 2014-2019, công tác mặt trận đã để lại những dấu ấn tốt đẹp trong lòng nhân dân và một trong những thành công nổi bật là hoạt động giám sát, phản biện xã hội. Đồng chí có thể cho biết cách làm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội để đạt được kết quả này?

- Có thể khẳng định, bí quyết để làm nên thành công trong lĩnh vực giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt ở cấp thành phố là có sự lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố. Cùng với đó là việc xây dựng, thực hiện chặt chẽ quy trình giám sát, phản biện.

Từ năm 2015, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội đã chủ động cùng với HĐND, UBND thành phố ký kết quy chế phối hợp. Vào tháng 12 hằng năm, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố chủ trì thống nhất với HĐND, UBND thành phố các nội dung phản biện của năm sau theo sự chỉ đạo của Thành ủy. Trước khi tổ chức hội nghị phản biện, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiến hành khảo sát thực tế với sự tham gia của các chuyên gia, nhà khoa học; lấy ý kiến nhân dân vùng có liên quan đến vấn đề chuẩn bị phản biện. Với cách làm bài bản này, sau khi tổ chức phản biện, các dự thảo, nghị quyết, đề án lớn của HĐND, UBND thành phố được ban hành đều đáp ứng nguyện vọng của nhân dân. 

5 năm qua, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 20 hội nghị phản biện xã hội đóng góp ý kiến, kiến nghị vào tờ trình và dự thảo nghị quyết HĐND thành phố, dự thảo quyết định, quy định của UBND thành phố. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện tổ chức được hơn 200 hội nghị phản biện xã hội; 177 cuộc đối thoại với nhân dân… Cùng với đó, công tác giám sát cũng được tăng cường, nâng cao hiệu quả. Theo đó, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã tổ chức 48 cuộc giám sát chuyên đề. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp huyện và các đoàn thể chính trị - xã hội đã thực hiện gần 1.200 cuộc giám sát; tham gia với các cơ quan nhà nước giám sát hơn 3.000 cuộc. Cấp xã tổ chức giám sát được 7.440 cuộc, phối hợp giám sát hơn 19.500 cuộc.

- Việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc được thể hiện ở nhiệm kỳ qua như thế nào, thưa đồng chí?

- Nhiệm kỳ qua, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp thành phố Hà Nội đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thể hiện rõ hơn vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện của các tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, các cá nhân tiêu biểu. Các hình thức tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc được đa dạng hóa, chú trọng phát huy đội ngũ cốt cán, người có uy tín, cá nhân tiêu biểu. Các phong trào, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo”, Quỹ “Vì biển, đảo Việt Nam”… nhận được sự hưởng ứng tích cực của đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Điển hình là thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của thành phố cùng với chính quyền vận động nhân dân đóng góp 2,1 triệu ngày công, hiến 273 nghìn mét vuông đất để xây dựng nông thôn mới; ủng hộ Quỹ “Vì người nghèo” hơn 268 tỷ đồng, hỗ trợ sửa chữa 8.148 nhà ở của hộ nghèo; hàng nghìn hộ nghèo được hỗ trợ giống, vốn phát triển sản xuất. Quỹ “Cứu trợ” của thành phố vận động được hơn 102 tỷ đồng, hỗ trợ hơn 81 tỷ đồng cho các nạn nhân bị thiệt hại do hỏa hoạn, thiên tai… trên địa bàn thành phố và các địa phương bạn.

- Theo đồng chí, nguyên nhân tạo nên thành công trong công tác mặt trận 5 năm qua là gì?

- Có được thành công đó là nhờ sự lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy Đảng, sự phối hợp hiệu quả của các cấp chính quyền. Điển hình như UBND thành phố và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã ban hành Kế hoạch liên tịch số 289/KHLT/UBND-UBMTTQ về triển khai tổ chức “Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc” ở khu dân cư nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cấp chính quyền với Mặt trận Tổ quốc, củng cố và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc. Gần đây nhất, UBND thành phố trình HĐND thành phố ban hành nghị quyết về tăng mức phụ cấp đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố, trong đó có cán bộ mặt trận. Sự quan tâm này là động lực để hệ thống mặt trận và cán bộ mặt trận thực hiện tốt hơn vai trò, trách nhiệm của mình.

