Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội

Thanh Hiền| 21/09/2019 07:33

(HNM) - Đẩy mạnh cải cách hành chính, triển khai hiệu quả các chương trình, đề án thúc đẩy phát triển công nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, vượt qua những thách thức để hội nhập sâu rộng… là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành Công Thương Hà Nội đặt ra từ nay đến hết năm 2019 và định hướng đến năm 2021. Phóng viên Báo Hànộimới đã trao đổi với ông Lê Hồng Thăng, Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội về vấn đề này.

- Sản xuất công nghiệp 8 tháng năm 2019 của Thủ đô tăng 7,7% so với cùng kỳ năm 2018, ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả này?

- Trong 8 tháng năm 2019, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển ổn định. Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 7,8%; sản xuất, phân phối điện, khí đốt... tăng 8,1%; cung cấp nước, xử lý rác thải, nước thải tăng 7,8%; chỉ riêng ngành công nghiệp khai khoáng giảm 28,6%.

Bên cạnh đó, các ngành công nghiệp chủ lực tiếp tục tăng trưởng do doanh nghiệp đẩy mạnh mở rộng thị trường, đầu tư đổi mới thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm, năng lực cạnh tranh. Nhiều doanh nghiệp đã chủ động ứng dụng công nghệ mới, hiện đại vào sản xuất, tạo ra sản phẩm bảo đảm chất lượng được thị trường đón nhận, tiêu thụ ổn định. Sản phẩm công nghiệp chủ lực và công nghiệp hỗ trợ tiếp tục được thành phố quan tâm hỗ trợ phát triển.

Cùng với đó, thu hút đầu tư vào ngành công nghiệp hiệu quả, hầu hết các cụm công nghiệp hiện có đã được lấp đầy. Đây là cơ sở thuận lợi cho ngành công nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Việc hỗ trợ kịp thời, phù hợp sẽ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh. Ảnh: Viết Thành

- Bên cạnh những kết quả tích cực, các doanh nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong việc đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, hoặc đầu tư xây dựng mới. Vậy đâu là nguyên nhân, thưa ông?

- Thời gian qua, ngành Công Thương Hà Nội đã tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã để đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong việc triển khai dự án đầu tư xây dựng các cụm công nghiệp trên địa bàn để thu hút doanh nghiệp vào sản xuất, kinh doanh.

Nhưng, tiến độ triển khai chưa như mong muốn, 5 cụm công nghiệp đã có quyết định thành lập năm 2018, 3 cụm công nghiệp mới được thành lập đầu năm 2019, đến thời điểm hiện tại vẫn đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, chưa cụm công nghiệp nào khởi công xây dựng.

Thêm vào đó, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các khu, cụm công nghiệp mới còn chậm, trong khi giá thuê lại đất có hạ tầng tại một số khu công nghiệp trên địa bàn thành phố cao so với các tỉnh lân cận, khiến việc thu hút đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp gặp khó khăn.

Tuy nhiên, trong thời gian tới vẫn có những yếu tố và tín hiệu khả quan. Cụ thể, các cơ chế, chính sách thúc đẩy phát triển công nghiệp chủ lực, công nghiệp hỗ trợ trên địa bàn thành phố đã được ban hành và dần hoàn thiện nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp phát triển.

Đáng chú ý, tháng 6 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã khởi công dự án Nhà máy Sản xuất điện thoại thông minh Vsmart tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc, trên diện tích 15,2ha. Tháng 10 tới, giai đoạn 2 của nhà máy sẽ hoàn thành với công suất 34 triệu máy/năm. Đầu năm 2020, nhà máy sẽ đạt công suất cao nhất 125 triệu máy khi chính thức hoàn thiện.

- Từ nay đến cuối năm, ngành Công Thương Hà Nội sẽ có những giải pháp gì để hỗ trợ doanh nghiệp, thưa ông?

 - Ngành Công Thương sẽ tiếp tục tăng cường tham mưu với UBND thành phố về phát triển công nghiệp, thương mại trên địa bàn Thủ đô; đẩy mạnh cải cách hành chính với trọng tâm bãi bỏ các thủ tục không cần thiết, gây phiền hà cho doanh nghiệp, người dân. Đề xuất xây dựng cơ chế, chính sách mới phù hợp với nhu cầu phát triển, tạo thuận lợi hơn trong sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại.

Chủ động đôn đốc các huyện trong việc hoàn thiện thủ tục thành lập cụm công nghiệp theo quy hoạch; tạo mọi điều kiện về thủ tục đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tại những cụm công nghiệp đã được thành phố phê duyệt để sớm đưa doanh nghiệp vào hoạt động.

Sở cũng tiếp tục phối hợp với các sở, ngành liên quan, các quận, huyện, thị xã tăng cường thu hút đầu tư vào khu, cụm công nghiệp; đôn đốc chủ đầu tư tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật để thu hút doanh nghiệp vào hoạt động.

Đồng thời, tổ chức thực hiện những giải pháp tái cơ cấu lĩnh vực công nghiệp; triển khai hiệu quả các chương trình, đề án phát triển sản xuất công nghiệp theo chiều sâu, thúc đẩy đổi mới công nghệ, cải tiến quy trình sản xuất, đẩy mạnh ứng dụng công nghiệp 4.0...

Bên cạnh đó, Sở tiếp tục tăng cường hoạt động xúc tiến thương mại, thực hiện giải pháp mở rộng thị trường cho những sản phẩm có sức cạnh tranh, giá trị gia tăng cao, hoặc các nhóm sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn.

Tập trung triển khai hiệu quả kế hoạch hành động thực hiện chiến lược xuất, nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011-2020, định hướng đến năm 2030; đề án “Đẩy mạnh xuất khẩu của thành phố Hà Nội thời kỳ hội nhập đến năm 2020, định hướng đến năm 2025”… Đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; hỗ trợ doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án trung tâm thương mại, siêu thị, chợ; hỗ trợ doanh nghiệp bán lẻ phát triển hệ thống phân phối hiện đại. Phối hợp với cơ quan chức năng đẩy mạnh kiểm tra, xử lý hoạt động kinh doanh trái phép, chống buôn lậu, gian lận thương mại...

Tăng cường tập huấn, phổ biến tới cộng đồng doanh nghiệp về Hiệp định Thương mại tự do và Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam - EU (EVFTA và EVIPA), nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao nhận thức, năng lực cạnh tranh, nắm bắt cơ hội, vượt qua những thách thức để hội nhập sâu rộng.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.