Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tăng nguồn lực, xây dựng trường học xanh, sạch

Thống Nhất| 11/08/2019 06:55

(HNM) - Chỉ ít ngày nữa là khai giảng năm học 2019-2020, năm học bản lề chuẩn bị các điều kiện tốt nhất để triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông mới. Tăng nguồn lực để giải quyết cơ bản các vấn đề còn tồn tại của nhà vệ sinh trường học là một trong những nhiệm vụ của thành phố Hà Nội trong năm học này, nhằm quyết tâm xây dựng trường học xanh, sạch, bảo đảm sức khỏe cho học sinh.

Nhằm làm rõ sự cấp thiết cũng như giải pháp để đạt mục tiêu này, phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội. 

Nhà giáo ưu tú, Tiến sĩ Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội.

Nhà vệ sinh trường học - nhu cầu cấp thiết

- Nhà vệ sinh trường học luôn là đề tài “nóng” được các bậc phụ huynh học sinh và cả với những người trong ngành Giáo dục quan tâm. Ông có thể cho biết về vấn đề này tại các trường học ở Hà Nội hiện nay?

- Xác định nhà vệ sinh trường học có vai trò quan trọng trong việc bảo đảm sức khỏe của học sinh, đồng thời tạo cảnh quan môi trường học đường sạch, đẹp, thân thiện, thành phố Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo sát sao vấn đề này. Đặc biệt, sau khi điều chỉnh địa giới hành chính Thủ đô (năm 2008), mạng lưới trường học trên địa bàn thành phố rộng hơn, điều kiện về cơ sở vật chất giữa các địa bàn có sự khác biệt nhất định, việc giải quyết những tồn tại, hạn chế của nhà vệ sinh trường học càng trở nên cấp thiết.

Thành phố Hà Nội đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp cùng các sở, ngành liên quan khảo sát, kiểm tra, tham mưu trình thành phố phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên và giáo dục chuyên nghiệp; Quy hoạch mạng lưới trường học thành phố Hà Nội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đây là cơ sở quan trọng để các nhà trường tiếp tục được hoàn thiện về mọi mặt, trong đó có vấn đề cơ sở vật chất, phục vụ tốt hơn cho việc học tập và giảng dạy của học sinh, giáo viên.

Với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố, sự vào cuộc tích cực của các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã và sự nỗ lực của các nhà trường trong việc huy động nguồn lực cải thiện cơ sở vật chất, tính đến năm học 2018-2019, toàn thành phố có 1.704 trong tổng số 2.185 trường mầm non và phổ thông công lập có công trình nhà vệ sinh bảo đảm đúng tiêu chuẩn quy định tại Thông tư liên tịch số 13/2016/TTLT-BYT-BGDĐT quy định về công tác y tế trường học. Như vậy, số trường học có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn chiếm tỷ lệ 78%, trong đó cấp tiểu học có tỷ lệ cao nhất là 88%.

Tại cuộc họp giao ban công tác khối văn hóa - xã hội thành phố ngày 7-8-2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Ngô Văn Quý cũng đã chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các sở, ngành, UBND quận, huyện, thị xã quyết tâm từ nay tới tháng 6-2020 phải hoàn thành việc cải tạo, xây mới các nhà vệ sinh trường học, bảo đảm 100% các trường học có đủ nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn quy định.

- Như ông chia sẻ thì trên địa bàn thành phố vẫn còn 22% trường học có nhà vệ sinh chưa bảo đảm tiêu chuẩn. Xin ông nói rõ hơn về thực trạng, nguyên nhân?

- Khảo sát thực tế của Sở Giáo dục và Đào tạo cho thấy, trên địa bàn thành phố vẫn còn 22% số trường học chưa có nhà vệ sinh đáp ứng tiêu chuẩn, yêu cầu sử dụng. Số nhà vệ sinh trường học này có thể chưa bảo đảm các trang thiết bị cần thiết theo quy định như thiếu chỗ rửa tay, thiếu xà phòng rửa tay hoặc diện tích còn chật... Đơn cử, theo quy chuẩn xây dựng Việt Nam thì với trường tiểu học, nhà vệ sinh nam phải có tối thiểu 1 bồn rửa tay, 1 bệ xí và 1 bồn tiểu nam cho từ 20 đến 30 học sinh...

Mặc dù thành phố Hà Nội đã có nhiều nỗ lực tăng cường cơ sở vật chất, đặc biệt trong việc xây dựng nhà vệ sinh trường học với mục tiêu đẹp, tiện lợi, sạch sẽ, song ở giai đoạn hiện nay, thành phố còn nhiều khó khăn về cân đối ngân sách hỗ trợ các nhà trường. Kinh phí của nhiều địa phương, nhất là các huyện cũng rất hạn chế, trong khi các trường học ở khu vực này là nơi thiếu hoặc cơ sở vật chất nhà vệ sinh không bảo đảm.

Thời gian qua, nhiều đơn vị đã chủ động ưu tiên nguồn lực để cải tạo cơ sở vật chất, trong đó có nhà vệ sinh trường học, như quận Hà Đông, huyện Gia Lâm, huyện Thanh Trì… Đáng chú ý, năm học 2018-2019, quận Thanh Xuân đã dành nguồn vốn của quận để đầu tư xây dựng, mua sắm trang thiết bị nhà vệ sinh cho 100% trường tiểu học và trung học cơ sở trên địa bàn, với kinh phí đầu tư cho mỗi trường 2,5-3 tỷ đồng.

Tuy nhiên, với một số huyện như Ba Vì, Mỹ Đức, Phú Xuyên... thì khó có thể bố trí ngay được kinh phí để cải tạo, xây mới nhà vệ sinh, khi còn phải xây mới thay thế hàng trăm phòng học xuống cấp… để bảo đảm chỗ học an toàn cho học sinh.

