Theo dõi Báo Hànộimới trên

7 di sản thế giới mới

Thương Nguyệt| 07/11/2018 12:28

(HNMO) – Các công trình nằm rải rác trên bốn lục địa, đại diện cho kiến trúc tiêu biểu hoặc sự phát triển của các triều đại và đế chế cổ xưa. Tất cả đều được công nhận là di sản thế giới sau cuộc bình chọn của hơn 100 triệu người trên toàn thế giới.

Vạn lý trường thành. Ảnh: Getty Images


Vạn lý trường thành – một trong những biểu tượng quốc gia của Trung Quốc là công sự làm từ đất và đá, gồm nhiều bức tường xây chồng lên nhau được xây dựng trong gần 1.800 năm với tổng chiều dài ước tính từ 10.000 đến 20.000 km. Đây được coi là công trình dài nhất do con người xây dựng, trải dài qua các đèo và đỉnh núi, tận dụng triệt để lợi thế chiến lược của địa hình tự nhiên nhằm bảo vệ biên giới Trung Quốc trước quân xâm lược Mông Cổ. Phần nguyên vẹn nhất của Vạn lý trường thành kéo dài từ phía Đông Nam tỉnh Liêu Ninh đến Tây Bắc tỉnh Cam Túc. Triều đại phong kiến nhà Minh từng củng cố và duy tu khu vực này từ năm 1368 đến 1644.

Đền Taj Mahal. Ảnh: Flickr


Đền Taj Mahal (Ấn Độ) do khoảng 20.000 công nhân tham gia xây dựng trong 16 năm ròng rã (từ 1632 đến 1648). Công trình là một trong những biểu tượng kiến trúc nổi tiếng của Mughal - đế quốc hùng mạnh từng một thời cai trị các tiểu lục địa Ấn Độ từ năm 1526 tới 1761, nhấn mạnh vào sự đối xứng, tính cân bằng và được làm từ đá cẩm thạch trắng. Taj Mahal cũng được đánh giá là hình mẫu hoàn hảo nhất của nghệ thuật Hồi giáo tại Ấn Độ, thể hiện nhiều phong cách kiến trúc khác nhau, từ Ba Tư, Thổ Nhĩ Kỳ cho tới Ấn Độ.

Thành phố Petra. Ảnh: Flickr


Thành phố Petra (Jordan) được xây dựng từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên đến thế kỷ thứ II sau Công nguyên. Đây từng là thủ đô của đế chế Nabataean dưới sự trị vì của Vua Aretas IV, trước khi rơi vào tay đế quốc La Mã năm 106 sau Công nguyên. Cư dân thuộc nền văn minh này được cho là những chuyên gia thành thạo về công nghệ liên quan đến nước, đã xây dựng hệ thống đường hầm phức tạp và một khu vực chứa nước để tạo ra một ốc đảo nhân tạo trong thành phố. Petra được công nhận là di sản thế giới năm 1985 nhưng không thu hút khách du lịch như trước do tình trạng bất ổn tại Trung Đông. Bản thân thành phố cũng đối mặt nguy cơ từ những trận lũ quét và bị xói mòn do ảnh hưởng của mưa gió.

Đấu trường La Mã. Ảnh: Flickr


Đấu trường La Mã (Rome, Italia) được xây dựng từ năm 72 đến 82 sau Công nguyên. Công trình hình elip với chiều cao 48m, dài 189m và rộng 156m có sức chứa 50.000 khán giả cùng lúc và là nơi diễn ra những cuộc đọ sức đẫm máu của các dũng sĩ giác đấu, hoặc các sự kiện công khai khác như săn thú hay xử tử… Đấu trường có thời gian được sử dụng như nơi ở tạm thời sau khi đế chế La Mã sụp đổ và hiện tại chỉ còn 1/3 nguyên vẹn do ảnh hưởng của động đất và nạn trộm cắp.

Tượng Chúa Cứu Thế. Ảnh: Flickr


Tượng Chúa Cứu Thế (Rio de Janeiro, Brazil) là tượng Chúa Jesus nổi tiếng theo phong cách Art Deco lớn nhất thế giới. Tượng được xây dựng từ năm 1926 đến năm 1931, cao 30m, có phần đế 8m với sải tay dài 28m và nặng 1.145 tấn. Công trình nằm trên đỉnh núi Corcovado ở độ cao 710 m nên dễ dàng chịu ảnh hưởng của thời tiết và sấm sét.

Thành phố cổ Chichen Itza. Ảnh: Flickr


Chichen Itza (Mexico) là thành phố cổ thuộc nền văn minh Maya, được xây dựng từ thế kỷ thứ V đến XIII. Thành phố phát triển hưng thịnh đến khoảng năm 1200 sau Công nguyên, trước khi tham gia liên minh chính trị với các thành phố Mayapan và Uxmal. Chichen Itza đã bị bỏ hoang khi những người Tây Ban Nha tìm ra vào thế kỷ XVI và các cuộc khảo cổ học tại đây chỉ được tiến hành vào đầu thế kỷ XIX. Thành phố là công trình kỳ vĩ với những ngôi đền tôn giáo là minh chứng mẫu mực cho sự phát triển của nền văn minh Maya trong các lĩnh vực khoa học và thiên văn.

Thành phố Machu Pichu. Ảnh: Flickr


Machu Picchu (Peru) là một trong số ít thành phố cổ còn nguyên vẹn đến ngày nay, được xây dựng vào khoảng giữa những năm 1400, cũng là giai đoạn đỉnh cao của đế chế Inca. Thành phố nằm bên sườn Đông của dãy Andes, hoàn toàn không được thế giới bên ngoài biết tới cho đến khi một nhà khảo cổ học tìm ra vào năm 1911. Khách du lịch có thể đến thăm thành phố này thông qua đi bộ, tàu hỏa hoặc trực thăng. Nhằm bảo vệ Machu Picchu trước những tác động của con người, Chính phủ Peru đã áp dụng lệnh hạn chế khoảng thời gian khách du lịch có mặt tại đây.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
7 di sản thế giới mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.