Theo dõi Báo Hànộimới trên

Định danh và xác thực điện tử: Cơ sở để triển khai dịch vụ công trực tuyến

Việt Nga| 18/11/2019 07:27

(HNM) - Định danh và xác thực điện tử là yếu tố quan trọng phục vụ cho quá trình xây dựng chính phủ số, kinh tế số, cũng là điều kiện cần thiết để triển khai thành công dịch vụ công trực tuyến. Đây là vấn đề được ông Lã Hoàng Trung - Giám đốc Trung tâm Chứng thực điện tử quốc gia (Bộ Thông tin và Truyền thông) đề cập khi trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới về những ích lợi của dịch vụ này.

Định danh và xác thực điện tử là cơ sở quan trọng để triển khai dịch vụ công tới người dân và doanh nghiệp. Ảnh: VNPT

- Khái niệm “định danh điện tử”, “xác thực điện tử” còn rất mới với người dân, vậy ông có thể lý giải như thế nào cho dễ hiểu?

- Thực ra “định danh” và “xác thực” là những khái niệm có từ lâu và có nghĩa rất rộng. “Định danh” là những thông tin cần thiết để xác định chính xác một đối tượng trong một hoàn cảnh. “Xác thực” là để kiểm tra, xác minh các thông tin của đối tượng có đúng là những thông tin mà đối tượng cung cấp, hoặc khai báo.

Có thể lấy ví dụ trong thực tế, khi đến một cơ quan để thực hiện dịch vụ công, người dân phải cung cấp thông tin định danh (thông tin nhân thân) trước khi thực hiện dịch vụ. Khi đó, cơ quan cung cấp dịch vụ sẽ thực hiện xác thực người dân đang thực hiện dịch vụ và thông tin người đó cung cấp thông qua giấy tờ tùy thân có ảnh như: Căn cước công dân, chứng minh nhân dân.

Tương tự như vậy, khi bắt đầu thực hiện một giao dịch điện tử, các bên cũng cần biết định danh của đối tượng đang thực hiện giao dịch với mình. Do vậy, định danh điện tử và xác thực điện tử là nhằm giúp các bên thực hiện giao dịch điện tử biết được đối tượng đang thực hiện giao dịch với mình là ai.

Một ví dụ nữa để bạn đọc dễ hiểu về định danh và xác thực điện tử: Khi đăng ký tài khoản mạng xã hội như Facebook, người sử dụng phải cung cấp thông tin định danh theo yêu cầu (họ tên, ngày sinh, số điện thoại…) và đăng ký phương thức xác thực thường là tên đăng nhập và mật khẩu.

- Ông vừa nhắc đến một ví dụ rất gần với hầu hết người sử dụng, đó là định danh khi tham gia mạng xã hội. Vậy, định danh và xác thực điện tử thường được sử dụng ở những lĩnh vực nào?

- Định danh và xác thực điện tử được sử dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, với các mức độ bảo đảm an toàn khác nhau. Ví dụ, khi người sử dụng đăng nhập mạng xã hội Facebook, hoặc thư điện tử gmail (của Google) thì các nhà cung cấp dịch vụ nước ngoài này (Facebook, Google) đều yêu cầu định danh người sử dụng thông qua các thông tin đã cung cấp khi đăng ký tài khoản...

Dẫn chứng như vậy để hiểu rằng, khi tham gia sử dụng các dịch vụ qua mạng, nhà cung cấp (cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp) đều yêu cầu người dùng phải đăng ký định danh và xác thực điện tử.

Để tạo hành lang pháp lý cho dịch vụ này phát triển và thực hiện Nghị quyết số 44/NQ-CP, ngày 24-6-2019 của Chính phủ (về việc thông qua đề nghị xây dựng nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử), Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng dự thảo nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử. Nghị định ra đời nhằm hỗ trợ việc định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân, tổ chức tham gia giao dịch điện tử với cơ quan nhà nước, cụ thể là các dịch vụ công trực tuyến.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về lợi ích của việc định danh và xác thực điện tử khi người dân sử dụng các dịch vụ công?

- Đối với các giao dịch điện tử giữa cá nhân, tổ chức với cơ quan nhà nước, định danh và xác thực điện tử giúp tạo ra sự tin tưởng giữa các bên tham gia giao dịch khi biết chắc chắn cá nhân, tổ chức đang giao dịch với mình là ai, là tổ chức nào. Vì vậy, định danh và xác thực điện tử bảo đảm an toàn, tin cậy sẽ là cơ sở để thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ cao, giúp cá nhân, tổ chức có thể thực hiện dịch vụ công mà không cần trực tiếp đến cơ quan cung cấp dịch vụ.

Sau khi nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử được ban hành, sẽ có các tổ chức cung cấp dịch vụ định danh và xác thực điện tử thực hiện cung cấp dịch vụ này, tạo ra thị trường dịch vụ định danh và xác thực điện tử. Điều này giúp người dân sử dụng dịch vụ một cách thuận tiện để thực hiện các dịch vụ công trực tuyến; đồng thời, giúp định danh điện tử có thể được sử dụng cả cho các giao dịch trong khu vực tư nhân.

- Các giao dịch qua mạng luôn đặt vấn đề về an toàn, bảo mật. Vậy, cơ quan quản lý nhà nước sẽ có những biện pháp nào cho định danh và xác thực điện tử, thưa ông?

- Định danh và xác thực điện tử chính là các quy trình để bảo đảm an toàn, bảo mật cho các bên tham gia giao dịch điện tử. Nghị định quy định về định danh và xác thực điện tử sẽ quy định về quy trình tạo lập, quản lý, sử dụng thông tin định danh điện tử và các phương tiện xác thực để bảo đảm việc xác thực là an toàn.

Để xây dựng dự thảo nghị định, chúng tôi đã tìm hiểu, nghiên cứu tại nhiều quốc gia đã triển khai. Định danh và xác thực điện tử là chủ đề nghiên cứu, ứng dụng ở hầu hết các nước, đặc biệt là những nước phát triển, có số lượng giao dịch điện tử lớn. Trong quá trình xây dựng dự thảo nghị định, Bộ Thông tin và Truyền thông đã khảo sát, học tập kinh nghiệm xây dựng chính sách và triển khai thực tế tại Hoa Kỳ, châu Âu (Pháp, Phần Lan…), Australia và Thái Lan. Đây là những nước có những chính sách, quy định cụ thể, toàn diện về định danh và xác thực điện tử, đồng thời đã triển khai khá thành công trong thực tế.

- Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Định danh và xác thực điện tử: Cơ sở để triển khai dịch vụ công trực tuyến

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.