Theo dõi Báo Hànộimới trên

Xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

Minh Ngọc| 28/09/2019 07:10

(HNM) - Những nội dung nhận được sự quan tâm đặc biệt của người lao động, người sử dụng lao động và cộng đồng trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) dần đi đến các phương án thống nhất.

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới xung quanh vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Bùi Sỹ Lợi cho biết, những phương án có số đông người đồng thuận, vừa bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, vừa hướng tới sự phát triển bền vững.

Những đề xuất mới tại dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) nhằm bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

- Đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa lên 400 giờ/năm (tăng 100 giờ so với quy định hiện hành) nhận được nhiều ý kiến ủng hộ. Tuy nhiên, tại phiên họp thứ 37 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc tăng giờ làm thêm. Ông có thể cho biết lý do?

- Trong quá trình đưa ra lấy ý kiến, Ban Soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) tiếp nhận hai luồng quan điểm về đề xuất mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa. Những ý kiến tán thành cho rằng, tăng giờ làm thêm xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, cũng là nguyện vọng của người lao động (chủ yếu ở nhóm lao động phổ thông) để tăng thu nhập, do tiền lương thực tế chưa đủ sống. Những ý kiến không đồng thuận phân tích, trong bối cảnh hội nhập, phát triển toàn diện, hoạt động sản xuất, kinh doanh cần hướng đến mục tiêu tăng năng suất lao động, cải tiến công nghệ, quản trị doanh nghiệp, bảo đảm sức khỏe cho người lao động về lâu dài…

Trên cơ sở tiếp thu các ý kiến góp ý và kết quả khảo sát, giám sát thực tiễn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận định, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, nhất là trong bối cảnh công nghệ phát triển, tay nghề người lao động ngày càng nâng cao... Do đó, ở thời điểm hiện nay, Ủy ban Thường vụ Quốc hội không tán thành việc tăng giờ làm thêm.

- Thưa ông, giảm giờ làm là xu hướng tiến bộ, vậy tại sao kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường từ 48 giờ/tuần, xuống còn 44 giờ/tuần lại không được đưa vào dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)?

- Đưa ra kiến nghị giảm giờ làm việc bình thường, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam - đại diện phía người lao động cho rằng, nước ta đang thực hiện giờ làm việc bình thường trong tuần, trong năm thuộc nhóm cao so với nhiều quốc gia. Còn theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - đại diện phía người sử dụng lao động, nước ta đang phát triển nhiều ngành công nghiệp dựa vào sức lao động, thì phải giữ được sức cạnh tranh về lao động. Hơn nữa, các quốc gia trong khu vực có thế mạnh về xuất khẩu vẫn duy trì giờ làm việc là 48 giờ/tuần, nếu giảm giờ làm, sức cạnh tranh của nước ta sẽ giảm.

Việc tăng hay giảm giờ làm việc bình thường của người lao động là vấn đề hệ trọng, nên Ban Soạn thảo dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) chưa đưa đề xuất giảm giờ làm việc bình thường vào dự thảo, mà giữ nguyên giờ làm việc như hiện nay.

- Khác với ý kiến đa chiều về những kiến nghị liên quan đến giờ làm việc, đề xuất điều chỉnh tăng dần tuổi nghỉ hưu lên đủ 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ được đa số ý kiến đồng thuận. Nội dung này thể hiện trong dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) như thế nào?

- Nội dung điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, hiện có 2 phương án. Phương án 1, quy định rõ độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam, nữ trong Bộ luật Lao động, nhưng giao Chính phủ quy định lộ trình. Phương án 2, quy định cụ thể cả độ tuổi và lộ trình tăng trong luật, tức là từ năm 2021 trở đi, mỗi năm, lao động nam sẽ tăng thêm 3 tháng, nữ sẽ tăng thêm 4 tháng, cho đến khi nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi. Theo phương án 2, đến năm 2028 nước ta mới có lao động nam đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 62 và năm 2035 mới có lao động nữ đầu tiên nghỉ hưu ở độ tuổi 60.

Hai phương án nêu trên đều đạt mục tiêu cụ thể hóa quan điểm của Nghị quyết số 28-NQ/TƯ ngày 23-5-2018 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội. Vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến với cả hai phương án.

- Quan điểm không nên mở rộng khung thỏa thuận giờ làm thêm tối đa, nên tăng dần độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình… đã tương đối rõ ràng, nhất quán. Theo ông, những nội dung này nên được luật hóa ra sao?

- Tôi cho rằng, đối với thời gian làm thêm, nên được luật hóa theo hướng giao Chính phủ quy định cụ thể danh mục nhóm lao động được làm thêm giờ. Thời gian làm thêm tối đa không được quá 40 giờ/tháng; đồng thời phải tăng cường thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm để tránh tình trạng lách luật.

Nội dung điều chỉnh tăng dần độ tuổi nghỉ hưu cũng giao cho Chính phủ quy định cụ thể. Trong đó, nhóm lao động tăng theo lộ trình để đạt 60 tuổi đối với lao động nữ, 62 tuổi đối với lao động nam là những người làm việc trong điều kiện bình thường. Nhóm lao động làm việc trong điều kiện nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm có thể nghỉ hưu sớm hơn. Nhóm lao động có trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, còn đủ năng lực, sức khỏe có thể nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 năm so với quy định.

Bộ luật Lao động là bộ luật gốc, liên quan đến các vấn đề về việc làm, an sinh xã hội. Do đó, để hoàn thiện dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi), các cơ quan chức năng tiếp tục tiếp thu những ý kiến góp ý, hoàn thiện theo hướng bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các bên, phù hợp với xu hướng phát triển bền vững.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi): Bảo đảm hài hòa lợi ích các bên

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.