Theo dõi Báo Hànộimới trên

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn và mang tầm thời đại sâu sắc

Hoàng Lan| 29/08/2019 10:06

(HNMCT) - Đã 50 năm trôi qua nhưng bản Di chúc thiêng liêng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại cho chúng ta vẫn mãi là một văn kiện lịch sử, một tài sản tinh thần vô giá, kết tinh toàn bộ tinh hoa tư tưởng, tâm hồn và đạo đức của một lãnh tụ rất đời thường mà rất vĩ đại. Đặc biệt đây còn là tác phẩm có giá trị văn hóa lớn, được cộng đồng quốc tế công nhận là Di sản văn hóa của nhân loại. Hànộimới Cuối tuần đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Trọng Phúc - nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng để một lần nữa khẳng định điều này.

- Thưa Tiến sĩ Nguyễn Trọng Phúc, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến nay vẫn mang tính thời đại bởi nó chứa đựng trong đó những giá trị văn hóa sâu sắc. Theo ông những giá trị văn hóa ấy đã được thể hiện trong Di chúc của Người như thế nào?

- Đầu tiên phải khẳng định Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh hàm chứa nhiều giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc Việt Nam. Trước tiên đó là lòng yêu nước. Đây chính là nền tảng, là động lực của quá trình dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, trở thành hệ giá trị cốt lõi của cội nguồn và bản sắc văn hóa Việt. Tiếp đó, Di chúc của Bác còn hàm chứa trọn vẹn chủ nghĩa nhân văn, một giá trị chuẩn mực của văn hóa Việt Nam. Tính nhân văn thể hiện trong Di chúc là tình cảm thương yêu của Bác đối với tất cả các giới đồng bào, luôn đặt con người ở vị trí trước tiên, vị trí trung tâm. Trong bản Di chúc viết năm 1968, Bác dặn Đảng và Nhà nước sau khi chiến thắng giành độc lập thống nhất đất nước phải quan tâm đến từng đối tượng trong xã hội, không bỏ sót một ai, từ những người nông dân, công nhân, trí thức, thanh niên, thương binh, liệt sĩ, lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong...

Thậm chí Bác coi lực lượng vũ trang, thanh niên xung phong là lực lượng chủ lực vì đã được tôi luyện qua chiến tranh, nên có thể phát triển đất nước theo con đường Chủ nghĩa xã hội. Giá trị văn hóa của Di chúc Bác Hồ còn thể hiện tình cảm thương yêu với đồng chí, đồng bào và với bạn bè quốc tế. Đặc biệt với bạn bè quốc tế Bác dành những tình cảm quý báu và trong sáng. Ngay câu đầu tiên trong Di chúc Người viết rằng: “Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn. Tôi có ý định đến ngày đó..., tôi sẽ thay mặt nhân dân ta đi thăm và cảm ơn các nước anh em trong phe xã hội chủ nghĩa, và các nước bầu bạn khắp năm châu đã tận tình ủng hộ và giúp đỡ cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta”. Đây chính là một giá trị văn hóa biểu trưng cho văn hóa Việt Nam, đó là không bao giờ quên ơn những người đã ủng hộ, giúp đỡ mình.

- Vậy yếu tố nào khiến Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành Di sản văn hóa của nhân loại, thưa ông?

- Chính giá trị trường tồn của Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khiến nó trở thành Di sản văn hóa của nhân loại. Nó có sức mạnh trường tồn bởi không chỉ có ý nghĩa với công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của Việt Nam mà nó còn có ý nghĩa với các phong trào giải phóng dân tộc trên toàn thế giới. Cụ thể, tư tưởng của Hồ Chí Minh về con người trong Di chúc mang tầm thời đại sâu sắc. Đến thời điểm hiện tại, có thể thấy ở bất kỳ quốc gia nào đặt vai trò con người làm vị trí trung tâm thì ở đó có nền chính trị vững chắc nhất. Nhà nước nào mà không chú ý tới lợi ích của con người, để cho dân đói rét, khổ sở thì không thể nói là một nước phát triển, một nước văn minh.