Tăng đầu tư, rõ lộ trình

- Với thực tế hiện nay, nhu cầu xây mới, cải tạo nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố là rất lớn. Khó khăn về kinh phí sẽ được tháo gỡ như thế nào, thưa ông?

- Theo kết quả rà soát, thống kê về nhu cầu xây mới, cải tạo nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố, tính đến hết năm 2018, tổng số có hơn 11.000 nhà vệ sinh cần xây mới, cải tạo. Ước tính, kinh phí cần huy động là gần 1.400 tỷ đồng. Trong đó, nhu cầu xây mới, cải tạo nhà vệ sinh trường học ở khu vực các huyện chiếm 65% trong tổng số nhà vệ sinh nói trên.

Thành phố Hà Nội xác định việc huy động các nguồn lực của xã hội để tăng nguồn lực đầu tư cho nhà vệ sinh trường học là rất cần thiết. Bởi vậy, sau hội nghị “Hà Nội - Hợp tác đầu tư và phát triển” năm 2016, UBND thành phố đã có văn bản kêu gọi đầu tư, tài trợ cho các dự án xây mới hoặc nâng cấp, cải tạo nhà vệ sinh trường học trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020. Mục tiêu của chủ trương là nhằm góp phần cải thiện tình trạng thiếu nhà vệ sinh hoặc nhà vệ sinh không bảo đảm tiêu chuẩn quy định, đáp ứng tốt các điều kiện về chăm sóc, giáo dục học sinh ở trường học.

Nhằm đẩy nhanh tiến độ xóa nhà vệ sinh xuống cấp, tháo gỡ khó khăn cho các huyện và bảo đảm tính khả thi của kế hoạch, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị UBND thành phố dành ngân sách hỗ trợ cho 18 huyện, thị xã xây dựng bổ sung và cải tạo nhà vệ sinh trường học. Tỷ lệ ngân sách thành phố hỗ trợ cho các đơn vị này là 50%, phần còn lại do các địa phương bố trí vốn đối ứng.

Với 12 quận, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị chủ động kinh phí từ nguồn ngân sách và từ nguồn thu khác. Đến thời điểm này, một số huyện đang tích cực triển khai các dự án từ nguồn ngân sách được thành phố hỗ trợ và nguồn ngân sách của huyện, trong đó có lồng ghép việc xây dựng hoặc cải tạo nhà vệ sinh. Đơn cử, năm học 2017-2018, thành phố đã hỗ trợ hơn 800 tỷ đồng đầu tư cho 42 trường học của các huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Ứng Hòa, Ba Vì… Theo kế hoạch, năm học 2019-2020, thành phố cũng sẽ hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng mới nhà vệ sinh cho hơn 100 trường; cải tạo, sửa chữa cho hàng trăm trường ở khu vực ngoại thành...

- Có ý kiến cho rằng, trong điều kiện kinh phí hạn hẹp, những tồn tại của vấn đề nhà vệ sinh trường học khó có thể giải quyết theo mục tiêu đề ra. Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

- Để bảo đảm tính khả thi, trong kế hoạch triển khai, Sở Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng cụ thể lộ trình từng giai đoạn, trên cơ sở đó huy động nguồn lực đầu tư tập trung, tránh dàn trải. Ưu tiên trước hết là tập trung nguồn lực để đầu tư cho các huyện khó khăn về ngân sách và tỷ lệ nhu cầu xây dựng nhà vệ sinh cao. Riêng với các xã miền núi, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất thành phố hỗ trợ 100% nguồn kinh phí để xây dựng bổ sung và cải tạo nhà vệ sinh ở tất cả các trường học đang có nhu cầu. Bên cạnh vấn đề xây dựng, cải tạo nhà vệ sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo cùng các đơn vị liên quan cũng quan tâm đầu tư, nâng cấp nguồn nước sạch cho các nhà trường, góp phần bảo đảm sức khỏe và cảnh quan môi trường học đường sạch, đẹp, an toàn.

Với cách thức đầu tư và lộ trình cụ thể như trên, các quận, huyện, thị xã đều phát huy được sự chủ động của mình trong việc triển khai chủ trương này. Là đơn vị chủ trì, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ luôn theo sát quá trình triển khai của các đơn vị, nắm bắt diễn biến tình hình để kịp thời hỗ trợ hoặc báo cáo, đề xuất UBND thành phố trong trường hợp cần thiết.

- Để bảo đảm hiệu quả đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo có giải pháp nào để phát huy công năng, bảo quản lâu bền các hạng mục nhà vệ sinh trường học, thưa ông?

- Việc giữ gìn cảnh quan môi trường học đường sạch, đẹp là nhiệm vụ thường xuyên của mỗi trường học, cũng là một tiêu chí góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia. Toàn thành phố hiện có gần 67% số trường học đã đạt chuẩn và đang tiếp tục tăng, trong đó nhiều quận, huyện đã đạt hơn 90%... Để phát huy và duy trì bền vững các hạng mục được đầu tư trong nhà trường, năm học 2019-2020, Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ chú trọng hơn nữa công tác quản lý sử dụng, tăng cường tuyên truyền với học sinh để nâng cao ý thức bảo quản, giữ gìn các công trình, trong đó có nhà vệ sinh.

Sở Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp tục phát động phong trào thi đua xây dựng trường học xanh, sạch, đẹp, an toàn với mong muốn huy động sự tham gia tích cực của học sinh, cán bộ, giáo viên trong việc xây dựng, giữ gìn, bảo vệ ngôi trường của mình.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng nguồn lực, xây dựng trường học xanh, sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.