Thành công trong công tác mặt trận còn thể hiện ở sự chủ động, tích cực của các tổ chức thành viên, sự năng động của cán bộ mặt trận và đặc biệt là sự quan tâm hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân Thủ đô.

Hướng về cơ sở, sát cơ sở là nhiệm vụ số một

- Để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giám sát, phản biện xã hội trong thời gian tới, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố định hướng hoạt động này như thế nào, thưa đồng chí?

- Xác định giám sát, phản biện xã hội là mũi nhọn, là hoạt động mang tính then chốt nhằm khẳng định vai trò của mặt trận trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nên Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố xác định, yếu tố quan trọng nhất để giám sát, phản biện xã hội đạt hiệu quả là phải tập hợp được đội ngũ các chuyên gia, nhà khoa học trên tất cả các lĩnh vực. Mặt khác, bản thân cán bộ làm công tác giám sát, phản biện xã hội phải tự nâng cao năng lực, trình độ để đáp ứng yêu cầu công việc. Khi kiện toàn cán bộ mặt trận các cấp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố luôn đề nghị với cấp ủy các địa phương tăng cường và bổ sung cán bộ từ khối chính quyền để có cơ sở thực hiện tốt công tác này.

- Nhìn rộng hơn, phương châm hoạt động của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố trong nhiệm kỳ 2019-2024 là gì, thưa đồng chí?

- Với những người làm công tác mặt trận nói chung và nhất là công tác mặt trận trên địa bàn Thủ đô Hà Nội nói riêng thì phương châm đầu tiên là không bao giờ được xa rời cơ sở, bởi cơ sở là nơi để mặt trận nắm dân, gần dân, phát huy vai trò tập hợp nhân dân. Vì vậy, hướng về cơ sở, sát cơ sở là nhiệm vụ số một và tiếp tục nằm trong mục tiêu đổi mới hoạt động của mặt trận trong nhiệm kỳ 2019-2024.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố tiếp tục tăng cường công tác giám sát, phản biện xã hội; thực hiện tốt các cuộc vận động, các phong trào. Công tác tuyên truyền, vận động cũng sẽ được tăng cường, phấn đấu không để một đoàn viên, hội viên, người dân nào không được mặt trận, cán bộ mặt trận và các tổ chức thành viên tiếp cận tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước và thành phố.

Ngoài ra, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố xác định sẽ tuyên truyền mạnh hơn về công tác điều hành, thực thi chính sách của thành phố để người dân nắm rõ hơn nhằm góp phần nâng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) của Hà Nội...

- Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2019-2024 là dịp để Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thể hiện vai trò, vị trí trong đời sống xã hội. Nhân dân Thủ đô đón nhận sự kiện này như thế nào, thưa đồng chí?

- Không chỉ đến thời điểm hiện tại, nhân dân Thủ đô mới quan tâm đến Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2019-2024 mà trước đó, khi tổ chức đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp, các tầng lớp nhân dân đã rất quan tâm và kỳ vọng.

Điển hình như khi góp ý văn kiện đại hội, Thường trực Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố đã nhận được nhiều thư góp ý trực tiếp rất tâm huyết của nhân dân. Ngoài ra, nhân dân còn bày tỏ sự quan tâm đến công tác cán bộ bởi ở đại hội lần này nhân sự có chuyển biến mới. Cụ thể là 100% chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, cấp huyện đều ở trong độ tuổi lao động.

Cùng với tổ chức đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các địa phương đều tổ chức các phong trào thi đua, hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, trao nhà đại đoàn kết... Qua đó tạo thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng; góp phần nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân và của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, nhiệm vụ của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong tình hình mới.

- Đồng chí có thể cho biết một số nét mới trong công tác nhân sự của Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố lần này?

- Trong mỗi kỳ đại hội, nhân sự luôn là khâu quan trọng. Thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TƯ của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”, đại hội lần này sẽ tinh giản nhân sự cả Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và Ủy viên Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố. Các đối tượng tham gia Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố sẽ mở rộng hơn; thay đổi theo tinh thần nâng cao tiêu chuẩn, chất lượng. Bên cạnh đó, công tác dân tộc và tôn giáo được quan tâm hơn nên sẽ cơ cấu một hòa thượng giữ chức Phó Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố…

- Trân trọng cảm ơn đồng chí về những nội dung trao đổi!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong tình hình mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.