Bên cạnh đó, cuộc đời, sự nghiệp và tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng đẹp của sự kết hợp tinh tế truyền thống văn hóa phương Đông và phương Tây mà đến nay những tư tưởng của Người về văn hóa vẫn vẹn nguyên giá trị, mang tính thời sự và nhân văn sâu sắc. Hồ Chí Minh không chỉ là người giải phóng dân tộc mình mà còn giải phóng tất cả các dân tộc bị áp bức trên thế giới. Nhờ cuộc cách mạng thành công mà các dân tộc bị áp bức trên thế giới noi gương Việt Nam đứng lên tự giải phóng mình. Cùng với đó, tình cảm quốc tế trong sáng của Bác thể hiện trong Di chúc đến nay vẫn mang ý nghĩa thời đại. Trong một lần trả lời nhà báo người Mỹ Mayci vào tháng 9-1947, Bác nói rằng: “Việt Nam là bạn của tất cả các nước trên thế giới không gây thù oán với một ai” và giờ câu nói đó đã trở thành đường lối đối ngoại của Đảng ta. Điều đó phản ánh tư duy đối ngoại của một vĩ nhân.

- Thưa Tiến sĩ, 50 năm qua, Đảng ta đã vận dụng Di chúc của Bác như thế nào trong công cuộc xây dựng đất nước đổi mới hiện nay?

- Sau 50 năm thực hiện Di chúc của Người, chúng ta có thể tự hào nói rằng mơ ước của Người đã trở thành sự thật. Đất nước ta giờ đây đã “đàng hoàng hơn, to đẹp hơn”. Gần đây tại Lễ kỷ niệm 89 năm Ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930 - 3/2/2019), Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như ngày nay”. Và sự thật Việt Nam từ một nước nghèo nàn lạc hậu sau chiến tranh đã vươn lên thành một nước có thu nhập trung bình, chính trị ổn định, an ninh quốc phòng được giữ vững. Học tập và làm theo Di chúc của Người, Đảng và Nhà nước trong công cuộc đổi mới hiện nay đã đặt con người làm vai trò trọng tâm.

Cụ thể, Nghị quyết Hội nghị Trung ương 9, khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đã được triển khai rộng khắp nhằm xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, hướng đến chân - thiện - mỹ, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học. Văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đây là biểu hiện của sự kế thừa, tiếp thu và bổ sung tinh thần, quan điểm của Người về văn hóa trong điều kiện, tình hình hiện nay.

Nhiều người dân tới tham quan triển lãm Di chúc của Bác - Nguồn sáng dẫn đường nhân dịp 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) đã không khỏi xúc động khi nhìn những hình ảnh, tài liệu, kỷ vật về Bác Hồ.

Tuy nhiên bên cạnh những mặt tích cực, vẫn còn đó những hạn chế. Cụ thể, Nghị quyết số 33-NQ/TƯ đã chỉ rõ: Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong Đảng và trong xã hội có chiều hướng gia tăng. Đời sống văn hóa tinh thần ở nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu; khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa miền núi, vùng sâu, vùng xa với đô thị và trong các tầng lớp nhân dân chậm được rút ngắn. Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng...

- Đứng trước những thách thức như vậy, theo ông Đảng và Nhà nước ta trong thời gian tới cần phải chú trọng những việc gì để khắc phục những hạn chế và đẩy mạnh việc học tập và làm theo Di chúc Hồ Chí Minh?

 - Học tập và làm theo Di chúc của Người, trước hết Đảng và Nhà nước cần đặt con người làm vai trò trọng tâm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, việc quan tâm chú trọng phát triển nguồn lực văn hóa, con người, phát huy tối đa tiềm năng “sức mạnh mềm” của đất nước là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy xã hội phát triển bền vững. Hơn lúc nào hết, việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam cần được quan tâm, đầu tư xứng đáng để nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế, chống lại những nguy cơ “diễn biến hòa bình” của những thế lực thù địch, phản động, chống lại những sản phẩm đồi trụy, phi văn hóa.

Bên cạnh đó, học tập theo Di chúc của Người, Nhà nước cần cổ vũ những tấm gương tốt, bên cạnh đó đẩy mạnh đấu tranh, phê phán những cái xấu như tham nhũng, lãng phí, suy thoái về tư tưởng đạo đức lối sống... Cũng từ bản Di chúc này, cùng với việc siết chặt kỷ luật, kỷ cương, pháp luật, Đảng ta cần nêu cao trách nhiệm nêu gương. Nêu gương của cán bộ, đảng viên là tỏ rõ sự biết ơn Bác, tự hào và nguyện làm theo Bác. Nêu gương về lòng trung thành vô hạn với lý tưởng cách mạng, suốt đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao. Nêu gương về đạo đức, lối sống trong sáng; về bản lĩnh, trách nhiệm, niềm tin. Nêu gương phải thực chất, tránh hình thức, cố tạo ra hình ảnh, phải thật sự chân thực trong công việc, cuộc sống của mỗi người lãnh đạo, bình dị, giản dị như cuộc đời của Bác.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có giá trị trường tồn và mang tầm thời đại sâu sắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.